Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Chiến lược kinh doanh trong thời đại số
Thứ hai: 09:22 ngày 16/12/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Tại Hội chợ đặc sản vùng miền và sản phẩm tiêu biểu khu vực Đông Nam bộ năm 2024 tổ chức tại Tây Ninh, lần đầu tiên các doanh nghiệp áp dụng hình thức bán hàng trên nền tảng số.

Chiến lược kinh doanh trong thời đại số

Ngày nay, livestream (phát trực tiếp) bán hàng đang trở thành xu hướng tiếp thị mới, hỗ trợ đắc lực cho hoạt động thương mại điện tử. Nắm bắt xu thế này, nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã và đang đẩy mạnh hoạt động livestream nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng.

Tại Hội chợ đặc sản vùng miền và sản phẩm tiêu biểu khu vực Đông Nam bộ năm 2024 tổ chức tại Tây Ninh, lần đầu tiên các doanh nghiệp áp dụng hình thức bán hàng trên nền tảng số.

Cơ hội cho doanh nghiệp

Một trong những điểm nhấn nổi bật của Hội chợ là chương trình livestream, Talk Show, B2B do Sở Công thương phối hợp MCN Live Channel tổ chức, chương trình kết nối bán hàng trực tuyến trên nền tảng Shopee, TikTok dành cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đăng ký tham gia.

Nhiều doanh nghiệp áp dụng hình thức livestream bán hàng tại Hội chợ đặc sản vùng miền và sản phẩm tiêu biểu khu vực Đông Nam bộ năm 2024

Chương trình hướng đến mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, đơn vị giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng vùng miền của tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ tiếp cận và áp dụng bán hàng trên sàn thương mại điện tử. Qua đó tạo sức lan toả, giúp doanh nghiệp Việt nhanh chóng tiếp cận, thích ứng, khai thác xu hướng mới.

Đại diện Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương Mại Tây Ninh cho biết, tại Hội chợ này, một số doanh nghiệp đã áp dụng hình thức bán hàng trên nền tảng số, đặc biệt là kênh TikTok Shop. Việc bán hàng trên nền tảng số đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng thị trường cho các cơ sở sản xuất tại Tây Ninh. Thay vì giới hạn trong thị trường truyền thống, các đơn vị có thể tiếp cận khách hàng trên toàn quốc, thậm chí là quốc tế.

Phiên livestream của một doanh nghiệp tại Hội chợ trên nền tảng Shopee.

TikTok Shop không chỉ giúp tăng doanh thu mà còn là công cụ quảng bá đặc sản địa phương hiệu quả. Những video ngắn, sáng tạo không chỉ thúc đẩy mua hàng mà còn lan tỏa hình ảnh đặc sản Tây Ninh đến nhiều người hơn. Việc bán hàng trên nền tảng số, đặc biệt là TikTok Shop đang đem lại nhiều hiệu quả tích cực như: tiếp cận khách hàng rộng hơn, tăng doanh thu, quảng bá thương hiệu, chi phí thấp hơn so với truyền thống…

Bên cạnh những thuận lợi, trong quá trình thực hiện, nhiều doanh nghiệp còn gặp không ít khó khăn như: thiếu kiến thức công nghệ nên gặp khó trong việc tạo tài khoản, đăng sản phẩm và quản lý đơn hàng trên nền tảng số; thiếu kỹ năng sáng tạo nội dung vì TikTok Shop yêu cầu video hấp dẫn và sáng tạo để thu hút người xem - điều mà nhiều cơ sở chưa thực hiện tốt; chịu sự cạnh tranh gay gắt, bởi với hàng trăm nghìn nhà bán hàng trên TikTok Shop, các cơ sở nhỏ khó nổi bật nếu không có chiến lược tiếp thị rõ ràng. Trong đó, đa số lưu lượng truy cập và doanh thu đều đến từ các KOLs - những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội.

Ông Vũ Thái Lành- Giám đốc Công ty Cổ phần Lành Group (thị xã Trảng Bàng) giới thiệu sản phẩm trong buổi livestream cùng Tiktoker Lê Ngọc Hiếu.

“Bán hàng trên nền tảng TikTok Shop theo tôi là khó chứ không đơn giản, vì người livestream phải có kỹ năng về quan hệ công chúng, bên cạnh đó nền tảng này cũng giới hạn từ ngữ rất khắt khe, ví dụ dùng những từ “tốt nhất, rẻ nhất, tiện nhất…” sẽ vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng. Vì vậy, để các doanh nghiệp bán được sản phẩm qua nền tảng này cần phải tuân thủ những quy định chung, nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng trên mạng xã hội để từ đó nâng cao hiệu quả bán hàng thông qua công nghệ số”- ông Vũ Thái Lành, Giám đốc Công ty Cổ phần Lành Group (thị xã Trảng Bàng, Tây Ninh) chia sẻ.

Doanh nghiệp xây dựng thương hiệu trên nền tảng số

Hội chợ đặc sản Tây Ninh năm nay đã mang đến cơ hội kết nối không chỉ giữa các cơ sở sản xuất địa phương với khách hàng mà còn mở rộng khả năng bán hàng trực tuyến thông qua nền tảng TikTok Shop. Với sự hỗ trợ toàn diện từ TikTok Shop, các phiên livestream tại hội chợ không chỉ thu hút lượng lớn người xem mà còn đạt hiệu quả cao trong việc tăng doanh số và quảng bá thương hiệu đặc sản vùng miền. TikTok Shop đã triển khai nhiều công cụ và chính sách đặc biệt để tăng cường lưu lượng truy cập vào các phiên livestream tại hội chợ, trong đó các phiên phát trực tiếp tại đây được hiển thị trên trang chủ và mục khám phá của người dùng TikTok.

Hậu trường buổi livestream bán hàng trên nền tảng số.

Anh Lê Trung Tín, nhân viên kinh doanh Nhà máy Lúa vàng Việt (Công ty TNHH Đức Thành, tỉnh Tây Ninh) chia sẻ: “Trong thời đại 4.0, tôi thấy các doanh nghiệp nên tận dụng nền tảng số để phát triển thương hiệu của mình. Ở phiên livestream hôm nay, chúng tôi giới thiệu 3 sản phẩm là “Gạo hạnh phúc; ST25 và gạo Nàng Tấm”, 3 sản phẩm này được chứng nhận OCOP 4 sao, 2 năm liền đạt tiêu chuẩn Hàng Việt Nam chất lượng cao.

Lần đầu tiên livestream, tôi thấy lượt tương tác khá ổn, được nhiều người theo dõi. So với bán hàng truyền thống, bán hàng công nghệ số mang lại lợi ích cho người sử dụng công nghệ rất nhiều, dễ tiếp cận với người tiêu dùng trên khắp cả nước, không cần đến tận nơi để giới thiệu sản phẩm vẫn được nhiều người biết đến. Hiện các sản phẩm của Lúa vàng Việt được bán trên các nền tảng như: tiktok, shopee, tiki, lazada..."

Hiện nay, hình thức livestream được rất nhiều nền tảng ưu tiên, từ nền tảng trải nghiệm, kết nối cho đến những sàn thương mại điện tử. Hình thức này giúp người bán tạo được đơn hàng rất lớn trong một khoảng thời gian giới hạn và giúp nhà bán hàng tối ưu được chi phí trong kinh doanh.

Đặc biệt, Hội chợ đặc sản vùng miền và sản phẩm tiêu biểu các tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ - Tây Ninh năm 2024 có sự phối hợp đồng bộ giữa Công ty TNHH Truyền thông Live Channel, TikTok Shop và các KOLs như anh Tiêu Hoàng Minh (Kênh Min Mặn Mòi), chị Phùng Minh Trang (Kênh Siêu Thị 4.0) và anh Lê Ngọc Hiếu (Kênh Hiếu Rì Viu) sẽ tạo nên sức mạnh cộng hưởng, góp phần quảng bá các sản phẩm trên nền tảng số.

Chị Phùng Minh Trang- hot livestream đến từ Nam Định đang livestream sản phẩm của doanh nghiệp Tây Ninh trên kênh Shopee

Chị Phùng Minh Trang- hot livestream, đến từ Nam Định chia sẻ: “Tôi được các nhãn hàng tại Tây Ninh mời về livestream trên kênh của họ. Hiện tại, có 2 hình thức bán hàng một là mình tự xây dựng kênh rồi livestream trên đó, hai là mình sẽ được nhãn hàng thuê về để livestream trên kênh của họ. Đây là lần đầu tiên tôi đến Tây Ninh và xuất hiện ở kênh của doanh nghiệp địa phương. Theo tôi, nhìn chung những sản phẩm của Tây Ninh rất thông dụng, gần gũi với cuộc sống hàng ngày như: muối, bánh tráng, trà, nhang… tôi thấy các sản phẩm có giá thành phù hợp túi tiền người tiêu dùng, sản phẩm chất lượng, được các cơ quan chức năng cấp phép".

“Việc Livestream bán hàng trên các nền tảng số sẽ tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng hơn. Ngày xưa người tiêu dùng cần mua những món đồ của địa phương phải đến tận nơi để mua, sau này chỉ cần một cú nhấp chuột, đặt hàng online là được giao tận nơi, được xem hàng trước khi nhận và đổi trả nếu không đúng mẫu mã đã đặt”- chị Minh Trang thông tin thêm.

 

Thương hiệu bánh tráng Tân Nhiên tại buổi livestream bán hàng.

Livestream bán hàng online qua các nền tảng trực tuyến đang là một trong những xu hướng tất yếu và trở thành một phương tiện quan trọng trong chiến lược tiếp thị và bán hàng của doanh nghiệp, tạo cơ hội cho các tiểu thương, doanh nghiệp tiếp cận và mở rộng thị trường, nhất là với các doanh nghiệp khởi nghiệp, hoạt động bán lẻ hàng hóa. Nhiều doanh nghiệp tại Tây Ninh đang đẩy mạnh bán hàng trên nền tảng số và đầu tư rất bài bản, có thể nói đây là kênh phân phối hàng hóa rất tiềm năng.

Hoàng Yến – Nhi Trần

Tin cùng chuyên mục