Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Cuộc bỏ phiếu hôm 18/7 tại Quốc hội Pháp thực sự đã cho thấy một “khe cửa hẹp” để phá vỡ thế bế tắc.
Đảng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đạt được thỏa thuận vào phút chót với các nhà lập pháp cánh hữu để giành chiến thắng trong một cuộc bỏ phiếu mang tính quyết định tại Quốc hội Pháp hôm 18/7.
Chiến thắng quan trọng này giúp cho Tổng thống Pháp dễ dàng hơn trong việc lựa chọn người sẽ thành lập chính phủ tiếp theo để điều hành sự vụ hàng ngày tại một trong những nền kinh tế hàng đầu châu Âu.
Đây cũng là bước đột phá đầu tiên cho nỗ lực hình thành đa số trong bối cảnh bế tắc sau cuộc bầu cử lập pháp trước thời hạn chứng kiến khối trung dung Ensemble (Cùng nhau) của ông Macron đứng thứ 2 sau liên minh cánh tả.
Hôm 18/7, phe trung dung và cánh hữu đã cùng nhau thành lập một "liên minh đặc biệt" để giúp bà Yaël Braun-Pivet, Chủ tịch Quốc hội Pháp khóa trước, giữ ghế trong quốc hội khóa mới.
Cuộc bỏ phiếu được coi là cuộc thử nghiệm xem phe phái nào có thể làm việc cùng nhau trong quốc hội đang bị phân mảnh của Pháp để bầu ra Thủ tướng tiếp theo cho đất nước.
Khi kết hợp lực lượng của mình, những người theo đường lối trung dung và trung hữu đã nắm bắt được động lực chính trị đồng thời giáng một đòn choáng váng vào các đối thủ của họ bên kia phổ chính trị.
Bà Yaël Braun-Pivet, một đồng minh trung dung của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, bước lên bục phát biểu sau khi tái đắc cử chức Chủ tịch Quốc hội Pháp, ngày 18/7/2024. Ảnh: NY Times
Cụ thể, với 220 phiếu bầu ở vòng thứ 3, bà Braun-Pivet, 53 tuổi, đã đánh bại ứng cử viên cánh tả Andre Chassaigne, người nhận được 207 phiếu bầu, và Sebastien Chenu, người đại diện cho phe cực hữu và nhận được 141 phiếu bầu.
Ông Matthieu Hocque, một nhà phân tích chính trị tại tổ chức nghiên cứu chính sách công Millénaire ở Paris, cho rằng chiến thắng của bà Braun-Pivet làm gia tăng khả năng ông Macron có thể bổ nhiệm một Thủ tướng từ phe của mình.
"Trong lịch sử hiện đại của Pháp, Chủ tịch Quốc hội luôn cùng phe với Thủ tướng. Thông lệ này sẽ trở thành quá khứ nếu lần này không diễn ra như vậy", nhà phân tích Matthieu Hocque nói.
Cuộc bỏ phiếu kịch tính hôm 18/7 tại Quốc hội (Hạ viện) Pháp diễn ra chỉ 11 ngày sau khi Mặt trận Bình dân Mới (NFP), một liên minh rộng rãi của các đảng cánh tả, giành được chiến thắng bất ngờ trong cuộc bầu cử sớm trước đó.
Dù NFP đã giành được nhiều ghế nhất trong Quốc hội khóa mới nhưng còn cách đa số tuyệt đối một khoảng khá xa. Thêm vào đó, quan hệ nội bộ liên minh cánh tả này cũng không thực sự ổn.
Kết quả bầu cử bất phân thắng bại đã đẩy nền chính trị Pháp rơi vào tình trạng hỗn loạn, đe dọa nền kinh tế lớn thứ 2 khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) với tình trạng tê liệt chính trị nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.
Cuộc bỏ phiếu hôm 18/7 tại Quốc hội Pháp thực sự đã cho thấy một "khe cửa hẹp" để phá vỡ thế bế tắc. Nhưng bất chấp thành công nhờ sự đoàn kết, phe trung dung của ông Macron và phe bảo thủ có thể sẽ không tiếp tục quan hệ đối tác.
Một nhà lập pháp bảo thủ giấu tên nói với Politico rằng đảng trung hữu Les Républicains (Đảng Cộng hòa Pháp) sẽ thực hiện cách tiếp cận từng bước, tập trung nỗ lực trong giai đoạn này vào việc đảm bảo các vị trí chủ chốt trong quốc hội thay vì thảo luận về việc cùng nhau thành lập chính phủ.
Đảng trung hữu Les Républicains đã chính thức đăng ký trở thành một phần của phe đối lập, nhà lập pháp giấu tên cho biết thêm.
Phe bảo thủ trước đây đã công khai bác bỏ triển vọng về một liên minh thực sự với phe trung dung ủng hộ Tổng thống Macron, nhưng cho biết họ sẵn sàng đồng ý với một chương trình lập pháp.
Xây dựng liên minh và thỏa hiệp giữa các đảng phái là những điều hiếm thấy trong nền chính trị Pháp. Một chính phủ thiểu số có thể sẽ quá mong manh để tồn tại. Vì không có đảng hay khối nào đạt được đa số tuyệt đối trong cuộc bầu cử sớm vừa qua, một chính phủ liên minh dường như là kết quả có khả năng xảy ra nhất.
"Chúng ta không có lựa chọn nào khác. Chúng ta phải hòa hợp, chúng ta phải hợp tác, chúng ta phải thỏa hiệp, chúng ta phải đối thoại, chúng ta phải lắng nghe và tiến về phía trước", bà Braun-Pivet nói trong bài phát biểu chiến thắng của mình.
Nguồn nguoiduatin