Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
65 năm, thời gian đủ dài để xoá nhoà nhiều vùng ký ức, nhưng truyền thống, lịch sử hào hùng của cách mạng mãi trường tồn cùng dân tộc, trong đó, Chiến thắng Tua Hai ngày 26.1.1960 đã trở thành mốc son lịch sử của cách mạng miền Nam, không thể xoá nhoà.
Sau năm 1954, Mỹ hất cẳng Pháp chiếm lấy miền Nam Việt Nam, dựng lên nguỵ quyền tay sai Ngô Đình Diệm và tiến hành cuộc chiến tranh một phía ngày càng quy mô, ác liệt; cự tuyệt yêu cầu tổng tuyển cử thống nhất hai miền Nam - Bắc theo nội dung Hiệp định Genève.
Từ ngày 6.5.1959, nguỵ quyền tay sai Ngô Đình Diệm ban hành Luật 10/59, lê máy chém đi khắp miền Nam, hành hình những người cách mạng không cần xét xử, gây tổn thất vô cùng to lớn cho cách mạng miền Nam nói chung và Đảng bộ Tây Ninh nói riêng. Cuối năm 1959, toàn Đảng bộ tỉnh chỉ còn khoảng 300 đảng viên. Trại giam của địch ở Tây Ninh chật ních những người cách mạng và quần chúng yêu nước.
Trước tình hình đó, tháng 1.1959, Trung ương Đảng mở Hội nghị lần thứ 15, đề ra đường lối, nhiệm vụ, phương hướng của cách mạng ở miền Nam là: “lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của Nhân dân”, từ đó chuyển phong trào cách mạng miền Nam bước vào thời kỳ đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, từ thế đấu tranh chính trị giữ gìn lực lượng sang thế tiến công, đẩy mạnh tiến công và tổng tiến công giành thắng lợi.
Tua Hai (Tour 2)- đóng tại Trảng Sụp, thuộc xã Thái Bình, huyện Châu Thành - vốn là tháp canh số 2 nằm trên lộ 22 đi Campuchia, cách thị xã Tây Ninh (nay là thành phố Tây Ninh) 7km về phía Bắc, được thực dân Pháp xây dựng trong “kế hoạch De la Tour”. Năm 1956, nguỵ quyền Ngô Đình Diệm xây dựng thành căn cứ quân sự lấy tên thành Lam Sơn, nơi đóng quân của trung đoàn 39 thuộc Sư đoàn 13 quân chủ lực nguỵ, đồng thời là một trung tâm huấn luyện quân sự của chúng. Tại Tua Hai, địch đặt một kho vũ khí lớn và được bảo vệ rất nghiêm ngặt.
Thực hiện Nghị quyết 15, đồng chí Nguyễn Văn Linh, Bí thư Xứ uỷ chỉ đạo đồng chí Nguyễn Hữu Xuyến, Trưởng Ban Quân sự Miền đề ra phương án để đánh một đòn chiến lược, làm địch bị thối động, thúc đẩy phong trào khởi nghĩa vũ trang, chuyển phong trào cách mạng miền Nam sang giai đoạn mới.
Trận đánh Tua Hai do Ban Quân sự miền Đông tổ chức và trực tiếp chỉ huy, song sự chuẩn bị về lực lượng hậu tuyến do Tây Ninh đảm nhiệm. Trận đánh có sự hỗ trợ quan trọng, mang tính quyết định của chi bộ Đảng mật trong căn cứ Tua Hai, do Tỉnh uỷ Tây Ninh dày công duy trì, xây dựng và phát triển. Khi trận Tua Hai diễn ra, tỉnh đã huy động cùng một lúc 300 dân công, chủ yếu là của huyện Châu Thành và một bộ phận hơn 42 người của huyện Dương Minh Châu với đa phần là đảng viên, đoàn viên thanh niên và quần chúng cách mạng trung kiên.
Đúng 0 giờ 30 phút, ngày 26.1.1960, lệnh tiến công căn cứ Tua Hai bắt đầu. Được nội tuyến và trinh sát - đặc công dẫn đường, quân giải phóng chia làm 3 mũi: một mũi tập kích vào sở chỉ huy Trung đoàn 32 nguỵ; một mũi tấn công vào khu vực phòng ngủ của bọn sĩ quan địch, với 100 quả bộc phá, thủ pháo cực mạnh đã làm tê liệt ngay từ đầu bộ phận đầu não chỉ huy của chúng; mũi thứ ba chiếm lĩnh kho vũ khí, lấy súng đối phương đánh lại đối phương.
Trước sức tấn công của ta bằng bộc phá, thủ pháo kết hợp với bộ binh, địch nhanh chóng tan rã. Chỉ trong vòng 3 giờ chiến đấu, ta hoàn toàn làm chủ trận địa. Sau khi thu vũ khí, giải quyết chính sách đối với tù binh, đến 3 giờ 30, ngày 26.1.1960, lực lượng vũ trang của ta rút khỏi trận địa. Trong trận Tua Hai, ta diệt 76 tên địch, bắt, giáo dục và thả tại chỗ hơn 400 tên, thu gần 1.500 khẩu súng các loại. Lực lượng ta bị thương 12 đồng chí, 7 đồng chí hy sinh.
Với chiến thắng vang dội này, đã cổ vũ phong trào đấu tranh của Nhân dân Tây Ninh, miền Đông Nam bộ và cả miền Nam vùng lên mạnh mẽ, mở đầu cho thời kỳ đấu tranh chính trị có vũ trang hỗ trợ.
Phát huy khí thế hào hùng Tua Hai đồng khởi, góp sức xây dựng quê hương Tây Ninh giàu đẹp
Phát huy hào khí đồng khởi Tua Hai, quân dân Tây Ninh cùng quân dân miền Nam và cả nước tiến lên lần lượt đánh bại các chiến lược Chiến tranh đặc biệt, Chiến tranh cục bộ và Việt Nam hoá chiến tranh của đế quốc Mỹ, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong 10 năm (1975-1985), Đảng bộ Tây Ninh vừa lãnh đạo quân và dân tỉnh nhà ra sức khắc phục hậu quả chiến tranh sau 21 năm kháng chiến chống Mỹ, vừa chiến đấu chống bọn Pol Pot - Ieng Sary bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc; trấn áp bọn phản động, giữ vững an ninh trật tự trong nội địa; tập trung xây dựng và phát triển mọi mặt kinh tế - xã hội.
Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Đảng bộ tỉnh các nhiệm kỳ đã tập trung trí tuệ, tìm quyết sách lãnh đạo, khai thác, tận dụng tiềm năng - lợi thế, tạo bước đột phá vươn lên, đưa Tây Ninh không ngừng phát triển. Trong đó, riêng năm 2024, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khoá XI) tiếp tục đổi mới tư duy, phương pháp lãnh đạo khoa học, sâu sát cơ sở, phát huy đoàn kết toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nỗ lực, triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đạt được nhiều kết quả tích cực:
Cụ thể, 15/17 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội ước thực hiện đạt và vượt (2/17 chỉ tiêu ước thực hiện không đạt). Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP theo giá so sánh 2010) tăng 7,5%, GRDP bình quân đầu người đạt 4.550 USD; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 12.249,8 tỷ đồng; vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn bằng 36% GRDP; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn 0,07%, tương ứng 237 hộ; số lao động có việc làm tăng thêm là 17.150 lao động.
Toàn tỉnh có 68/71 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), 26 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 4 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và 1 đơn vị cấp huyện (thị xã Hoà Thành) hoàn thành nhiệm vụ NTM…
Công tác quốc phòng, an ninh được các cấp uỷ đảng, chính quyền tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả, gắn với xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng thế trận quốc phòng Toàn dân và thế trận an ninh Nhân dân vững chắc. Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” được đẩy mạnh, nhiều mô hình tự quản về an ninh trật tự được nhân rộng. Quan hệ hợp tác với các tỉnh giáp biên thuộc Vương quốc Campuchia được tăng cường, xử lý kịp thời những vấn đề phức tạp nảy sinh, không để xảy ra “điểm nóng” trên tuyến biên giới.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh toàn diện, bản lĩnh chính trị, tư duy và năng lực lãnh đạo được nâng lên. Năm 2024, toàn tỉnh đã kết nạp 1.315 đảng viên, tăng 141 đảng viên so cùng kỳ, đạt 3,26%/tổng số đảng viên của Đảng bộ tỉnh; trong đó 20 đảng bộ xã biên giới kết nạp 134 đảng viên, tăng 18 đảng viên so cùng kỳ.
Hào khí chiến thắng Tua Hai vẫn mãi là niềm tự hào, nguồn động viên to lớn cho các thế hệ người dân Tây Ninh và Nhân dân cả nước tiếp tục đoàn kết, nỗ lực gìn giữ thành quả cách mạng, góp sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển, giàu đẹp.
Đăng Anh