Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Chiến tranh qua đi, hào hùng còn lưu mãi
Thứ bảy: 00:13 ngày 29/04/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - 48 năm, những ký ức về ngày 30.4 lịch sử vẫn còn in đậm trong trí nhớ những cựu chiến binh. Nhớ lại để ghi khắc công ơn của các bậc tiền nhân, tạo động lực cho tuổi trẻ phấn đấu mỗi ngày.

Ông Bảy Đức hào hứng kể về nhiệm vụ bất ngờ của mình.

Khoảnh khắc thiêng liêng từ nhiệm vụ bất ngờ

Với ông Bảy Đức (cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Đức), ngụ xã Mỏ Công, huyện Tân Biên, đã 48 năm nhưng “nhiệm vụ bất ngờ” được giao trong ngày 30.4.1975 vẫn như mới hôm qua. Ở tuổi 82, dù sức khoẻ có phần yếu đi nhưng khi được hỏi về những tháng ngày lịch sử đó, ông hào hứng, kể rành mạch.

“Nhiệm vụ bất ngờ” ông nhận được là đi gặp đại diện chính quyền chế độ cũ nhận bàn giao chính quyền cho quân giải phóng Tây Ninh. Chuyến đi kéo dài từ 11 giờ trưa đến 18 giờ ngày 30.4 lịch sử. Nó là một phần ký ức mà ông không thể nào quên trong suốt cuộc đời binh nghiệp của mình.

Ông Bảy Đức nhớ: “Nhận được lệnh, tôi cũng lo lắng vì lúc này vẫn chưa yên tiếng súng”. Ông nói vui rằng, có lúc sợ đến nỗi trái tim có thể teo nhỏ bằng ngón tay nhưng sau mỗi bước thành công thì nó lại to thêm một ít. Bằng nhiệt huyết của người chiến sĩ, ông quyết tiến lên hoàn thành nhiệm vụ với tinh thần, tư thế của một người lính giải phóng, một người chiến thắng. Ông nói: “Dù có sợ nhưng là người cán bộ, là đảng viên nên tôi muốn thể hiện lòng mình với Đảng, phục vụ Đảng, dù có hy sinh vẫn làm”. 

Ngày đó, ông Bảy Đức và hai đồng đội theo chân một thiếu tá chế độ cũ đến đồn lính tại Bến Kéo, rồi đến Tiểu khu hành chính thị xã Tây Ninh. Chuyến đi kéo dài gần 10 tiếng đồng hồ với nhiều cảm xúc.

Đến giờ, ông Bảy Đức vẫn nhớ như in cảnh những hàng lính với súng trên tay tại các khu vực mình đến. Với tâm thế người chiến thắng, ông Bảy Đức luôn điềm tĩnh và tự tin để thông báo về thời khắc hoà bình cho tất cả.

Ông nói: “Tôi học theo Bác Hồ về đức tính gần gũi và khiêm tốn khi tiếp xúc với những người lính nguỵ. Cho họ thấy giữa mình và họ không còn hận thù”. Ông Bảy Đức chọn đi bộ vào giữa 2 hàng lính, tươi cười và thân tình thông báo: “Tôi chuyển lời của Bộ Chỉ huy chiến dịch giải phóng Tây Ninh hỏi thăm sức khoẻ cha mẹ, vợ con các anh.

Tôi xin thông báo với các anh, trước đây, anh em mình cùng là người Việt Nam lại đánh nhau nhưng hôm nay không còn đánh nhau nữa, anh em mình được hưởng hoà bình, độc lập. Ngay bây giờ, các anh được về nhà sống với cha mẹ, vợ con”.

Ông Cỏn kể lại câu chuyện thời chiến với các bạn trẻ.

Kể từ thời khắc đó, những người lính bên kia có thể buông súng, mặc lại áo thường dân. Niềm vui còn được thể hiện qua những nụ cười, những đôi vai trần, chân không giày mà trở về nhà với người thân, gia đình. Những hình ảnh đó không bao giờ quên với ông Bảy Đức. Đó là niềm vui của giải phóng, của hoà bình. Ông chia sẻ: “Thấy họ buông súng, vui vẻ, trong lòng không còn hận thù nữa, tôi rất phấn khởi. Vì những người cầm súng đều là con em của dân tộc Việt Nam mình cả, mọi người đều có chung dòng máu”.

Trên đường đi, ông Bảy Đức còn được hoà mình vào không khí hân hoan ngày giải phóng. “Từ cửa số 7 đến cửa số 2 Toà thánh, nhân dân hai bên đường rất đông, không ngừng hoan hô khi thấy quân giải phóng và binh lính chế độ cũ choàng vai nhau ngồi chung xe vẫy chào”- ông Bảy Đức nhớ lại. Những tiếng hô vang “Hoà bình rồi! Hoà bình rồi! Độc lập rồi! Độc lập rồi!” sẽ còn đọng mãi trong ký ức người lính trẻ ngày ấy và đến mãi về sau.

Càng đi, khí thế càng lên, với ông Bảy Đức, lá cờ giải phóng được những người lính phía bên kia cùng quân giải phóng kéo lên là giờ phút thiêng liêng và hân hoan nhất. Ông nhớ, lúc lá cờ giải phóng tung bay trên cột cờ tiểu khu Toà hành chính Tây Ninh vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 30.4.1975. Hình ảnh gợi lên niềm xúc động và tự hào.

Ký ức hào hùng một thời

66 tuổi đời, thương binh Phạm Văn Cỏn (ấp Thạnh Quới, xã Thạnh Đông, huyện Tân Châu) vẫn miệt mài với công tác ở địa phương. Theo ông Cỏn, mình làm việc với tinh thần Bộ đội Cụ Hồ, muốn cống hiến và phục vụ. Ông Cỏn là một “địa chỉ đỏ” cho thanh niên địa phương cùng tìm đến để được nghe kể về những câu chuyện hào hùng của dân tộc. Nhất là về thời khắc lịch sử ngày 30.4.1975, những ngày chiến đấu không mệt mỏi và lần phải bỏ lại một cánh tay nơi chiến trường K.

Năm 1975, ông Cỏn chỉ mới vào lính chưa tròn 2 năm, ngày 30.4, ông cùng đơn vị hành quân vào tiếp quản Buôn Ma Thuột. Sau đó lại hành quân ra Bắc tiếp tục huấn luyện. Trong những thời khắc sục sôi đó, ông vẫn kịp lưu giữ cho mình một kỷ niệm.

Lục tìm trong những kỷ vật còn lưu giữ, ông Cỏn chia sẻ về bức ảnh chính mình được xé vội từ một tờ báo. Đó là hình ảnh ông cùng đồng đội trên đường hành quân trong những ngày hân hoan vừa giải phóng. Hình ảnh đó, không khí đó với ông là không thể nào quên.

Mỗi năm, vào các dịp lễ, ông Cỏn lại bồi hồi chia sẻ cùng các bạn trẻ về những ngày trong quân ngũ, những ngày hành quân không mệt mỏi, về những người đồng đội người còn, người đã thành liệt sĩ. Tất cả chúng tạo thành những cảm xúc khó tả, có cả những giọt nước mắt xúc động.

Phạm Thị Hiền Hoà, 19 tuổi, ngụ thị trấn Tân Châu chia sẻ: “Đến thăm các cô, chú, em thích nhất là tinh thần muốn cống hiến được các cô, chú lan toả, em như được tiếp thêm động lực để cố gắng mỗi ngày”.

 Là một người trẻ ưa thích hoạt động phong trào, Hiền Hoà tham gia công tác Đoàn tại thị trấn Tân Châu từ những ngày bùng dịch Covid-19 với tinh thần xông xáo, nhiệt tình. Hiện nay, Hoà là Phó Bí thư Đoàn Thanh niên thị trấn Tân Châu. Trong không khí nôn nao những ngày cuối tháng 4 lịch sử, Hiền Hoà chia sẻ: “Em tự hào với những thành quả các thế hệ cha anh đi trước đã cống hiến, hy sinh xương máu để mang lại nền hoà bình cho chúng ta hôm nay. Và em sẽ luôn trân trọng và cố gắng hoàn thành tốt công việc được giao”.

Hiền Hoà đến thăm thương binh trên địa bàn Thị trấn.

Hà Phương, 28 tuổi, Phó Bí thư Xã đoàn Thạnh Đông, có gần 3 năm tham gia nghĩa vụ Công an tại Trại giam Cây Cầy, được phân công chăm sóc các nhà bia tưởng niệm tại Khu di tích lịch sử Trung ương Cục miền Nam. Theo Hà Phương, vào các dịp lễ, khu căn cứ rất đông người đến thăm viếng, tìm về chiến trường xưa. Với anh, những chuyến trở lại Khu di tích lịch sử Trung ương Cục miền Nam luôn có ý nghĩa đặc biệt.

Vì vậy, anh luôn quan tâm tổ chức các hoạt động về nguồn cho ĐVTN trong các dịp lễ. Theo anh về nguồn, sẽ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, anh Phương thường xuyên tổ chức cho thanh niên, thiếu nhi địa phương về thăm các “địa chỉ đỏ” để được nghe kể về truyền thống, của một thế hệ hào hùng. Anh Phương chia sẻ: “Nhìn thấy quê hương ngày càng đổi mới, tôi thêm biết ơn sự cống hiến, hy sinh của các cô, chú ngày xưa”.

Vi Xuân

Tin cùng chuyên mục