Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Chiều cao người Việt tăng chậm nhiều thập kỷ
Thứ tư: 19:44 ngày 25/09/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Từ năm 1975-2000, chiều cao người Việt tăng trung bình 1,1 cm mỗi thập kỷ. Năm 2000-2016, nam giới cao thêm 2,1 cm, nữ tăng 1 cm.

Giáo sư Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Dinh dưỡng Quốc gia, nhìn nhận chiều cao người Việt tăng chậm hơn so với các nước, tuy nhiên đang có xu hướng tăng nhanh và hứa hẹn các thế hệ sau sẽ tiếp tục tăng.

Theo số liệu Tổng điều tra và giám sát Dinh dưỡng, năm 1975, chiều cao trung bình thanh niên Việt Nam là 160 cm ở nam giới và 150 cm ở nữ giới. So sánh số liệu năm 1875 và năm 1937 với số liệu năm 1975, chiều cao người Việt Nam không thay đổi gì trong suốt thời gian này.

Năm 2000, chiều cao nam thanh niên là 162,3 cm và nữ là 152,4 cm (tăng 2,2 cm trong 25 năm). Năm 2000 đến năm 2016, chiều cao trung bình của nam là 164,4 cm và nữ 153,4 cm (tăng 2,1 cm ở nam giới trong 16 năm). 

Mức cao nhất đạt đến của thanh niên Việt Nam nằm ở nhóm tuổi 20-24. Tính riêng ở các thành phố lớn thì nam giới cao 167,4 cm và nữ 154,7 cm, người ở vùng nông thôn chiều cao thấp hơn với nam 164,1 cm và nữ 153,2 cm. Sự tăng trưởng chiều cao này thể hiện rõ nhất ở trẻ em. Năm 2000, chiều cao trẻ trai 5 tuổi ở Việt Nam là 100,6 cm thì năm 2010 là 109,9 cm. 

Theo Tạp chí Dân số thế giới thống kê năm 2019, người Việt Nam lùn thứ 4 thế giới, chỉ cao hơn người Indonesia (158 cm), Philippines (161,9 cm) và Bolivia (160 cm).

Bác sĩ Trần Khánh Vân, Phó trưởng khoa Vi chất dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia, đánh giá mức độ tăng trưởng chiều cao của người Việt đang tăng nhanh hơn, song vẫn thấp hơn nhiều so với chuẩn tăng trưởng của Tổ chức Y tế Thế giới và thấp hơn chiều cao trung bình cùng nhóm tuổi của đa số các nước trong khu vực châu Á, như Nhật Bản. Theo thống kê của Bộ Giáo dục Nhật Bản, trong 15 năm (1960-1975), chiều cao của thanh thiếu niên nước này tăng thêm 2,8 cm (đối với nam) và 2,5 cm đối với nữ giới. Nhật Bản có chiều cao trung bình là 172 cm nam và 158 cm nữ.

Tại sao người Việt lùn?

Giáo sư Dương Nghiệp Chí, Viện Khoa học Thể dục thể thao Việt Nam, cho rằng người Việt hiện lùn thứ 4 thế giới là hệ quả của việc thiếu vận động, coi nhẹ thể dục thể thao ở độ tuổi thanh thiếu niên. Vận động kích thích sự phát triển của tế bào xương, tăng chiều dài của xương. Hiện nay, giáo dục thể chất ở các trường học, từ cấp mầm non đến phổ thông, đại học, đều rất kém. Thể dục được coi là một môn phụ, mỗi lớp một tuần chỉ có 1-2 tiết thể dục, với các môn học nhàm chán không hấp dẫn được học sinh, cũng chưa được biên soạn giáo trình nhắm vào mục đích giúp các em tăng trưởng chiều cao.

Theo giáo sư Chí, từ năm 1975 trở về trước, chiều cao người Việt không tăng là hệ quả của chiến tranh kéo dài, nền kinh tế còn khó khăn, dân trí thấp. Việt Nam khi ấy thiếu chương trình quốc gia đồng bộ để phát triển thể lực, tầm vóc, bỏ qua những thời kỳ cơ thể phát triển vượt bậc. Thứ nhất là giai đoạn từ giữa kỳ mang thai (thai nhi tháng thứ 4-6) cho đến tròn một tuổi, thứ hai là thời kỳ tiền dậy thì và dậy thì, trẻ gái thường 9-11 tuổi, sớm hơn trẻ trai khoảng 2 năm.

Giáo sư Nguyễn Thu Nhạn, chuyên gia về Nội tiết - chuyển hóa - di truyền trẻ em, cho biết ngoài vận động kém và chưa chú trọng phát triển dinh dưỡng thời từng thời kỳ, một trong những lý do khiến nhiều nước ở châu Á có chiều cao thấp là do phụ nữ lấy chồng sớm, đẻ sớm khi chiều cao người mẹ chưa phát triển hết tầm. Tại Việt Nam trước và cả hiện nay đều diễn ra hiện tượng tảo hôn ở các vùng miền núi. Các cặp vợ chồng kết hôn sớm, đẻ dày, nhiều nên không nuôi thai tốt được. Mấy chục năm qua, Việt Nam đã khắc phục tốt tỷ lệ suy dinh dưỡng bình thường nhưng tỷ lệ thấp còi vẫn không giảm.

Tổ chức Y tế Thế giới công nhận chiều cao đạt được lúc 3 tuổi sẽ quyết định chiều cao khi trưởng thành. Vì vậy giúp trẻ em tăng chiều cao từ nhỏ rất quan trọng để thúc đẩy chiều cao người trưởng thành.

Ba năm đầu đời là mốc quan trọng để trẻ phát triển chiều cao. Ảnh: Hữu Khoa

Tăng chiều cao là quốc sách

Trên thế giới, Nhật Bản là quốc gia đạt được thành tựu to lớn về cải tạo chiều cao thân thể của dân tộc. Về dinh dưỡng, ngay từ những năm 1945, chính phủ Nhật đã tổ chức bữa ăn trưa cho tất cả học sinh tiểu học, mẫu giáo. Họ tiến hành nghiên cứu để đảm bảo chế độ ăn uống hợp lý, đầy đủ dinh dưỡng và hướng dẫn toàn dân thực hiện theo. Nhật Bản rất chú trọng phát triển và đầu tư cao cho thể dục thể thao trường học. Để có tác dụng trực tiếp, góp phần tăng chiều cao thân thể, Nhật đã nghiên cứu và hướng dẫn những loạt bài tập thể dục đặc hiệu tập vừa sức, vận động toàn thân, đặc biệt vận động chi dưới, kéo dãn cơ thể.

Năm 2011, Việt Nam đã có đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030. Đề án xây dựng các chỉ số sinh học và tiêu chí, tiêu chuẩn phát triển thể lực, tầm vóc, đề xuất khả năng can thiệp cải thiện thể lực, tầm vóc như đảm bảo dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai, trẻ sơ sinh, nhi đồng, thiếu niên, thanh niên đến 18 tuổi, phát triển thể lực, tầm vóc bằng cách tăng giáo dục thể chất đối với học sinh 3-18 tuổi... Kinh phí của đề án được phê duyệt khoảng 6.000 tỷ đồng.

Năm 2016 Chính phủ cũng phê duyệt chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020. Hàng triệu trẻ em tại nhiều tỉnh thành đã được uống sữa miễn phí.

Năm 2018, Bộ Y tế phát động phong trào đẩy mạnh dinh dưỡng toàn cầu tại Việt Nam và triển khai Chỉ thị của Thủ tướng về công tác dinh dưỡng. Bộ Y tế phối hợp với các Bộ ngành nghiên cứu, ban hành các chính sách liên quan đến dinh dưỡng và hoạt động thể lực, khuyến nghị, phổ biến chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn phù hợp cho từng nhóm tuổi, chăm sóc dinh dưỡng trẻ trong 1.000 ngày đầu đời.

Giáo sư Lê Danh Tuyên cho biết mục tiêu của Việt Nam đến năm 2025 là tăng chiều cao trung bình thanh niên 18 tuổi, đối với nam đạt 167 cm, nữ 156 cm. Năm 2030 chiều cao người Việt dự kiến tăng thêm 4 cm. 

Nguồn VNE

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh