Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI); Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu; Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều; Số giường bệnh trên một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã); Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế. Đó là năm chỉ tiêu mà Chính phủ vượt kế hoạch Quốc hội giao năm 2019.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước những nội dung chủ yếu về tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 và Kế hoạch năm 2020.
Sáng nay, 21-10, tại phiên Khai mạc Kỳ họp Quốc hội thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước những nội dung chủ yếu về tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 và Kế hoạch năm 2020.
Năm chỉ tiêu vượt kế hoạch Quốc hội giao
Thủ tướng cho biết, năm 2019, là năm thứ hai liên tiếp đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó năm chỉ tiêu vượt kế hoạch. Tăng trưởng kinh tế vượt mục tiêu đề ra trong khi vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc hơn, lạm phát được kiểm soát tốt và các cân đối lớn của nền kinh tế được củng cố, mở rộng. Đời sống của nhân dân trên mọi miền đất nước đều chuyển biến rõ nét.
Các tổ chức quốc tế uy tín và nhiều quốc gia, đối tác đánh giá cao và khẳng định Việt Nam tiếp tục là một điểm sáng trong khu vực, toàn cầu. Nước ta được xếp thứ tám trong số các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư năm 2019, tăng 15 bậc so với năm 2018.Diễn đàn Kinh tế Thế giới đánh giá năng lực cạnh canh của Việt Nam cải thiện vượt bậc trên cả ba trụ cột thể chế, cơ sở hạ tầng và kỹ năng, xếp thứ 67/141 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng 10 bậc so với năm 2018.
Đánh giá về tình hình kinh tế xã hội năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tăng trưởng kinh tế đạt khá cao, năng suất lao động và chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện; kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn. Tốc độ tăng GDP cả năm ước đạt trên 6,8%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực, thế giới.
Kết quả này thể hiện nỗ lực, cố gắng rất lớn của các cấp, các ngành và cả nước trong khi khu vực nông nghiệp chịu ảnh hưởng bất lợi của dịch tả lợn châu Phi và nắng nóng, hạn hán; giá nhiều nông sản giảm mạnh; thị trường xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực gặp khó khăn. Năng suất lao động tăng 5,9%; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt 42,7%.
Trong điều kiện thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế biến động mạnh, Việt Nam vẫn duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dưới 3%, thấp hơn mục tiêu đề ra. Thị trường tài chính, tiền tệ và tỷ giá được điều hành chủ động, linh hoạt và duy trì ổn định phù hợp; dự trữ ngoại hối đạt khoảng 73 tỷ USD. Hệ số tín nhiệm quốc gia được nâng hạng từ BB - lên BB với triển vọng “tích cực”.
Năm qua, tổng thu ngân sách nhà nước vượt 3,3% dự toán; tỷ trọng chi đầu tư phát triển tăng, đạt 26,6%; bội chi ngân sách nhà nước khoảng 3,4% GDP; nợ công giảm còn 56,1% GDP (năm 2016 là 64,6% GDP). Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước khoảng 33,8% GDP; tỷ trọng đầu tư của khu vực ngoài nhà nước tăng lên 45,3%, theo đúng định hướng tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội. Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện 9 tháng đạt 14,2 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm, xuất khẩu vẫn tăng khoảng 7,9%; xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng mạnh; xuất siêu năm thứ tư liên tiếp. Xử lý nghiêm nhiều vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại.
Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam tăng 3 bậc, xếp thứ 42/129 quốc gia, vùng lãnh thổ; đứng thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp và thứ 3 trong ASEAN.
Với việc tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển kết cấu hạ tầng, đô thị và thúc đẩy liên kết vùng, đến nay quy mô nguồn nhân lực ước đạt 55,8 triệu lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo cả năm khoảng 61 - 62%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 24%.
Các chính sách người có công, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững được các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo thực hiện và đạt nhiều kết quả. Cơ cấu lao động tiếp tục chuyển dịch tích cực; tạo thêm 1,62 triệu việc làm; mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội. Đến nay, đã có 89,3% người dân tham gia BHYT, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao là 88,1%.
Thành tích giảm nghèo của Việt Nam tiếp tục là một điểm sáng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1 - 1,5% (còn khoảng 3,73 - 4,23%); trong đó các huyện nghèo giảm trên 4%, vượt chỉ tiêu kế hoạch giao. Chất lượng dịch vụ y tế tiếp tục được nâng lên; đạt 8,6 bác sĩ, 27,5 giường bệnh trên một vạn dân và tỷ lệ tham gia BHYT đạt 89,3%, vượt mục tiêu đề ra.
Duy trì GDP tăng khoảng 6,8% trong năm 2020
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng, 75 năm thành lập Nước và là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Vì thế, đòi hỏi các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa, hành động quyết liệt trên các lĩnh vực, phấn đấu thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2020 và năm năm 2016-2020.
Theo đó, về kinh tế, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,8%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân dưới 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33 - 34% GDP.
Về xã hội, phấn đấu đạt mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm 1 - 1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 25%; số giường bệnh trên một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 28 giường bệnh; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,7%.
Về môi trường, tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 90%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%.
Để đạt những mục tiêu đề ra, Chính phủ đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu: Huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường sắt đô thị, đường bộ cao tốc Bắc - Nam, Cảng hàng không quốc tế Long Thành và thực hiện các dự án quan trọng, cấp bách, có tính kết nối và lan tỏa vùng, miền.
Phát triển hạ tầng số trên nền tảng công nghệ thông tin đồng bộ, hiện đại. Đồng hành cùng thế giới đưa mạng 5G vào hoạt động với thiết bị sản xuất trong nước; phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái số Việt với các nền tảng dùng chung, các dịch vụ, mô hình kinh doanh mới; từng bước tiến đến làm chủ các công nghệ nền tảng cho chuyển đổi sang nền kinh tế số. Tháo gỡ những điểm nghẽn, phát triển đô thị thông minh, hiện đại.
Đa dạng hoá các hình thức huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội, thúc đẩy thu hút mạnh mẽ đầu tư tư nhân, hoàn thiện pháp luật về đối tác công tư. Thu hút có chọn lọc và nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài theo tinh thần Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị.
Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đổi mới sáng tạo và phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường với số lượng, cơ cấu ngành nghề hợp lý; có cơ chế phù hợp thu hút, trọng dụng nhân tài. Phát triển mạnh mẽ thị trường khoa học công nghệ và phát huy vai trò của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo với doanh nghiệp là trung tâm; có cơ chế, chính sách vượt trội để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự là động lực chủ yếu của tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh theo tinh thần Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Sớm đưa vào hoạt động Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia và các trung tâm khởi nghiệp. Có chính sách đột phá phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới, ứng dụng công nghệ cao; tăng cường bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Ưu tiên bố trí nguồn lực, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật đất đai, Luật bảo vệ môi trường; có giải pháp huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực từ đất đai, tài nguyên. Tăng cường hợp tác quốc tế về sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Công; quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả và bảo đảm an ninh nguồn nước.
Kiểm soát chặt chẽ nguồn xả thải; giảm thiểu rác thải nhựa; thu gom, tái chế chất thải rắn; đề cao trách nhiệm của doanh nghiệp và người dân; từng bước phát triển nền kinh tế tuần hoàn. Nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án ứng phó biến đổi khí hậu, sạt lở bờ sông, bờ biển.
Nguồn nhandan