Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chính phủ dự kiến 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế
Thứ sáu: 16:37 ngày 15/05/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Dự kiến hai kịch bản tăng trưởng của Việt Nam năm 2020, Chính phủ cũng nhấn mạnh yêu cầu xây dựng các kịch bản “vực dậy” nền kinh tế để nền kinh tế sẵn sàng chuyển sang trạng thái hoạt động bình thường mới và các phương án, kế hoạch phục hồi ngay, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững sau dịch.

Ảnh: VGP/Lê Sơn

Đây là nội dung quan trọng trong báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2020, trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng 15/5.

Chuyển đổi số sẽ được ưu tiên phát triển trên toàn cầu

Thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo tại phiên họp thứ 45 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Báo cáo của Chính phủ cho biết, thời gian qua, quan hệ đối ngoại của Việt Nam được tăng cường nhờ các nỗ lực hợp tác quốc tế để đối phó với dịch COVID-19 và đã được đánh giá cao; quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các quốc gia dự báo có một số điểm sáng. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia cũng có tác động gây khó khăn cho quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các nước.

Về xu hướng phát triển, báo cáo của Chính phủ nhận định: Quá trình chuyển đổi số sẽ được ưu tiên phát triển trên toàn cầu, bao gồm cả Việt Nam, giúp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đi vào đời sống nhanh, mạnh và có hiệu quả nhất. Tuy vậy, kinh tế số sẽ tạo ra luật chơi mới và yêu cầu các doanh nghiệp phải có sáng tạo, thích ứng nhanh nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.

Mô hình kinh tế của Việt Nam trong tương lai phải là nền kinh tế có năng lực phản ứng nhanh, chống chọi được với các cú sốc và linh hoạt thích ứng. Muốn đảm bảo các yêu cầu trên, tăng trưởng toàn diện, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh môi trường, an ninh xã hội sẽ là những yếu tố quan trọng, cần xem xét khi xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Mô hình tăng trưởng trong tương lai phải bảo đảm tính bền vững hơn, cần sự thay đổi trong mô hình sản xuất và tiêu dùng, đây được xem là cốt lõi của tất cả các hoạt động kinh tế; gia tăng nhu cầu mới về lao động, việc làm phù hợp với phương thức sản xuất kinh doanh và tình hình mới. Thị trường lao động trong thời gian tới sẽ có nhiều thay đổi, nhu cầu về các công việc liên quan đến công nghệ sẽ tăng cao. Xu thế làm việc từ xa sẽ được tiếp tục và tăng cường với lực đẩy chuyển đổi số.

2 kịch bản tăng trưởng của Việt Nam năm 2020

Trên cơ sở đó dự báo tình hình với sự rà soát, tính toán các cân đối lớn, Chính phủ dự kiến hai kịch bản tăng trưởng của Việt Nam năm 2020:

Kịch bản 1: Thời gian Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4/2020 và các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam trong Quý III/2020, theo đó dự kiến GDP tăng khoảng 4,4-5,2% so với năm 2019 (thấp hơn 1,6-2,4 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra), trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 2,5-2,8%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,7-7,9%, khu vực dịch vụ ước tăng 2,8-3,6%.

Kịch bản 2: Thời gian Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4/2020 và các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam trong Quý IV/2020, theo đó dự kiến GDP tăng khoảng 3,6-4,4% so với năm 2019 (thấp hơn 2,4-3,2 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra), trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 2,1-2,5%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,8-6,7%, khu vực dịch vụ ước tăng 1,8-2,8%.

Trong quá trình phát triển, nước ta đã bị tác động và vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng trên thế giới. Để ứng phó, nước ta đã phải linh hoạt điều chỉnh mục tiêu phát triển, đề ra các giải pháp đồng bộ, phù hợp, bảo đảm sự đồng thuận, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành. Cuộc khủng hoảng dịch tễ COVID-19 hiện nay không xuất phát từ khó khăn, yếu kém trong hệ thống tài chính, tiền tệ khu vực và thế giới mà từ yếu tố khách quan, nhưng tác động và phạm vi ảnh hưởng nặng nề, mạnh mẽ hơn nhiều so với các cuộc khủng hoảng trước đây.

Do đó, báo cáo cho rằng, yêu cầu điều chỉnh mục tiêu của năm 2020 là cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế khách quan, theo đó dự kiến những chỉ tiêu cần điều chỉnh là: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 4,5% (trước đây là 6,8%), nỗ lực phấn đấu đạt mức tăng cao hơn; trường hợp tình hình thế giới thuận lợi, dịch bệnh được kiểm soát tốt, thị trường quốc tế phục hồi, phấn đấu đạt mức tăng 5,4%, nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 5 năm giai đoạn 2016-2020 là 6,5%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân năm 2020 khoảng 4% (trước đây là dưới 4%); tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 4% (trước đây là khoảng 7%); tổng số thu ngân sách nhà nước giảm 163 nghìn tỷ đồng so với dự toán được giao; bội chi ngân sách nhà nước bằng khoảng 4,75% GDP (tăng 1,31% so với mục tiêu đề ra); tỷ lệ nợ công bằng khoảng 55,5% GDP (tăng 3,2% so với mục tiêu đề ra).

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo..Ảnh: VGP/Lê Sơn

Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu những tháng cuối năm 2020

Báo cáo của Chính phủ cho rằng, trong bối cảnh dịch còn phức tạp, đòi hỏi cần tiếp tục có sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân, sự hỗ trợ, chia sẻ gánh vác trách nhiệm giữa các đoàn thể trong nước trong giai đoạn khó khăn.

Các cấp, các ngành, các địa phương cần tiếp tục chủ động, bình tĩnh, thận trọng, triển khai kịp thời các giải pháp ứng phó với mọi tình huống, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện các chỉ đạo tại các kết luận của các cấp có thẩm quyền. Đồng thời cần bảo đảm cung cấp đủ các yêu cầu về lương thực, thực phẩm, thuốc, trang thiết bị y tế và các nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân. Xử lý nghiêm các trường hợp khai báo dịch không trung thực; né tránh, trốn cách ly, vi phạm các quy định về phòng, chống dịch; các hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi; các trường hợp tuyên truyền sai sự thật về dịch COVID-19.

Cùng với việc phòng, chống dịch, cần huy động tối đa các nguồn lực nhằm thực hiện các giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch. Tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm kiểm soát lạm phát, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa. Tập trung phát huy các dư địa của động lực hỗ trợ tăng trưởng trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương; vận động người dân ưu tiên dùng hàng trong nước, ủng hộ doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sớm tổ chức lại sản xuất, kinh doanh, đồng thời tăng cường tuyên truyền, quảng bá, thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế với hình ảnh Việt Nam là một địa điểm đến đầu tư, kinh doanh, du lịch và sinh sống an toàn, bền vững.

Dịch gây ra nhiều khó khăn, thiệt hại đối với các nền kinh tế trên thế giới, nhưng cũng là cơ hội cho những nền kinh tế tận dụng từ việc điều chỉnh, sắp xếp lại cục diện kinh tế, thương mại toàn cầu do dịch gây ra. Bên cạnh việc tiếp tục theo dõi chặt chẽ, phân tích, tổng hợp, đánh giá về tình hình và những ảnh hưởng, tác động của dịch bệnh tới nền kinh tế, tới từng ngành, lĩnh vực, địa phương, khu vực doanh nghiệp, hợp tác xã, người lao động, các đối tượng xã hội để đưa ra các giải pháp ứng phó hiệu quả và kịp thời cần nghiên cứu và dự báo những xu thế, cơ hội và xác định những động lực mới cho tăng trưởng làm cơ sở đẩy nhanh việc cơ cấu lại nền kinh tế cho phù hợp với những chuyển dịch, cấu trúc mới, như nhu cầu phát triển và chuyển đổi số, nhu cầu về lao động, xu hướng đầu tư, xu hướng tiêu dùng…

Trên cơ sở đó, xây dựng các kịch bản “vực dậy” nền kinh tế để nền kinh tế sẵn sàng chuyển sang trạng thái hoạt động bình thường mới và các phương án, kế hoạch phục hồi ngay, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững sau dịch, cụ thể hóa và chủ động tổ chức thực hiện trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương, bao gồm các giải pháp ngắn hạn, trung hạn, dài hạn.

Về trung và dài hạn, cần đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, sắp xếp, tổ chức lại và phục hồi, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh, bù đắp, giảm thiểu các thiệt hại, hướng tới xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát triển bền vững hơn, có sức chống chịu và khả năng thích ứng với các biến động của bối cảnh bên trong và bên ngoài của nền kinh tế, nhất là các thách thức an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh. Đồng thời, chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để đón bắt thời cơ, thu hút đầu tư và các nguồn lực bên ngoài từ nhiều quốc gia, khu vực phục vụ phát triển đất nước.

Nguồn Chinhphu

Tin cùng chuyên mục