Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Sáng 23.4, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020 (Ban Chỉ đạo 896) chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng báo cáo kết quả thực hiện Đề án 896 tại Tây Ninh.
Tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành tham dự hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định, đây là đề án lớn, có tính quyết định trong xây dựng Chính phủ điện tử ở nước ta. Sự ra đời của Đề án 896 đã tạo sự đổi mới căn bản về tổ chức, hoạt động quản lý nhà nước về dân cư theo hướng hiện đại, phù hợp với điều kiện của Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thông lệ quốc tế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; phục vụ quản lý Nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân; đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại các bộ, ngành, địa phương, tiến tới xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam.
Đến nay, 57/57 (100%) nhiệm vụ của Đề án 896 đã hoàn thành. Về cơ bản nhiệm vụ xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sản xuất, cấp CCCD đã được thực hiện theo đúng tiến độ. Tính đến ngày 5.3.2021, tổng số nhân khẩu thường trú cả nước là 98.736.106 (trong đó, số nhân khẩu thường trú 4 địa phương gồm Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, Tây Ninh là 11.864.261 nhân khẩu). Bộ Công an đã hướng dẫn, chỉ đạo công an các địa phương tổ chức 6.000 lượt kiểm tra, phúc tra bảo đảm dữ liệu thông tin dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”.
Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu kết luận hội nghị.
Hiện nay lực lượng Công an đang đồng loạt cấp thẻ CCCD mới cho công dân trên toàn quốc với nhiều ưu điểm nổi bật (thẻ có gắn chip điện tử với phương án bảo mật cao; bảo đảm các tiêu chuẩn quốc tế; thiết kế bảo đảm thẩm mỹ, bền, đẹp...), mở ra cơ hội mới trong việc ứng dụng phát triển các dịch vụ bảo đảm an ninh, an toàn, CCHC phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Ngày 25.2.2021, Chính phủ, Bộ Công an đã bấm nút khai trương hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân. Hiện nay, đang chỉ đạo hoàn thiện, bổ sung, cập nhật dữ liệu để hệ thống chính thức đi vào hoạt động; đồng thời với việc triển khai quyết liệt chiến dịch cấp 50 triệu thẻ căn cước công dân hoàn thành trước ngày 1.7.2021, cùng với thời điểm Luật cư trú sửa đổi có hiệu lực thi hành.
Ban chỉ đạo 896 cũng đã chỉ đạo, đôn đốc quyết liệt việc rà soát các TTHC, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư. Các Bộ, ngành đã đề xuất đơn giản hóa đối với 1.126 TTHC, chiếm tỷ lệ 58%, trong đó đề xuất bãi bỏ, hủy bỏ 34 TTHC, cắt giảm thành phần hồ sơ của 1.042 TTHC…
Báo cáo kết quả thực hiện trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng cho biết, Tây Ninh đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý nhân hộ khẩu từ trước khi có Đề án, nên khi triển khai có thuận lợi là đã có dữ liệu nhân hộ khẩu của người dân trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, tỉnh đã hoàn thành xây dựng Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư với 1.379.230 nhân khẩu thường trú (dữ liệu bao gồm tất cả công dân trong và ngoài tỉnh có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh trên phần mềm quản lý nhân hộ khẩu), được Bộ Công an đánh giá đạt 99,10%.
Người dân đến giải quyết TTHC tại thị xã Hòa Thành.
Thời gian qua, cơ quan đăng ký hộ tịch trên địa bàn tỉnh phối hợp lực lượng Công an tra cứu thông tin cá nhân của công dân trong hồ sơ cấp CMND/CCCD để thực hiện đăng ký khai sinh, đăng ký lại khai sinh cho công dân, giải quyết các trường hợp thông tin họ tên, ngày, tháng năm sinh công dân không giống nhau. Kết quả đã thu thập, sửa đổi, bổ sung thông tin dân cư được 6.984 trường hợp.
Trong lĩnh vực cấp CCCD có gắn chip điện tử, Công an tỉnh và Sở Tư pháp đã kịp thời phối hợp hướng dẫn thống nhất xác định ngày, tháng sinh cho người dân (đối với các trường hợp trong sổ hộ khẩu và giấy CMND không có ngày, tháng sinh), thực hiện đúng theo quy định, tiết kiệm thời gian, không gây phiền hà cho người dân.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của các Bộ, ngành, địa phương để có những kết quả hôm nay. Trong đó, lực lượng công an đã bảo đảm thu thập bổ sung thông tin dân cư mỗi ngày ngay từ địa phương để xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành, sẵn sàng tích hợp với dữ liệu quốc gia về dân cư.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định, năm 2021 là năm nước ta sẽ đưa Đề án 896 vào thực tiễn, tiến tới xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính phủ số, ngành kinh tế số, xã hội số. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an tiếp tục hoàn thiện dự án cơ sở dự liệu quốc gia về dân cư; dự án sản xuất, cấp CCCD đảm bảo đồng bộ, chính xác, an ninh và an toàn dữ liệu.
Đăng ký Dịch vụ công trực tuyến tại Trung tâm Hành chính công của tỉnh.
Các cơ quan từ trung ương đến địa phương tiếp tục đẩy mạnh CCHC trong thực hiện các thủ tục liên quan đến dân cư, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia và cổng dịch vụ công của Bộ Công an.
Bộ Thông tin và Truyền thông nhanh chóng hoàn thiện dự thảo Nghị định về định danh và xác thực điện tử trình Chính phủ xem xét. Các bộ, ngành địa phương đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn ứng dụng công nghệ thông tin để đảm bảo kết nối liên thông với các ngành…
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ khen thưởng cho nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án, trong đó có tập thể Công an tỉnh Tây Ninh.
N.D