Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ:
Chính sách chưa hoàn thiện phải được sửa đổi, bổ sung kịp thời để đáp ứng yêu cầu thực tiễn
Chủ nhật: 12:30 ngày 19/11/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, hoạt động giám sát không chỉ đạt mục đích, phát hiện vấn đề, đưa ra các kiến nghị mà còn đòi hỏi đối tượng chịu sự giám sát và thực thi các kiến nghị đó nghiêm túc. Đối với những sai phạm phải được xử lý, những chính sách chưa hoàn thiện phải được sửa đổi, bổ sung kịp thời để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Ông Phạm Hùng Thái- Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh cùng các thành viên tham dự buổi họp trực tuyến tại điểm cầu Tây Ninh.

Sáng 17.11, tại Nhà Quốc hội, sau khi nghe Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo tóm tắt đánh giá kết quả hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2023 và triển khai chương trình giám sát năm 2024, các đại biểu tham gia thảo luận và ý kiến phát  biểu của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có bài phát biểu quan trọng kết luận hội nghị và chỉ đạo một số nội dung trọng tâm công tác giám sát năm 2024.

Theo đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu tập trung cao độ cho dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; sẽ ban hành nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn hoạt động giải trình của Hội đồng Dân tộc và các cơ quan Quốc hội cũng như đẩy nhanh tiến độ sửa đổi, bổ sung các Nghị quyết liên tịch để tiếp xúc cử tri của ĐBQH và đại biểu HĐND. 

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý các đoàn giám sát chuyên đề trên cơ sở các hồ sơ sơ kết, tổng kết, đánh giá những nội dung liên quan đến vấn đề giám sát, tập trung giám sát việc ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết, nhất là khâu tổ chức thực thi phải nghiêm. Riêng đối với các hình thức giám sát khác, cần nghiên cứu cách thức tiến hành chất vấn tại các kỳ họp và phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và làm tốt chất vấn giữa nhiệm kỳ của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, về việc thẩm tra các báo cáo phải chuẩn bị tốt, trên cơ sở hoạt động giám sát của Hội đồng dân tộc, các cơ quan Quốc hội, các Đoàn ĐBQH. Riêng việc giám sát các văn bản quy phạm pháp luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị sớm báo cáo kết quả giám sát, tiếp tục rà soát theo Nghị quyết 101/2023/QH15.

Đồng thời  Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cần tập trung đổi mới trong hoạt động giám sát, tiếp tục tạo chuyển biến về chất trong hoạt động giám sát và chú trọng tăng cường giám sát của Đoàn ĐBQH gắn với chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền cũng như tăng cường hoạt động phối hợp với Chính phủ, TAND tối cao, Viện KSND tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, hệ thống chính trị địa phương.

Trước đó, phát biểu ý kiến, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho biết, hoạt động giám sát của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là nhiệm vụ quan trọng luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc. Qua đó, phát hiện và có biện pháp chấn chỉnh, kiến nghị xử lý những thiếu sót, hạn chế để hoàn thiện thể chế, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước. Đồng thời, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng khẳng định, năm 2023, thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành báo cáo đầy đủ theo đề cương yêu cầu của các đoàn giám sát và chỉ đạo các cơ quan thực hiện nghiêm các kiến nghị sau giám sát.

Báo kết quả hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2023, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế tiếp tục được tăng cường, góp phần quan trọng tạo cơ sở pháp lý và định hướng hoạt động giám sát cho cả nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV.

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bảo đảm đúng quy định, sát thực tiễn với nhiều đổi mới, kịp thời giải quyết các vấn đề cử tri và Nhân dân quan tâm. Đồng thời, hoạt động giám sát chuyên đề tiếp tục có nhiều đổi mới trong công tác tổ chức thực hiện, nhờ đó đạt hiệu quả, kết quả tích cực.

Bên cạnh đó, hoạt động lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành cẩn trọng, bảo đảm nghiêm túc, theo quy định của pháp luật. Hoạt động “giám sát lại” trong năm 2023 được triển khai với tinh thần chuẩn bị từ sớm, từ xa đạt nhiều kết quả tích cực. Việc xem xét báo cáo của các cơ quan được thực hiện một cách thực chất, trách nhiệm, hiệu quả, được thảo luận kỹ với nhiều yêu cầu đổi mới theo hướng trọng tâm, tập trung vào các vấn đề lớn và quan trọng, nêu bật được các vấn đề cụ thể.

Về chương trình giám sát năm 2024, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, đối với hoạt động giám sát chuyên đề, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao 2 chuyên đề về “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11.1.2022 của Quốc hội về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023” và “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023” tại kỳ họp thứ 7 và thứ 8.

Đồng thời, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành giám sát 2 chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 -2023” và “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023” tại phiên họp tháng 8 và tháng 9.2024. Về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội sẽ tổ chức 2 phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 7 và kỳ họp thứ 8.

Hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký UBTW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà đồng chủ trì hội nghị.

Chủ trì tại điểm cầu Tây Ninh có ông Phạm Hùng Thái- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; bà Hoàng Thị Thanh Thuý- Tỉnh uỷ viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh và ông Huỳnh Thanh Phương- Bí thư Huyện uỷ Gò Dầu, ĐBQH khoá XV tỉnh Tây Ninh.

Hội nghị được kết nối trực tiếp với 62 điểm cầu tại 62 Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với khoảng 160 đại biểu tham dự tại điểm cầu chính và gần 1.500 đại biểu tham dự tại điểm cầu các địa phương.

Đức Tiến

Tin cùng chuyên mục