Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Chính sách khuyến khích liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp: Tìm hướng tháo gỡ khó khăn
Thứ năm: 09:43 ngày 13/07/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngày 5.7.2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Nông dân trồng bưởi da xanh trên địa bàn huyện Dương Minh Châu.

Theo đó, chính sách này được kỳ vọng thúc đẩy liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện còn gặp một số khó khăn, cần được tháo gỡ.

Khó khăn trong quá trình thực hiện thủ tục hỗ trợ chính sách

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 98/2018/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định số 98), tỉnh đã ban hành Quyết định số 23/2019/QĐ-UBND ngày 28.6.2019 hỗ trợ thực hiện liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Đến nay, tỉnh đã hỗ trợ 9 dự án, gồm: 4 dự án liên kết chăn nuôi bò; 4 dự án liên kết trồng lúa và 1 dự án liên kết trồng nấm tại các huyện Gò Dầu, Bến Cầu, Châu Thành, Dương Minh Châu, thị xã Trảng Bàng, thành phố Tây Ninh.

Mặc dù chính sách đã hỗ trợ nông dân tham gia liên kết ổn định, phát huy vai trò hợp tác xã trong sản xuất nông nghiệp, nhưng theo Sở NN&PTNT, trong quá trình thực hiện chính sách, hồ sơ thanh, quyết toán kinh phí hỗ trợ được quy định tại Điều 13 của Quyết định số 23/2019/QĐ-UBND không nêu cụ thể về thành phần hồ sơ thanh, quyết toán của từng đối tượng tham gia liên kết, nên gặp khó khăn trong quá trình thực hiện thủ tục hỗ trợ liên quan chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Chính sách phải quy định cụ thể đối với cơ quan trực tiếp chi hỗ trợ hồ sơ gồm: hợp đồng trách nhiệm, biên bản nghiệm thu hợp đồng trách nhiệm, bảng xác định khối lượng công việc đã hoàn thành…; chủ trì liên kết, hỗ trợ hồ sơ gồm: văn bản đề nghị nghiệm thu, văn bản đề nghị hỗ trợ kinh phí và quyết toán, tư vấn…; hợp tác xã hồ sơ gồm: văn bản đề nghị hỗ trợ kinh phí, danh sách nông dân nhận giống, vật tư và kinh phí hỗ trợ, phiếu chi tiền hỗ trợ của hợp tác xã cho từng hộ.

Theo Sở NN&PTNT, ngày 10.2.2023, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo về việc “tháo gỡ khó khăn trong thực hiện thủ tục hỗ trợ liên quan chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh”, giao nhiệm vụ cho Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn hồ sơ thanh, quyết toán nguồn vốn hỗ trợ liên kết theo quy định; giao Sở NN&PTNT kiến nghị Bộ NN&PTNT về việc hỗ trợ giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm thông qua các dịch vụ tập trung của hợp tác xã theo quy định tại Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5.7.2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Sở NN&PTNT kiến nghị Bộ có hướng dẫn hồ sơ thanh, quyết toán nguồn vốn hỗ trợ đối với chính sách hỗ trợ liên kết gồm vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp kinh tế.

Khó khăn trong việc hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp

Thời gian qua, các tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp kiến nghị ngành Nông nghiệp triển khai các biện pháp quản lý, kiểm soát chất lượng ngay từ nguồn cung trên địa bàn tỉnh; tăng cường kiểm tra các cơ sở, các đại lý phân phối vật tư, phân bón, giống cây trồng, vật nuôi; kiên quyết xử lý nghiêm các đơn vị để xảy ra sai phạm; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và phổ biến các loại giống cây trồng, vật nuôi, các loại thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp có chất lượng, đã được kiểm soát của các cơ quan chức năng, bảo đảm thông tin đầy đủ đến nông dân.

Theo Sở NN&PTNT, công tác quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp được ngành chú trọng, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Công tác thông tin, tuyên truyền và phổ biến các loại giống cây trồng, vật nuôi, các loại thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp có chất lượng, đã được kiểm soát của các cơ quan chức năng bảo đảm thông tin đầy đủ đến nông dân. Hiện nay, ngành đang cập nhật dữ liệu ngành nông nghiệp lên trung tâm tích hợp cơ sở dữ liệu (IOC) của tỉnh, trong đó có 470 cửa hàng kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đủ điều kiện.

Tuy nhiên, đối với việc hỗ trợ giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm thông qua các dịch vụ tập trung của hợp tác xã được quy định tại Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5.7.2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và Quyết định số 23/2019/QĐ-UBND ngày 28.6.2019 của UBND tỉnh gây khó khăn, hạn chế trong phát triển chuỗi liên kết được hỗ trợ chính sách.

Theo HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Hùng Hậu (xã Hoà Thạnh, huyện Châu Thành), các nội dung hỗ trợ của chuỗi chủ yếu là hỗ trợ giống, vật tư cho các hộ trực tiếp sản xuất, còn các doanh nghiệp, HTX chủ trì liên kết không được hưởng, chỉ được hưởng lợi khi cung ứng giống, vật tư và thu mua sản phẩm, nhưng chậm được thanh toán phần kinh phí ngân sách Nhà nước hỗ trợ.

Việc chậm được thanh toán kinh phí hỗ trợ dẫn đến việc cung ứng giống, vật tư không có lãi hoặc bị lỗ khi có biến động tăng giá và đã gặp khó khăn về nguồn vốn kinh doanh lại phải ứng vốn nên càng khó khăn hơn.

Sở NN&PTNT có văn bản kiến nghị Bộ về việc hỗ trợ giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm thông qua các dịch vụ tập trung của hợp tác xã theo quy định tại Nghị định số 98/2018/NĐ-CP.

Cụ thể, tại khoản 3 Điều 6 của Nghị định số 98/2018/NĐ-CP quy định 2 trường hợp: Trường hợp 1: Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã ký hợp đồng liên kết trực tiếp với cá nhân, nông dân thì doanh nghiệp hoặc hợp tác xã là chủ trì liên kết; được hiểu là cho phép doanh nghiệp ký hợp đồng trực tiếp với nông dân để hình thành dự án liên kết không có hợp tác xã tham gia; Trường hợp 2: Doanh nghiệp và hợp tác xã ký hợp đồng liên kết với nhau thì các bên thống nhất cử ra chủ trì liên kết, được hiểu là có hợp tác xã tham gia.

Tuy nhiên, điểm c, khoản 1, Điều 9 của Nghị định số 98/2018/NĐ-CP có quy định: hỗ trợ giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm tối đa không quá 3 vụ hoặc 3 chu kỳ sản xuất, khai thác sản phẩm thông qua các dịch vụ tập trung của hợp tác xã được hiểu là có hợp tác xã tham gia.

Như vậy, quy định tại điểm c khoản 1 Điều 9 của Nghị định số 98/2018/NĐ-CP thì chỉ phù hợp với trường hợp 2, không phù hợp với trường hợp 1.

Vì vậy, Sở NN&PTNT đề nghị Bộ tham mưu Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 9 cho phù hợp với khoản 3 Điều 6 của Nghị định số 98/2018/NĐ-CP.

Nhi Trần

Tin cùng chuyên mục