Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Từ đầu tháng 7/2024, mức lương cơ sở tăng lên 2,34 triệu đồng nên kéo theo đó, các mức bồi thường tổn thất tinh thần cũng tăng theo, cao nhất là 234 triệu đồng.
Bộ luật Dân sự 2015 quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nêu rõ, người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Trong đó, thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Ngoài ra, bên cạnh việc bồi thường thực tế thì khi bị thiệt hại, người gây ra phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất tinh thần cho người bị thiệt hại. Trong đó, mức bù đắp do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì sẽ bị ấn định theo số lần của mức lương cơ sở.
Theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP, từ 1-7, mức lương cơ sở là 2,34 triệu đồng/ tháng, nên khi lương cơ sở tăng, mức bồi thường thiệt hại về tinh thần cũng tăng theo.
Cụ thể: Bồi thường tổn thất tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm: Mức bồi thường không quá 50 lần mức lương cơ sở nên số tiền bồi thường không quá 117 triệu đồng;
Bồi thường tổn thất tinh thần do tính mạng bị xâm phạm: Mức bồi thường không quá 100 lần mức lương cơ sở nên số tiền bồi thường không quá 234 triệu đồng;
Bồi thường tổn thất tinh thần do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm: Mức bồi thường không quá 10 lần mức lương cơ sở nên số tiền bồi thường không quá 23,4 triệu đồng;
Bồi thường tổn thất tinh thần do xâm phạm thi thể: Mức bồi thường không quá 30 lần mức lương cơ sở nên số tiền bồi thường không quá 70,2 triệu đồng;
Bồi thường tổn thất tinh thần do xâm phạm mồ mả: Mức bồi thường không quá 10 lần mức lương cơ sở nên số tiền bồi thường không quá 23,4 triệu đồng.
Cũng theo Bộ luật Dân sự 2015, một người chỉ phải bồi thường thiệt hại khi: Có hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác; Có thiệt hại xảy ra.
Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường. Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 599 Bộ luật Dân sự 2015.
Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.
Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường…
Nguồn ANTD.VN