Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Chợ Hoà Bình: Còn nhiều bất cập
Thứ hai: 10:25 ngày 14/10/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sau hơn 4 năm đưa vào sử dụng, đến nay, nhiều hạng mục công trình của chợ Hoà Bình xuống cấp dẫn đến nhiều bất cập.

Chợ Hoà Bình (thuộc ấp Thành Đông, xã Thành Long, huyện Châu Thành), cách Cửa khẩu quốc gia Phước Tân khoảng 7 km, là nơi giao thương, buôn bán, trao đổi hàng hoá giữa người dân Việt Nam và thương lái Campuchia từ hàng chục năm nay.

Năm 2018, đây là một trong những ngôi chợ đầu tiên của tỉnh được cải tạo, nâng cấp theo mô hình xã hội hoá. Chợ được quy hoạch như là một trung tâm thương mại vùng biên với đầy đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu mua bán không chỉ của người địa phương mà còn là đầu mối giao thương hàng hoá với nước bạn Campuchia thông qua Cửa khẩu quốc gia Phước Tân và một số cửa khẩu phụ khác.

Chợ Hoà Bình kinh doanh ế ẩm.

Tuy nhiên, sau hơn 4 năm đưa vào sử dụng, đến nay, nhiều hạng mục công trình của ngôi chợ này xuống cấp dẫn đến nhiều bất cập.

Rác thải…

Ông Nguyễn Thanh Nhàn, nhà đối diện bãi tập kết rác phía sau chợ Hoà Bình cho biết, từ khi chợ mới đi vào hoạt động, lượng rác thải hằng ngày của các tiểu thương trong chợ được thu gom ra khu vực này, chờ xe chuyên dụng đến vận chuyển đi.

Trước đây, khoảng hai, ba ngày có xe ép rác đến lấy, mùi hôi có phát sinh nhưng không đáng kể. Tuy nhiên, khoảng 3 tháng gần đây, rác thải tồn đọng, không còn được thu gom nên bốc mùi hôi thối- nhất là những ngày mưa, ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân trong khu vực.

Ông Nguyễn Văn Sơn, một tiểu thương sống cạnh bãi tập kết rác cho biết, số rác phát sinh hằng ngày từ hoạt động buôn bán của các tiểu thương tại chợ Hoà Bình rất ít, chủ yếu là rác của các hộ dân sinh sống trên địa bàn đem đến vứt, nên chỉ vài ngày là đống rác lại phình to ra, mùi hôi từ sự phân huỷ các chất hữu cơ trong đống rác nên chuột bọ, gián và ruồi bu vào, ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình ông rất nhiều.

Theo ông Sơn, trước đây, bãi rác cũng thường xuyên được dọn dẹp, thế nhưng vì không có biện pháp ngăn chặn các hộ dân trên địa bàn mang rác vào vứt nên tình trạng ô nhiễm thường xuyên tái diễn.

Rác thải tập kết nhiều phía sau chợ.

Theo các tiểu thương, chợ Hoà Bình được xây dựng lại vào năm 2018 theo hình thức xã hội hoá và được đưa vào sử dụng cách nay 4 năm. Tuy nhiên, một số hạng mục đã xuống cấp, nhất là hệ thống thoát nước gây ra tình trạng nước bị ứ đọng, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Ông Thanh Lâm, một tiểu thương kinh doanh trong chợ Hoà Bình cho biết, hơn hai năm nay, mọi hoạt động của chợ gần như không có người quản lý (ngoại trừ việc thu tiền điện hằng tháng). Do đó, việc thu gom rác thải, vệ sinh chợ đều do tiểu thương tự thực hiện tại khu vực mình kinh doanh.

Theo ông Lâm, bên trong khu nhà lồng chợ có thệ thống mương thoát nước được thiết kế có nắp đậy bằng vỉ sắt, nhưng do lâu ngày không được dọn dẹp, nạo vét nên thường bị rác lấp đầy, nước bẩn từ các sạp thịt, cá, khô… trôi xuống ứ đọng lâu ngày gây mùi hôi thối rất khó chịu. Ông và những hộ kinh doanh trong chợ đã nhiều lần vệ sinh, vét lại các mương này. Tuy nhiên, việc này không thể khắc phục triệt để, nên chỉ một, hai tháng là tái diễn.

Bà Nguyễn Oanh, một tiểu thương kinh doanh mặt hàng cá tươi tại chợ cho biết, do mương thoát nước bị nghẹt nên hằng ngày lượng nước thải từ kinh doanh đọng trên nền chợ, gây mất vệ sinh. Do đó, nhiều người đã bỏ ra khu vực phía trước cổng chợ bày bán.

… Hạ tầng xuống cấp

Theo nhiều tiểu thương, trước đây khi triển khai dự án xây dựng mới, nhà đầu tư giới thiệu về ngôi chợ mới với quy mô rất lớn, bao gồm: khu vực nhà lồng chợ và các dãy nhà kinh doanh bao quanh bốn mặt chợ. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có hạng mục nhà lồng chợ được đưa vào hoạt động, còn các công trình khác đang xây dựng dang dở, nhiều hạng mục bị bỏ hoang, xuống cấp trầm trọng.

Khu vực có nhà vệ sinh nhưng đã bị khoá lại.

Một tiểu thương tên Thanh, kinh doanh hai kiosk trong chợ cho biết, từ khi ông dọn vào chợ mới đến nay đã 4 năm, gần như Ban quản lý chợ chỉ thực sự hoạt động trong năm đầu tiên, từ cuối năm 2022 đến nay, hoạt động tại chợ mạnh ai nấy làm, không ít người đã khoá cửa, bỏ trống kiosk để ra ngoài bán vì ế ẩm.

Theo ông Thanh, trước đây, dù chưa được xây dựng mới, nhưng việc kinh doanh, buôn bán tại chợ khá sầm uất. Ngoài khách hàng mua lẻ là người dân tại địa phương, chợ Hoà Bình còn là đầu mối phân phối cho một lượng lớn khách mua sỉ từ các xã biên giới của huyện Châu Thành và Campuchia, doanh thu mỗi ngày không dưới vài triệu đồng. Thế nhưng, kể từ sau đợt dịch Covid-19 đến nay, tình hình kinh doanh tại chợ rơi vào trầm lắng, khách hàng mua sỉ dần chuyển sang mua hàng từ siêu thị, các cửa hàng tiện lợi…

Cũng theo phản ánh, dù là xây mới, nhưng chợ Hoà Bình chưa được đơn vị đầu tư xây dựng nhà vệ sinh công cộng, gây bất tiện không chỉ cho các hộ kinh doanh trong chợ mà còn gây khó khăn cho những khách hàng từ xa đến chợ mua sắm.

Ông T.L.V, một hộ kinh doanh tại chợ Hoà Bình cho hay, trước đây, tại khu nhà liền kề phía bên phải của nhà lồng chợ có một kiosk được sử dụng làm nơi ở của Ban quản lý chợ, đây là nơi duy nhất được bố trí nhà vệ sinh nên các tiểu thương và người dân cũng sử dụng tại đây.

Tuy nhiên, từ khi chợ Hoà Bình được chuyển giao cho doanh nghiệp khác quản lý, khu vực này bị đóng cửa, nên các tiểu thương và người dân không có nơi đi vệ sinh.

Theo các tiểu thương, sau khi đi vào hoạt động, chủ đầu tư chợ Hoà Bình đã cho thuê khu vực mái che nhà lồng chợ và bãi trông giữ xe để một doanh nghiệp khác lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời.

Ban đầu, Ban quản lý chợ thông báo rằng, việc lắp đặt hệ thống điện này sẽ giúp tiết giảm chi phí sử dụng điện của các tiểu thương. Tuy nhiên, sau khi lắp đặt xong, hệ thống này được đấu nối vào hệ thống lưới điện quốc gia để bán cho ngành Điện, tiểu thương trong chợ vẫn phải đóng tiền theo điện kế của Điện lực.

Minh Dương

(Còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục