Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Những ngày qua, người dân Hoà Thành phấn khởi, xôn xao trước thông tin huyện sắp lên thị xã. Với nhiều người cao tuổi, Hoà Thành xứng đáng trở thành thị xã từ rất lâu, vì đô thị này dù là huyện lỵ nhưng lại là trung tâm giao thương của tỉnh từ xưa đến nay.
Trung tâm thị trấn Hoà Thành. Ảnh: Nguyễn Huỳnh Đông
Đô thị được quy hoạch căn cơ lâu đời
Hoà Thành là vùng đất được khai phá vào giữa thế kỷ XVII do luồng dân cư từ phương Bắc di dân đến. Thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh, đời sống nhân dân khổ cực, nhiều người đến vùng đất rừng núi hoang vu này để sinh sống, khoai hoang lập ấp.
Đô thị Hoà Thành được hình thành từ những năm 1950, giữa thế kỷ XX, được tôn giáo Cao Đài Tây Ninh quy hoạch và thiết kế theo mô hình bát quái, các vị trí chức năng theo từng khu vực đô thị được định hướng khoa học đồng bộ, đồng đều, khá hoàn chỉnh, hạ tầng giao thông được quy hoạch theo dạng ô bàn cờ.
Trong quá trình biến động của lịch sử, đến ngày 14.3.1979, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 115-CP đổi tên huyện Phú Khương thành huyện Hoà Thành, trên cơ sở lấy hai chữ cuối của xã Trường Hoà và Hoà Thành. Ngày 4.4.1979, theo Quyết định số 143-CP của Hội đồng Chính phủ, điều chỉnh địa giới và đổi tên các xã của huyện Hoà Thành như sau: xã Long Thành chia ra thành các xã: Long Thành Trung, Long Thành Nam, Long Thành Bắc và Thị trấn; xã Hiệp Ninh chia thành các xã: Hiệp Ninh và Hiệp Tân; xã Ninh Thạnh chia thành các xã: Ninh Thạnh và Ninh Sơn; xã Trường Hoà chia thành các xã: Trường Hoà, Trường Đông và Trường Tây; xã Suối Vàng Cạn đổi tên thành Tân Bình.
Tiếp đó, đến ngày 10.8.2001, Chính phủ ra Nghị định số 46/2001/NĐCP về việc điều chỉnh huyện Hoà Thành để mở rộng thị xã Tây Ninh trên cơ sở sáp nhập vào thị xã Tây Ninh các xã: Tân Bình, Ninh Sơn, Ninh Thạnh, Thạnh Tân, Hiệp Ninh và 139 ha của 2 ấp Hiệp Định và Hiệp Ân, xã Hiệp Tân.
Đến nay, huyện Hoà Thành có diện tích tự nhiên là 8.292,4 ha với 8 đơn vị hành chính gồm 1 thị trấn và 7 xã: Long Thành Bắc, Long Thành Nam, Long Thành Trung, Hiệp Tân, Trường Hoà, Trường Đông và Trường Tây.
Riêng thị trấn Hoà Thành là trung tâm đô thị của huyện đã được Bộ Xây dựng công nhận đô thị loại IV vào năm 2016 (Quyết định số 431/QĐ-BXD ngày 17.5.2016).
Thị trấn Hoà Thành được tách ra từ xã Long Thành, huyện Phú Khương, tỉnh Tây Ninh và được thành lập vào năm 1979, gồm có 4 khu phố với tổng diện tích tự nhiên là 227,479 ha, dân số hiện nay là 3.692 hộ với 21.235 nhân khẩu. Dân cư tập trung đông đúc ở trung tâm thị trấn và chủ yếu sống bằng nghề kinh doanh mua bán, có một số ít sản xuất kinh doanh nông nghiệp nơi khác. Tỷ trọng kinh tế chủ yếu là thương nghiệp, dịch vụ.
Thị trấn Hoà Thành là đầu mối kinh tế văn hoá chính trị của toàn huyện, có Toà thánh Cao Đài là trung tâm tôn giáo Cao Đài Tây Ninh, hằng năm có 2 lễ lớn, tập trung khách thập phương về tham quan du lịch. Ngoài ra, còn có trung tâm thương mại Long Hoa- đầu mối giao lưu hàng hoá. Đặc biệt, được sự quan tâm đầu tư của tỉnh, huyện, cùng sự đóng góp công sức của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, cơ sở hạ tầng trên địa bàn thị trấn ngày càng khang trang, hiện đại với hệ thống giao thông, công trình công cộng… được đầu tư xây dựng tiến dần đến đồng bộ, góp phần đẩy nhanh quá trình đô thị hoá, đáp ứng quá trình thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá của huyện và của tỉnh.
Đây cũng là điều kiện thuận lợi để người dân chuyển đổi ngành nghề, đầu tư kinh doanh phát triển kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Chuẩn bị dài hơi cho quá trình “mặc áo” mới
Ông Nguyễn Văn Tuyên, 62 tuổi, ngụ xã Long Thành Bắc, là người dân sống lâu năm ở huyện Hoà Thành, cho rằng, huyện có nhiều tiềm năng, nổi bật là việc quy hoạch hệ thống giao thông bài bản, lâu đời; truyền thống kinh doanh thương mại của người dân huyện lỵ- nhất là khu vực chợ Long Hoa. Bên cạnh đó, lối sống và sinh hoạt của người dân huyện Hoà Thành cũng mang dáng dấp đô thị... nên việc Hoà Thành lên thị xã là điều tất yếu.
Theo ông Tuyên, cần phải nhìn lại sự chuẩn bị của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hoà Thành trong một thời gian dài mới thấy được quyết tâm đưa huyện lên một tầm cao mới bằng việc tập trung đầu cơ cơ sở hạ tầng để phát triển, kinh tế tăng trưởng hằng năm, đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được nâng lên từng ngày.
Còn anh M.H.T.L, 30 tuổi, ngụ Thị trấn cho rằng, dù là người trẻ, không biết nhiều về lịch sử hình thành của đô thị Hoà Thành nhưng anh cũng thấy được sự đổi thay bộ mặt của huyện qua từng ngày. Cơ sở hạ tầng giao thông được đầu tư ngày càng khang trang, các tuyến đường nhánh tại Thị trấn và các xã lân cận đều là đường nhựa hoặc bê tông xi măng, có hệ thống đèn chiếu sáng. Nhất là những năm gần đây, các tuyến đường giao thông quan trọng của huyện được nâng cấp như Nguyễn Văn Linh, Châu Văn Liêm... đã làm thay đổi rõ rệt diện mạo của địa phương. Là người dân huyện Hoà Thành, anh L cũng như bao nhiêu người khác đều đang phấn khởi chờ đợi ngày huyện chính thức “thay áo” mới, trở thành thị xã.
Theo UBND huyện, kể từ khi đô thị mở rộng huyện Hoà Thành được Bộ trưởng Bộ Xây dựng công nhận đạt tiêu chí đô thị loại IV theo Quyết định số 1708/QĐ-BXD ngày 22.2.2018; sau đó là Quyết định số 1528/QĐ-UBND ngày 18.6.2018 của UBND tỉnh phê duyệt Đồ án quy hoạch chung đô thị Hoà Thành đến năm 2035, tỷ lệ 1/10.000; Công văn số 572/UBND-NCPC ngày 29.3.2019 của UBND tỉnh về chủ trương lập Đề án thành lập thị xã Hoà Thành; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện hết sức nỗ lực để huyện sớm trở thành thị xã.
Trong đó về cơ sở hạ tầng, địa phương có 24 tuyến đường huyện với chiều dài khoảng 74km; tỷ lệ nhựa hoá đạt 76% (57km), còn lại là đường cấp phối sỏi đá. Các tuyến đường huyện chủ yếu đạt cấp V - VI với lộ giới rộng 7 - 9m, trong đó mặt đường rộng 5 - 6m. Các tuyến đi qua đô thị, khu vực đông dân cư lộ giới rộng 20 - 30m, mặt đường rộng 10 - 20m. Đường xã có 81 tuyến đường xã với chiều dài khoảng 83km. Chủ yếu là đường cấp phối sỏi đá, đường đất, tỷ lệ nhựa hoá đạt khoảng 8% (6,5km).
Đường đô thị tập trung chủ yếu ở khu vực trung tâm thị trấn, với tổng số 31 tuyến, lộ giới rộng 15 - 40m, hệ thống tiện ích theo đường (cây xanh, điện chiếu sáng…) chưa được xây dựng đồng bộ.
Nhìn chung, hệ thống giao thông đường bộ trên toàn đô thị đã và đang được tiếp tục đầu tư phát triển, tạo thành mạng lưới kết nối với tất cả các địa bàn trong đô thị và liên thông với các vùng lân cận đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đô thị. Hiện nay, tổng chiều dài các tuyến đường giao thông là 214,53km, trong đó đường giao thông đô thị có mặt cắt ≥ 7,5m là 88km.
Bên cạnh đó, an sinh xã hội, giáo dục, đời sống tinh thần cũng được huyện chú trọng đầu tư phục vụ cho người dân. Kinh tế phát triển mạnh qua từng năm, nhất là hoạt động thương mại, nông nghiệp, dịch vụ… Thu nhập đầu người của huyện năm 2018 là 66 triệu đồng, hơn 1,2 lần so với thu nhập bình quân của cả nước (bình quân cả nước 2018 là 59,5 triệu đồng/người).
Với kết quả trên, Hoà Thành là một trong những địa phương có thu nhập đầu người cao trong tỉnh và vượt chuẩn so với cả nước. Quan trọng hơn, người dân khu vực trung tâm huyện đã dần hình thành nếp sống văn minh đô thị, chung tay cùng chính quyền xây dựng bộ mặt huyện ngày càng khang trang, đẹp đẽ.
Toà thánh Cao Đài Tây Ninh. Ảnh: Đ.H.T
Thị xã Hoà Thành có 4 phường, 4 xã
Theo Đề án thành lập thị xã Hoà Thành, đô thị này có diện tích tự nhiên 82,92km2, dân số 150.815 người và 8 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 4 phường và 4 xã. Trong đó, khu vực nội thị có diện tích tự nhiên 23,42km2, dân số 80.905 người, gồm 4 phường: Long Hoa, Hiệp Tân, Long Thành Bắc, Long Thành Trung. Khu vực ngoại thị có diện tích tự nhiên 59,50km2, dân số 69.910 người, gồm 4 xã: Trường Hoà, Trường Đông, Trường Tây, Long Thành Nam.
Diện tích tự nhiên, dân số của thị xã Hoà Thành sau khi được thành lập đã bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 nên không phải tổ chức, sắp xếp lại theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khoá XII.
Việc thành lập thị xã Hoà Thành sẽ tạo thế và lực mới trong việc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội; là điều kiện để tạo sự thay đổi về cơ cấu sản xuất; cơ cấu ngành nghề; tổ chức sinh hoạt xã hội; tổ chức không gian kiến trúc xây dựng; thu hút nguồn lực đầu tư; phát triển ngành thương mại, dịch vụ và du lịch.
Thành lập thị xã Hoà Thành sẽ phát huy giá trị, lợi thế của một trong những cửa ngõ giao lưu giữa thành phố Hồ Chí Minh với Campuchia và các nước ASEAN; giúp việc kêu gọi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực thương mại thuận lợi hơn; nâng cao sức cạnh tranh của ngành thương mại; đồng nghĩa với việc thay đổi diện mạo, cảnh quan, kiến trúc thị xã Hoà Thành theo hướng đô thị văn minh, hiện đại; phát triển kinh tế, thay đổi cơ bản cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng tăng tỷ trọng các ngành du lịch, thương mại; tạo ra khối lượng lớn việc làm; cải thiện và nâng cao đời sống cho nhân dân.
Và thực tiễn ở nhiều đơn vị khác cũng đã chứng minh sau khi thành lập thị xã các đô thị này vẫn giữ được tốc độ phát triển khá cao; là hạt nhân về kinh tế trong một khu vực nhất định.
Thế Nhân
Theo UBND huyện Hoà Thành, trong 2 ngày 27.8 và 28.8, UBND huyện sẽ tổ chức lấy ý kiến cử tri về đề án thành lập thị xã Hoà Thành. Theo đó, nội dung lấy ý kiến cử tri gồm : thành lập các phường Long Hoa trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và dân số của thị trấn Hoà Thành; thành lập phường Hiệp Tân, Long Thành Bắc và Long Thành Trung trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và dân số của xã Hiệp Tân, Long Thành Bắc và Long Thành Trung; thành lập thị xã Hoà Thành trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và dân số của huyện Hoà Thành. Phạm vi lấy ý kiến cử tri sẽ tổ chức lấy ý kiến cử tri của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Hoà Thành. |