Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chở nước ra …biển (!)
Thứ hai: 05:52 ngày 15/04/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Quá trời người trên cộng đồng mạng rủ nhau đi “lạc quyên nước sạch” chở xuống mấy tỉnh bị hạn mặn ở miền Tây Nam bộ cứu giúp bà con đang “khát nặng”.

Lẽ nào mới mở đầu câu chuyện Bàn Dân đã phải “nói lại cho rõ”, vì như thế chắc là… khó coi lắm! Nhưng ngay lúc này, ở đây, Bàn Dân phải nói rõ, đầu đề của câu chuyện kỳ này viết cho đúng và đủ thì phải là: “Chở nước ngọt ra miền ven biển”. Câu chuyện bắt đầu như thế này:

- A lô, chào Bàn Dân, tui mới lướt mạng thấy có cái “còm” này đã quá, không thể để đó chờ ra gặp ông ở quán được, tui chia sẻ cho ông xem trước đây, lát nữa cà phê gặp nhau sẽ “tám” tiếp nhen!

Bàn Dân chưa kịp trả lời, ông bạn đọc thân thiết đã cúp máy cái rụp, gần như cùng lúc đó điện thoại di động của Bàn Dân cũng bíp bíp báo có bản tin mới được chia sẻ. Bản tin trên trang Facebook K.P.T.N có nội dung như thế này: “Một số hình ảnh được cập nhật trực tiếp sáng nay (thứ sáu 12.4.2024 - BD) đoàn xe Tây Ninh 11 chiếc chở khoảng 30 khối nước sạch và nước suối đóng chai đến với bà con Gò Công. Cảm ơn anh em gần xa đã giúp đỡ chung tay hỗ trợ đoàn mang nước sạch đến cho bà con vùng hạn mặn!”. Kèm theo tin là một chùm ảnh chụp các xe tải, xe khách, xe con chở các bồn, bình, két, chai đựng nước uống.

Ra quán cà phê gặp nhau, bạn lại mở điện thoại:

- Ông coi nè, quá trời người trên cộng đồng mạng rủ nhau đi “lạc quyên nước sạch” chở xuống mấy tỉnh bị hạn mặn ở miền Tây Nam bộ cứu giúp bà con đang “khát nặng”.

Bàn Dân còn đang xem các trang mạng, chưa có ý kiến gì thì ông bạn lại hỏi tiếp:

- À, tôi nhớ cách đây khoảng hơn tháng, thấy báo mấy ông có đăng bài bàn “chuyện nước mùa khô”, từ đó tới nay tình hình khô hạn, xâm nhập mặn coi bộ diễn biến bất thường quá hả ông?

- Đúng rồi, đó là hôm 11.3, ba ngày sau khi Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 19/CĐ-TTg, ngày 8.3.2024, yêu cầu các ngành chức năng, các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, triển khai kịp thời một số nhiệm vụ cụ thể phù hợp với tình hình tại địa phương, nhất là “kiên quyết không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt hoặc phải sử dụng nước sinh hoạt không đảm bảo chất lượng”…

- Như vậy, chuyện bà con hảo tâm ở tỉnh mình cũng như ở nhiều địa phương không đến nỗi thiếu nước, nhất là nước ngọt, nước sạch “lạc quyên nước sạch” chở nước xuống tận nơi cứu giúp đồng bào là phù hợp, kịp thời quá rồi ông hả!

- Đúng vậy. Phải nói là khốn khổ cho bà con vùng ven biển mình quá! Lúc ấy, cơn hạn mặn dự kiến từ đầu tháng đến giữa tháng 3 thôi, không ngờ đến giữa tháng 4 vẫn chưa hết. Vậy mà tình trạng hạn hán, ngập mặn còn có thể kéo dài đến giữa tháng 5 nữa đó… Mới đây, vào ngày 8.4, nghĩa là đúng một tháng sau ngày có Công điện số 19, Thủ tướng lại phải ký công điện về “chuyện nước nôi”, mà không chỉ là “chuyện nước nôi” nói chung, công điện của Thủ tướng xoáy sâu vào chuyện “tập trung đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân trong các đợt xâm nhập mặn cao điểm tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo công điện, từ đầu năm đến nay, tại Đồng bằng sông Cửu Long đã liên tiếp xảy ra các đợt xâm nhập mặn và nắng nóng kéo dài, cấp uỷ, chính quyền và cả hệ thống chính trị ở địa phương đã chủ động triển khai thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp ứng phó theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ chuyên ngành, qua đó đã giảm thiểu được thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp, hạn chế ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân.

Theo dự báo, từ nay đến giữa tháng 5.2024, tại Đồng bằng sông Cửu Long có thể xuất hiện 3 đợt xâm nhập mặn (từ 8 đến 13.4, từ 22 đến 28.4 và 7 đến 11.5). Nguy cơ thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt có thể tiếp tục xảy ra, nhất là tại các khu dân cư trên các cù lao, đặc biệt trong bối cảnh nguồn dự trữ nước ngọt đã suy giảm sau những đợt nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài. Do đó, Thủ tướng đã chỉ đạo rất cụ thể những việc cấp thiết mà các ngành, các địa phương cần làm ngay để đồng bào bớt khó khăn vì thiếu nước. Thủ tướng còn nhấn mạnh: “Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trước Thủ tướng nếu để xảy ra tình trạng người dân không có nước sinh hoạt”. Đồng thời “Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương, nhất là các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long triển khai công tác ứng phó phù hợp với tình hình hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn”.

- Đúng là Đảng, Nhà nước mình hết lòng, hết sức lo cho dân. Nhưng chắc chắn sự lo lắng ấy cũng phải có sự đồng tâm hợp lực, chung lòng chung tay từ phía người dân, tức là toàn xã hội cùng lo thì mới thực sự có hiệu quả thiết thực, bền vững lâu dài, phải vậy không hở ông?

- Quả thật vậy. Và Bàn Dân nghĩ, về chuyện toàn quốc, toàn dân, toàn xã hội cùng xắn tay lao vào làm việc công ích khi đất nước, quê hương bị thiên tai, dịch hoạ thì nước ta cũng đã từng trải biết bao nhiêu lần, mà gần nhất là trận đại dịch toàn cầu Covid-19 mới đây thôi “vẫn còn nóng hổi”. Tin rằng khí thế chống đại dịch năm nào cũng sẽ sống lại trong lần “chở nước ra… biển” này thôi!     

Bàn Dân

data:
Truy cập ngay https://europharmvn.com/lutidha/ DHA bầu từ Pháp The Global City
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh