Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ngày 4.8, UBND tỉnh tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 8.2023. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc cùng các Phó Chủ tịch Võ Đức Trong, Dương Văn Thắng chủ trì phiên họp.
Quang cảnh phiên họp thường kỳ tháng 8.2023 của UBND tỉnh.
Phiên họp thảo luận, cho ý kiến 13 nội dung quan trọng do các sở, ngành trình bày, đáng chú ý là dự thảo Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường Trường Chinh (đoạn từ ĐT.781 đến đường 30.4) với mục tiêu đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Trường Chinh (đoạn từ đường 781 đến đường 30.4) nhằm hoàn thiện mạng lưới giao thông tỉnh Tây Ninh, kết nối thành phố Tây Ninh đến các huyện Dương Minh Châu và Châu Thành, Tân Biên, bảo đảm khả năng lưu thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, du lịch. Dự án sẽ là bước đột phá, tạo sự kết nối, lan toả và là động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, đưa Tây Ninh trở thành cực tăng trưởng mới, năng động của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Theo đó, dự án đầu tư đường Trường Chinh có chiều dài 7,14km, thuộc nhóm dự án nhóm B, có điểm đầu giao với đường cao tốc Gò Dầu - Xa Mát (theo quy hoạch) và đường 781 thuộc địa phận huyện Dương Minh Châu. Điểm cuối giao đường 30.4, thành phố Tây Ninh.
Kết luận vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc cho biết, đây là dự án cấp thiết nhằm chia lửa với đường xuyên tâm đô thị Cách Mạng Tháng Tám. Dự án đường Trường Chinh sẽ trở thành đường xuyên tâm đô thị mới phù hợp với sự phát triển kinh tế- xã hội tỉnh, tạo hành lang cho sự phát triển chung do lợi thế kết nối với tỉnh lộ và quốc lộ 22B…
Chủ tịch UBND tỉnh giao địa phương nghiên cứu chọn vị trí tái định cư phù hợp. Thành phố Tây Ninh và huyện Dương Minh Châu cần tính chính xác số hộ bị ảnh hưởng khi triển khai dự án để bố trí tái định cư.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc cơ bản thống nhất dự thảo nghị quyết, đồng thời yêu cầu các huyện Dương Minh Châu, thành phố Tây Ninh và các sở, ngành tiếp thu ý kiến để đưa vào dự thảo nhằm hoàn thiện trước khi trình cơ quan có thẩm quyền.
Phiên họp còn cho ý kiến các nội dung về việc gia hạn thời gian hoạt động dự án đầu tư nhà máy sản xuất tinh bột khoai mì (sắn) và sản xuất đường Glucoza (mạch nha), đường Fructose, kẹo của Công ty cổ phần Khoai mì Tây Ninh.
Đối với các nội dung do Sở Kế hoạch và Đầu tư trình, như Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 11/2020/NQ-HĐND ngày 10.12.2020 của HĐND tỉnh quy định nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch đầu tư công năm 2023 nguồn ngân sách Nhà nước; Nghị quyết điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc cơ bản thống nhất và yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu, bổ sung những ý kiến mà các đại biểu đóng góp.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin ý kiến phiên họp các nội dung: Tờ trình phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án xây dựng Cửa khẩu quốc tế Tân Nam; đề nghị xây dựng Nghị quyết quy định nội dung đầu tư, mức hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh;
Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ hệ thống xử lý nước hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, giai đoạn 2023-2025; dự án nâng cao năng lực cho lực lượng Kiểm lâm trong công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng giai đoạn 2023-2030.
Đối với các nội dung trên, Chủ tịch UBND tỉnh cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ hệ thống xử lý nước hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, giai đoạn 2023-2025, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thiện các thủ tục để trình cơ quan có thẩm quyền.
Trong phiên họp thường kỳ tháng 8, các đại biểu cho ý kiến đối với các nội dung do Sở Xây dựng trình, gồm: phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu phường Trảng Bàng và phường An Tịnh; gia hạn thời gian trình duyệt quy hoạch phân khu phường Gia Bình, Gia Lộc, Lộc Hưng, An Hoà thuộc thị xã Trảng Bàng; phương án phát triển không gian, phạm vi, quy mô đô thị mới để phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị Châu Thành.
Thị xã Trảng Bàng đang điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung đô thị Trảng Bàng đến năm 2035, được phê duyệt tại Quyết định số 1750/QĐ-UBND ngày 12.7.2018 của UBND tỉnh. Đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung Thị xã tác động đến quy hoạch phân khu đang lập.
Sở Xây dựng trình UBND tỉnh gia hạn thời gian trình duyệt quy hoạch phân khu quy hoạch phường Gia Bình, Gia Lộc, Lộc Hưng, An Hoà cùng tiến độ phê duyệt điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thị xã Trảng Bàng định hướng phát triển đô thị loại III.
Trung tâm thị xã Trảng Bàng.
Sau khi nghe đơn vị tư vấn trình bày về các dự thảo đồ án quy hoạch và ý kiến của ngành Giao thông Vận tải, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị đơn vị tư vấn nghiên cứu đóng góp của ngành giao thông. Về cơ bản, Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất nội dung này, riêng đối với các phường còn lại có liên quan đến đô thị, công nghiệp phải chờ quy hoạch tỉnh được duyệt.
Tại phiên họp, lãnh đạo UBND huyện Châu Thành trình bày đồ án, hạ tầng giao thông để phát triển đô thị Châu Thành. Kết luận nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh cơ bản thống nhất về nội dung phát triển không gian, phạm vi, quy mô đô thị mới để phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị Châu Thành định hướng đến năm 2030 trở thành đô thị loại IV; giao Sở Xây dựng và đơn vị tư vấn tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn thiện.
Tấn Hưng