Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Chôn cất người chết-tâm linh đi liền với văn minh
Thứ bảy: 15:35 ngày 12/09/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nghĩa trang ở gần khu dân cư, lo ngại nguồn nước ngầm bị ô nhiễm, chôn cất hay hoả táng người chết để bảo đảm vệ sinh môi trường... Những vấn đề này không phải bây giờ cử tri mới phản ánh.

Nghĩa trang xã Thanh Ðiền, huyện Châu Thành (bên trái bờ kênh là khu dân cư).

Một người dân ở xã Thanh Ðiền, huyện Châu Thành cho biết, địa phương này có một nghĩa trang tập trung. Ðây là khu đất công nên người chết được chôn cất miễn phí. Theo ước tính, diện tích khu đất này có thể phải 20 - 30 năm nữa mới “hết chỗ”. Vấn đề là nghĩa trang gần khu dân cư, cách nhau một bờ kênh có bảo đảm khoảng cách an toàn về môi trường không.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn- Chủ tịch UBND xã Thanh Ðiền thông tin, nghĩa trang xã đã quy hoạch từ lâu, kích cỡ từng ngôi mộ cũng được thống nhất. Chuyện chôn cất trong vườn nhà không còn như trước nữa.

Riêng những ngôi mộ được chôn cất trong vườn nhà, chính quyền xã đã vận động người dân bốc cốt đưa về nghĩa trang xã để bảo đảm vấn đề môi trường. Theo ghi nhận của chính quyền xã, những năm gần đây, người dân có xu hướng hoả táng khi có người thân qua đời. Ðối với nghĩa trang ở các ấp, do tồn tại đã lâu, người dân ở gần đã chuyển từ việc dùng nước giếng khoan sang nước máy.

Theo ông Huỳnh Thanh Nhàn- Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện (Châu Thành), tại một số địa phương không có nghĩa trang chung, chỉ có một số khu vực chôn cất. Xã Hảo Ðước được thành lập đầu những năm 2000, quy hoạch chỉ có đất dành cho trụ sở UBND xã, không có đất làm nghĩa trang. Khi có người qua đời, người dân ở xã này thường đem chôn cất ở nghĩa trang Thị trấn, một số trường hợp đem đi hoả táng hoặc chôn cất ở nơi khác. Theo quy định hiện hành, khi có người qua đời, người nhà không được chôn cất trong vườn nhà, đất gia tộc như trước, vì không bảo đảm vệ sinh môi trường.

“Ở Châu Thành có một bộ phận người dân tộc thiểu số định cư ở khu vực biên giới. Nơi đây, theo phong tục tập quán, tín ngưỡng, người dân hoả táng người chết theo nghi thức riêng, cụ thể là dùng củi đốt. Chính quyền địa phương (xã Hoà Thạnh) đã tìm được quỹ đất để việc chôn cất, hoả táng của đồng bào được tập trung một chỗ. Tuy nhiên, việc thay đổi nghi thức tang lễ cần phải có thời gian, vì điều này liên quan đến văn hoá, tín ngưỡng”- ông Nhàn thông tin.

Ông Kiều Công Minh- Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, diện tích đất quy hoạch dành cho nghĩa trang ở Tây Ninh đến năm 2020 là 950 ha. Khi rà soát triển khai quy hoạch sử dụng đất, đến tháng 4.2020, Tây Ninh đã sử dụng 714 ha đất để làm nghĩa trang và các công trình khác liên quan. Theo kế hoạch, đến hết năm 2020, tổng diện tích đất quy hoạch sử dụng cho nghĩa trang là 803 ha. Về góc độ quy hoạch sử dụng đất, Tây Ninh vẫn còn bảo đảm được diện tích đất dành cho nghĩa trang.

Nói về nghĩa trang gần khu dân cư, có tính tự phát, ông Kiều Công Minh nhìn nhận, đây là do lịch sử để lại, tức đã qua nhiều thời kỳ, trong đó có yếu tố văn hoá, phong tục tập quán và cả tâm linh. Ðây là tồn tại ở nhiều địa phương trong cả nước, không riêng gì Tây Ninh.

Mặt khác, quá trình đô thị hoá đã và đang diễn ra, trước đây khi nghĩa trang hình thành, chưa có dân ở, nay do nhu cầu xây dựng nhà ở, nhiều khu dân cư hình thành gần nghĩa trang. Ðiều này dẫn đến người chết - người sống “sống chung” với nhau.

Cũng từ đó, vấn đề an toàn, vệ sinh môi trường, nguồn nước được đặt ra cần có hướng giải quyết. “Chính phủ đã ban hành Nghị định và các văn bản liên quan, quy định người dân không chôn cất người chết trong khu dân cư. Ðể khắc phục tình trạng nghĩa trang trong khu dân cư, chính quyền địa phương các cấp đang từng bước thực hiện Nghị định của Chính phủ với tinh thần hạn chế thấp nhất những phát sinh mới liên quan đến nơi chôn cất người chết”- ông Minh nói.

Theo ông Minh, để thực hiện quy định của Chính phủ, các cơ quan thuộc lĩnh vực tài nguyên môi trường có hai nhiệm vụ chính, đó là chuẩn bị cho việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để triển khai các dự án, đồng thời bảo đảm yếu tố môi trường đối với những dự án liên quan đất làm nghĩa trang.

Ðối với khu dân cư, nơi không thể làm các dự án nghĩa trang, công tác thông tin, tuyên truyền cần được thực hiện có hiệu quả hơn để tạo ra sự đồng thuận đối với người dân, theo hướng tăng tỷ lệ hoả táng, hạn chế dần hình thức chôn cất. Làm thế nào giảm chi phí hoả táng để người dân nghèo có thể hoả táng người thân của mình khi chết.

Ông Minh thông tin thêm, hiện có hai doanh nghiệp đang tìm hiểu để đầu tư dự án nghĩa trang tương tự như nghĩa trang Sơn Trang Tiên Cảnh ở Hoà Thành. Trước mắt, có một doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh đề xuất tỉnh cho chủ trương xây dựng công viên nghĩa trang.

Việt Ðông

Các nguyên tắc đối với hoạt động xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hoả táng:

1. Tất cả các nghĩa trang, cơ sở hoả táng phải được quy hoạch. Việc quy hoạch, đầu tư xây dựng nghĩa trang, cơ sở hoả táng tuân thủ pháp luật về quy hoạch, xây dựng, bảo vệ môi trường.

2. Khuyến khích đầu tư xây dựng nghĩa trang, cơ sở hoả táng phục vụ cho nhiều địa phương, sử dụng hình thức táng mới văn minh, hiện đại nhằm tiết kiệm tối đa đất, kinh phí xây dựng và bảo đảm yêu cầu môi trường và cảnh quan xung quanh.

3. Việc quản lý đất nghĩa trang, cơ sở hoả táng phải tuân thủ theo pháp luật về đất đai, tiết kiệm và hiệu quả; bảo đảm an toàn, an ninh và vệ sinh môi trường.

4. Việc táng được thực hiện trong các nghĩa trang, trường hợp táng trong các khuôn viên nhà thờ, nhà chùa, thánh thất tôn giáo phải bảo đảm vệ sinh môi trường và được sự chấp thuận của Uỷ ban nhân dân các cấp theo phân cấp của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

5. Việc táng phải phù hợp với tín ngưỡng, phong tục, tập quán tốt, truyền thống văn hoá và nếp sống văn minh hiện đại.

6. Vệ sinh trong mai táng, hoả táng và vệ sinh trong xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang, cơ sở hoả táng thực hiện theo quy định của Bộ Y tế.

7. Chủ đầu tư xây dựng nghĩa trang, cơ sở hoả táng có trách nhiệm quản lý, sử dụng nghĩa trang cơ sở hoả táng theo quy định của nghị định này và các quy định hiện hành khác có liên quan.

8. Các đối tượng bảo trợ xã hội khi chết được hỗ trợ chi phí mai táng theo quy định hiện hành.

9. Người sử dụng dịch vụ nghĩa trang, dịch vụ hoả táng phải tuân thủ các quy định về quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hoả táng theo quy định của nghị định này và các quy định hiện hành khác có liên quan.

10. Cơ quan quản lý nhà nước về nghĩa trang theo phân cấp của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát công tác quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hoả táng; kiến nghị hoặc xử lý các vi phạm về quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hoả táng trên địa bàn theo thẩm quyền.

(Ðiều 3, Nghị định 23/2016/NÐ-CP xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hoả táng).

Tin cùng chuyên mục