Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Với những bạn học sinh khi tốt nghiệp, chọn lựa nghề để theo đuổi là việc quan trọng. Chọn đúng nghề các em có khả năng để phát triển, không phí hoài thời gian và tiền của. Không quan trọng cấp bậc học mà quan trọng các em học được gì và vận dụng nó ra sao.
Học sinh tham gia tư vấn, hướng nghiệp tại Trường cao đẳng nghề Tây Ninh.
“Nếu học hành tốt để chúng ta có năng lực hành nghề thì chúng ta sẽ thành công, tránh sự mơ hồ ảo tưởng. Thời gian sắp tới sẽ dành cho những người giỏi nghề, thái độ làm việc tốt, người có tinh thần dấn thân, trải nghiệm và muốn hoàn thiện chính bản thân mình”- chuyên gia dự báo nhân lực Trần Anh Tuấn chia sẻ tại các buổi tư vấn hướng nghiệp do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức mới đây.
Thực tế đã chứng minh, nhiều học sinh chọn lựa được nghề và cấp học phù hợp đã mang lại thành công cho bản thân mình. Trong đó có trường hợp anh Chung Thái Dương, 28 tuổi, khu phố Hiệp Hoà, phường Hiệp Tân, thị xã Hoà Thành hiện tại là chủ của 2 cửa hàng kinh doanh phụ kiện điện thoại. Hai cửa hàng của anh giúp giải quyết việc làm cho 7 nhân công lao động theo ca.
Anh Dương với xuất phát điểm với bằng trung cấp kế toán học tại Trường cao đẳng nghề Tây Ninh. Nhưng với nỗ lực của bản thân, chịu khó học hỏi và làm việc, đến giờ anh đã có sự ổn định hơn rất nhiều bạn cùng trang lứa.
Theo anh Dương khi tốt nghiệp THPT, anh cũng muốn được vào học đại học theo ngành mình yêu thích. Rớt đại học nhưng anh Dương vẫn nuôi ý chí vào đại học, anh dự định xuống Thành phố Hồ Chí Minh vừa làm vừa ôn thi để năm sau thi lại. Nhưng với sự động viên, tư vấn của người thân, cùng hoàn cảnh gia đình lúc đó khá khó khăn nên anh quyết định sẽ vào học trường nghề tại tỉnh.
Anh Dương nói: “Lúc đó dựa trên năng lực bản thân mạnh về tính toán, từ nhỏ sống trong gia đình làm nghề buôn bán nên tôi chọn học kế toán vì phù hợp”. Trong suốt thời gian học, anh Dương luôn cố gắng để có học bổng, vậy là chi phí học nhẹ rất nhiều.
Sau hai năm học, anh tốt nghiệp và xin vào làm việc tại một cửa hàng điện thoại. Nhờ kiến thức từ nhà trường, thực tế, anh dần tích luỹ cho mình kinh nghiệm để tính toán, lập kế hoạch làm việc. Sau mấy năm tích luỹ, khi cơ hội đến anh liền mở cửa hàng kinh doanh.
“Ban đầu khi kinh doanh tôi cũng có những lo lắng, nhưng tôi có tinh thần không sợ làm việc”. Để tiết kiệm, mọi hoạt động anh Dương đều tự mình làm lấy, nhiều ngày phải làm suốt từ 7 giờ sáng đến 9 giờ đêm.
Với kiến thức chuyên môn khi bắt đầu kinh doanh, anh Dương cũng lập kế hoạch, dự trù kinh phí, thời gian duy trì cửa hàng. Và đến hôm nay, sau 5 năm, anh đã có thêm một cửa hàng đang kinh doanh ổn định.
Sau khi có công việc ổn, anh Dương dự định học liên thông lên những cấp học cao hơn. Anh Dương chia sẻ: “Bản thân tôi luôn muốn phát triển thêm về công việc, kiến thức.
Vì nếu mình không học nâng cao thì kiến thức chỉ dừng lại một giới hạn nhất định, khó phát triển nên phải học”. Hiện tại, anh Dương đang dành thời gian để nâng cao kiến thức, kỹ năng cho bản thân mình với những khoá học cần thiết qua hình thức trực tiếp và online như giao tiếp, thể thao và sắp tới là đại học.
Từ thực tế bản thân mình, anh Dương cho rằng, học nghề khá thực tế với nhiều bạn trẻ. “Với cấp học của mình, tôi thấy dễ chịu với mức lương được trả nếu nó đủ chi phí cho bản thân. Quan trọng là mình có môi trường để cọ xát thực tế. Kiến thức nhà trường quan trọng nhưng thực tế cũng quan trọng không kém. Tôi quan trọng mình học được gì nhiều hơn, đáp ứng được nhu cầu người tuyển dụng chứ không quan trọng việc bị đánh giá về bằng cấp”.
Những chọn lựa đầu đời dẫu có chút còn mông lung nhưng đến hiện tại anh Dương hoàn toàn hài lòng với chọn lựa và nỗ lực của mình. “Tôi thấy mình cũng có may mắn. Nếu khi đó tôi vẫn quyết tâm đi học đại học, đến giờ cũng không biết điều kiện phát triển của mình sẽ như thế nào”.
Những sự nghiêm túc, nỗ lực trong học tập dù ở cấp học nào cũng là xứng đáng. Trong suốt quá trình học của mình, anh Dương luôn nỗ lực để nhận học bổng, nó như là nguồn động viên cho anh khi học tập.
Sau này, khi kinh doanh ổn định, anh Dương cũng dành một khoản tiền gây quỹ làm công tác xã hội- trong đó có trao học bổng cho các em học sinh tại trường cũ. Tuy số lượng chưa nhiều nhưng với anh đó như là sự động viên cho tinh thần học tập của các em. Anh nói: “Ngày còn đi học, khi nhận học bổng tôi cũng thấy vui lắm nên muốn lan toả niềm vui đến các em, đó cũng là một sự động viên”.
Thời điểm hiện nay, nhiều bạn học sinh đang sắp bước vào sự chọn lựa nghề nghiệp, cấp học cho bản thân mình. Tại các trường THPT, THCS hiện nay cũng có nhiều hoạt động tư vấn hướng nghiệp, giúp các em có những định hướng phù hợp.
Năm nay, tốt nghiệp 12 và chuẩn bị vào đại học, em Hồ Tấn Lộc, học sinh Trường THPT Tân Châu cho biết mình sẽ chọn học marketing. Là một học sinh năng động, em đã có định hướng nghề cho bản thân từ những ngày vào trường cấp 3.
Lộc cho biết: “Em tìm hiểu qua sách, mạng xã hội những thông tin và có hứng thú với ngành kinh tế. Bên cạnh đó em cũng thích các hoạt động giao tiếp, văn phòng”. Lộc cho biết bản thân đang cố gắng học kiến thức và ôn ngoại ngữ với quyết tâm thi đỗ vào ngành yêu thích.
Em cho biết mình rất tự tin vào khả năng của mình để đạt kết quả theo nguyện vọng. Lộc và các bạn tích cực tham gia các buổi tư vấn hướng nghiệp trực tiếp hay qua online. Từ các buổi trực tiếp được chuyên gia tư vấn thì em và các bạn mới được định hướng và xác định được nghề mình muốn học. Cậu học sinh này vui vẻ cho biết nhiều bạn của em cũng đã chọn được nghề mình yêu thích để hướng tới trong kỳ thi sắp tới.
Dù năm nay chưa thi tốt nghiệp nhưng Nguyễn Thành Phát, học sinh Trường THPT Tây Ninh cũng đã có những định hướng cho mình về nghề sẽ chọn học và em đang phấn đấu để có thể theo đuổi nghề mình yêu thích. Phát sớm được theo dì tham gia các hoạt động xã hội nên giúp em có những ý nghĩ và yêu thích với nghề để quyết tâm chọn nghề liên quan theo học. Khi đó em sẽ được làm việc mà mình yêu thích. Gia đình cũng luôn ủng hộ và động viên em thực hiện mong muốn.
Chị Kim Liên (xã Tân Hưng, Tân Châu) cho biết mình có con đang học lớp 11, gia đình cũng lo lắng về việc chọn nghề cho cháu trong năm tới. Chị nói: “Tôi và những người trong gia đình luôn quan tâm về sở thích của cháu và có những động viên, phân tích để cháu có thêm những chọn lựa phù hợp. Tôi cũng mong con mình sẽ tìm và học được ngành yêu thích để phát triển bản thân”.
Có thể nói, với việc tư vấn hướng nghiệp cho học sinh thì vai trò của nhà trường và gia đình đều quan trọng. Nếu được quan tâm định hướng đúng, các em sẽ có những chọn lựa đúng, phù hợp để phát triển.
Vi Xuân