Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Dự án thiết lập các giải pháp bền vững xử lý sâu bệnh hại khoai mì khu vực Đông Nam Á:
Chọn tạo được 6 giống mì kháng bệnh khảm lá
Thứ năm: 08:38 ngày 05/10/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sáng 4.10, UBND tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết Dự án thiết lập các giải pháp bền vững xử lý sâu bệnh hại khoai mì (sắn) khu vực Đông Nam Á.

Ông Trần Văn Chiến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Dự hội nghị có ông Lê Văn Thiệt- Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật; ông Trịnh Xuân Hoạt- Phó Viện trưởng Viện Di truyền thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT); đại diện Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp quốc tế Úc (ACIAR), đơn vị tài trợ dự án; Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CIAT), chuyên gia nông nghiệp các nước Campuchia, Lào, Indonesia, Philippines, và một quốc gia châu Phi.

Về phía Tây Ninh có ông Trần Văn Chiến- Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Nguyễn Đình Xuân – Giám đốc Sở NN&PTNT và nông dân trồng mì trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến cho biết, dự án Thiết lập các giải pháp xử lý bệnh hại trên cây mì tại các nước khu vực Đông Nam Á do ACIAR tài trợ, thực hiện trong giai đoạn 2019 – 2023, có sự tham gia của Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc, Viện Di truyền nông nghiệp, Viện Bảo vệ thực vật và Sở NN&PTNT Tây Ninh. Dự án nghiên cứu, khảo nghiệm và đánh giá một số giống mì tiềm năng có khả năng kháng bệnh phù hợp với điều kiện tự nhiên của khu vực Đông Nam bộ. Kết quả bước đầu của dự án chọn tạo được 6 giống mì kháng bệnh khảm lá, gồm: HN1, HN3, HN5, HN36, HN80, HN97.

Ông Trần Văn Chiến hy vọng trong thời gian tới, Trung tâm ACIAR và CIAT sẽ tiếp tục hỗ trợ nghiên cứu và phát triển lĩnh vực nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh; đồng thời, phối hợp triển khai có hiệu quả trong lĩnh vực nghiên cứu, lai tạo, trồng khảo nghiệm và sản xuất các giống mì mới sạch bệnh cho năng suất, hàm lượng tinh bột cao, có khả năng thích ứng tốt với điều kiện canh tác tại Tây Ninh.

Ông Jonathan Newby - Giám đốc Chương trình sắn Quốc tế, Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CIAT) trao đổi với ông Bùi Công Ngọc-(gười được chuyển giao thí điểm nhân giống mì kháng khảm.

Ông Nguyễn Đình Xuân – Giám đốc Sở NN&PTNT Tây Ninh cho biết, diện tích trồng mì hàng năm của tỉnh khoảng 60.000 ha, tập trung tại các huyện Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành và Dương Minh Châu. Năng suất trung bình từ 33 - 35 tấn/ha (cao gấp 1,7 lần năng suất trung bình của cả nước), chiếm 10% diện tích và 20% tổng sản lượng, đóng góp 50% vào tổng thu nhập quốc gia.

Theo ông Xuân, bệnh khảm lá đã ảnh hưởng đáng kể đến năng suất tinh bột mì, từ 30%-70%. Do đó, việc triển khai dự án thiết lập các giải pháp bền vững xử lý sâu bệnh hại mì khu vực Đông Nam Á giúp tìm ra được nhiều giống mới, kháng được bệnh, năng suất cao hơn đáng kể so với các giống được trồng phổ biến trước đây.

Ông Jonathan Newby- Giám đốc Chương trình sắn quốc tế, Trung tâm CIAT cho biết, kết quả dự án cho thấy việc trồng trọt bằng nguồn giống sạch sẽ cho năng suất củ tươi và hàm lượng tinh bột cao hơn đáng kể đối với tất cả các giống được thử nghiệm. “Chúng tôi đang trong giai đoạn đàm phán cuối cùng để thành lập Trung tâm Nghiên cứu sắn ở tỉnh Tây Ninh, có sự tham gia của nhà nước, doanh nghiệp và các nhà đầu tư nghiên cứu”- ông Jonathan Newby nói thêm.

Nông dân tham gia khảo sát bất ngờ về bộ củ của cây mì HN1.

Tại hội nghị, UBND tỉnh ký kết biên bản thoả thuận hợp tác với Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CIAT) giai đoạn 2024 – 2028. Theo đó, hai bên thống nhất thành lập một ban điều hành bao gồm các thành viên của CIAT, UBND tỉnh Tây Ninh, đại diện của các doanh nghiệp nhằm hỗ trợ và điều phối các hoạt động nghiên cứu tại địa phương trong giai đoạn 2024-2028.

Minh Dương

Tin cùng chuyên mục