Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Thủ tướng đã yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương “dồn lực cho tam mã kéo cỗ xe tăng trưởng”. Tam mã đó bao gồm đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng.
Những con số thống kê đáng lo ngại
Có một con số thống kê gây ám ảnh kinh hoàng: cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch, bao gồm những người mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Trong số đó, gần 8 triệu người đã bị mất việc. Đây là số liệu của Bộ LĐ-TB-XHi tổng hợp lại căn cứ vào báo cáo của các địa phương.
Trong khi đó, số liệu thống kê về lao động của Tổng cục Thống kê dường như… y nguyên: Tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước 6 tháng đầu năm ước tính là 2,26% (quý I là 2,02%; quý II là 2,51%). Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quý II/2020 ước tính là 53,1 triệu người, giảm 2,2 triệu người so với quý trước và giảm 2,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước.
Đã đến lúc phải tháo bung rào tất cả những rào cản thì cỗ xe tam mã mới phóng đi thuận lợi
Dù GSO đánh giá tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi khu vực thành thị “cao nhất trong 10 năm trở lại đây” nhưng những con số trên của GSO là khác xa, bé tí ti so với số liệu của Bộ LĐ-TB-XH.
Hơn nữa, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, lao động, việc làm tiếp tục chịu nhiều ảnh hưởng, số lao động đang làm việc trong nền kinh tế giảm khoảng 2,4 triệu người; tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi khu vực thành thị cao nhất trong 10 năm trở lại đây, tỷ lệ thiếu việc làm tăng, thu nhập của người lao động giảm. Con số đó vẫn lạc quan và khác xa so với số liệu của Bộ LĐ-TB-XH.
Dù không muốn tin vào số liệu của Bộ LĐ-TB-XH vì nó quá đáng lo, nhưng rõ ràng họ căn cứ vào báo cáo của các địa phương với sự cập nhật tốt nhất.
Hơn nữa, Bộ này báo cáo, 5 tháng đầu năm nay, cả nước đã có trên 5 triệu lao động bị mất việc làm hoặc phải giãn việc, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Còn Tổng cục Thống kê thậm chí không có dòng nào về tình hình thất nghiệp trong báo cáo chính thức 5 tháng đầu năm. Có thể, cơ quan này không báo cáo về tỷ lệ thất nghiệp trong 5 tháng theo… thông lệ, nhưng nó cho thấy họ đã không theo kịp diễn biến khẩn cấp của cuộc sống và nền kinh tế đang chịu tác động rất nghiêm trọng của dịch Covid-19.
Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 1,81%, không âm nhưng thấp nhất kể từ Đổi mới, bằng ½ của GDP năm 1986. Tốc độ đó cho thấy kinh tế đang hụt hơi, mất động lực. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung nhận xét, thật ra mức độ suy giảm của kinh tế Việt Nam không thấp hơn các nước khác. Đường tăng trưởng cơ bản (base line) của Việt Nam là khoảng 7%, của một số quốc gia khác là 2%, 3%, 4 %; nay ta vẫn tăng trưởng dương và các nước khác tăng trưởng âm theo tỷ lệ tương ứng. Nói vậy để không nên lạc quan và chủ quan.
Ông Cung nói: Cho đến nay chỉ thấy Thủ tướng và một số thành viên Chính phủ nhận biết phần nào mức độ nghiêm trọng của suy thoái; còn đa số lãnh đạo các cấp còn lại vẫn coi là bình thường; nên vẫn tiếp cận và sử dụng cách thức ra quyết định và giải quyết vấn đề trong “trạng thái bình thường cũ” chứ không phải “bình thường mới”. Họ vẫn đủng đỉnh, quan liêu như trạng thái cũ.
Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề và nghiêm trọng nhất, ước quý II giảm 1,74% và tính chung 6 tháng chỉ tăng 0,57% so với cùng kỳ năm 2019. Nhiều công ty du lịch, khách sạn, nhà hàng đóng cửa về cơ bản.
Khu vực công nghiệp và xây dựng ước tăng khoảng 2,98%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ, trong đó, ngành chủ lực là công nghiệp chế biến, chế tạo ước chỉ tăng 4,96%; tỷ lệ tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo hiện ở mức cao, tăng 26,7% so với cùng thời điểm năm 2019.
Tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế tính đến ngày 23/6 chỉ tăng 2,71% so với cùng kỳ, mức thấp nhất trong vòng nhiều năm nay.
Sức mua của thị trường trong nước, một trong 3 “cỗ xe tam mã cho tăng trưởng” giảm 0,8% so với cùng kỳ, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 5,3% tính chung 6 tháng đầu năm nay…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Nhiệm vụ phục hồi phát triển kinh tế cấp bách hơn bao giờ hết”. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói thêm: “Chống suy thoái kinh tế như chống giặc”. Nhiều lãnh đạo khác cũng lên tiếng đồng điệu.
Nhưng vấn đề là phải hành động.
Tháo bung các rào cản cho cỗ xe tam mã
Có lẽ phải tháo bung nhiều điều từng ngự trị trong trạng thái bình thường cũ để để người dân và doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển trong trạng thái bình thường mới.
Vì sao có 2 triệu tỷ đầu tư công cho 5 năm mà trong hơn 4 năm vừa rồi chỉ tiêu được có 2/3 trong số đó được giải ngân và đến nay, khi chỉ còn vài tháng nữa, vẫn còn đến 1/3 không tiêu được? Thủ tướng đã yêu cầu đặc biệt lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương phải tăng tốc giải ngân đầu tư công.
Vì sao VCCI lại khẳng định, nhiều bộ ngành báo cáo Chính phủ là 60% điều kiện kinh doanh đã giảm nhưng thực tế chỉ được 30%? Vì sao Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc phải thốt lên: "Giảm 60% điều kiện kinh doanh chỉ là báo cáo trên giấy”?
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận, cho đến nay, Bộ Công thương là bộ “duy nhất” tiếp tục có phương án rà soát cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý. Vì sao cắt giảm điều kiện kinh doanh là chương trình lớn của Chính phủ mà các bộ khác không thực hiện nghiêm túc? Tình trạng chồng chéo trong quản lý nhà nước về điều kiện kinh doanh, gây bức xúc lớn cho doanh nghiệp mà mãi không được giải quyết.
Đầu năm nay, lần thứ 7 liên tiếp, Chính phủ ban hành Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Vậy mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận, báo cáo của một số bộ, ngành và của nhiều địa phương có hàm lượng thông tin ít thay đổi, có sự giống nhau về nội dung và ít khác biệt qua các quý, các năm.
Luật Xây dựng sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua ngày 17/6 đã rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng xuống còn 20 ngày, thực hiện đồng thời thủ tục thẩm định thiết kế xây dựng với các thủ tục về phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường. Vậy các bộ, ngành và địa phương liên quan đã chuẩn bị gì để đáp ứng quy định của Luật trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp phản ánh họ mất cả 3-5 năm trời lo thủ tục mà không thể triển khai các dự án bất động sản? Vì sao mà thủ tục hành chính, nạn giấy tờ, quan liêu vẫn đang ngự trị trong lĩnh vực bất động sản, cản trở doanh nghiệp triển khai các dự án? Vì sao mà nhiều địa phương đã xác định các dự án trọng điểm và nhiều điểm cho các dự án đó mà họ không tập trung tháo gỡ? Họ mặc kệ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu chững lại, ít chuyển biến, ít cải thiện. Những vướng mắc, bất cập về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đã được cộng đồng doanh nghiệp phản ánh nhiều lần, nhiều nơi, song vẫn chậm được giải quyết.
Thủ tướng đã yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương “dồn lực cho tam mã kéo cỗ xe tăng trưởng”. Tam mã đó bao gồm đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng, và tất cả đều đang bị cản trở bởi những rào cản như đã nêu trên.
Đã đến lúc phải tháo bung rào tất cả những rào cản đó, ai dựng thêm rào cản phải bị chế tài, con đường phát triển phải thông thoáng thay vì ‘trên rải thảm dưới rải đinh’ thì cỗ xe tam mã mới phóng đi thuận lợi. Đó mới là cách cứu nhiều người nhất trong đại dịch.
Nguồn vietnamnet