Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Tin giả cũng có thể được xem như một loại virus độc hại, do đó, cần có cách thức để tạo ra “kháng thể” chống lại loài virus nhân tạo này.
Tin giả, tin đúng một nửa, tin bóp méo, tin xuyên tạc, tin mạo danh, tin cắt cúp không đầu không cuối... được định danh là “tin không đáng tin”. Từ khi có mạng internet, có lẽ chưa bao giờ loại tin như vừa kể lại “sinh sôi nảy nở” như thời điểm này. Tin giả cũng có thể được xem như một loại virus độc hại, do đó, cần có cách thức để tạo ra “kháng thể” chống lại loài virus nhân tạo này.
Mạo danh
“Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nói: bắt đầu từ hôm nay, chúng ta sẽ xem tất cả bạn bè, người thân, người ta phải tiếp xúc như là người nhiễm dịch. Có như thế chúng ta mới quyết liệt chống dịch được.
Chúng ta đừng sợ mất lòng nhau! Không ngồi gần, không ôm ấp, không bắt tay... ngay cả với những người yêu thương nhất. Ở yên trong nhà nếu không bắt buộc phải ra ngoài.
Chúng ta sẽ không chết trong 15 ngày nhưng sẽ khiến cả nước đánh mất cơ hội thoát dịch nếu không đồng lòng ngồi yên… 30.8.2021 có thể là ngày đáng nhớ của lịch sử nước ta.
Chúng ta sẽ ra đường, sẽ ôm nhau, tay bắt mặt mừng chừng nào không còn ca nhiễm mới sau 14 ngày nhé. Vài tuần cố gắng ở yên khi có thể để đất nước bình yên nhé! Mong được chia sẻ rộng rãi đến cộng đồng”.
Đoạn văn bỏ trong ngoặc kép trên là của một người chơi facebook. Chỉ vài ngày sau khi đưa lên trang cá nhân, người này đã bị cơ quan chức năng xử phạt vì đưa thông tin sai sự thật.
Cụ thể ở đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam không nói những câu như chủ tài khoản đăng lên mạng. Nói khác đi, người này mạo danh phát biểu của Phó Thủ tướng, làm ảnh hưởng uy tín của lãnh đạo Chính phủ.
Tinh thần, nội dung của đoạn văn nêu trên, xét cho cùng, cơ bản không sai nhưng cái sai ở đây là, “mình nói nhưng không dám nhận, lại đổ thừa cho người khác”.
Từ khi được giao trọng trách người đứng đầu về công tác phòng, chống dịch Covid-19, không ít lần Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bị nhiều người mạo danh phát ngôn như thế. Đây thật ra không phải một hiện tượng hiếm hoi, vì trước đó, đã có nhiều người, chỉ dựa vào một câu nói hoặc chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, từ đó thêm thắt, bịa đặt, xuyên tạc thông tin.
Tại sao những người này lại nhân danh Phó Thủ tướng? Bởi vì, chỉ như vậy mới thu hút được sự quan tâm của “cộng đồng mạng”, mới câu được nhiều “like”.
Họ nghĩ đơn giản rằng, Phó Thủ tướng cũng như nghệ sĩ, là “người của công chúng” nên muốn “chế sao thì chế”. Họ không biết hoặc cố ý không biết, khi lãnh đạo Chính phủ phát biểu chỉ đạo về tình hình dịch bệnh, tất cả đã được cân nhắc kỹ lưỡng.
Mặt khác, mỗi lời nói, phát biểu ý kiến hay chỉ đạo thì cần đặt nó vào một ngữ cảnh cụ thể, thời gian, không gian cụ thể, nếu không, rất dễ hiểu sai vấn đề.
Trong thực tế, việc mạo danh các ngôi sao giải trí, thể thao hoặc những người có ảnh hưởng, chính khách... không phải chuyện hiếm. Nhưng, việc mạo danh, “nhận bừa” lời nói của lãnh đạo về công tác chống dịch là cực kỳ nguy hiểm.
Cao hơn, hành vi mạo danh còn làm mất uy tín của lãnh đạo Chính phủ cũng như những người có liên quan. Trong thực tế, đã có một số người bị cơ quan chức năng xử lý vì lợi dụng uy tín của lãnh đạo cấp cao nhằm phát ngôn bừa bãi, xuyên tạc thông tin, bóp méo chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Cảnh giác với “tin không đáng tin”
Tin giả, tin bóp méo, tin nửa đúng nửa sai... nói chung là “tin không đáng tin” lại “sinh sôi nảy nở” như trong thời điểm này. Cần nhắc lại, mới đây, một người ở Hà Nội thông tin “một F0 ở Hà Nội liên quan đến 800 trường hợp tại 19 quận, huyện”.
Ngay sau đó, chính quyền địa phương bác bỏ, bởi đây hoàn toàn là thông tin sai sự thật. Một văn bản (phát đi trước đó) chỉ đề nghị rà soát những người làm việc tại công ty có ca F0 chứ không hề có chuyện 800 trường hợp là F1 như người này thông tin trên mạng.
Một tài khoản khác cũng bị cơ quan chức năng ở TP. Hồ Chí Minh xử phạt vì xúc phạm, miệt thị người dân ở thành phố này. Sau khi đăng tải bài viết, nhận ra sự sai trái, chủ tài khoản này đã phải công khai xin lỗi.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh ở TP. Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác đang cực kỳ căng thẳng. Lợi dụng điều này, một số người tung ra thông tin nguyên nhân dịch bệnh rồi “kết luận” dịch bệnh ở TP. Hồ Chí Minh là do tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh... gây ra! Chưa dừng lại ở đó, trong chương trình thời sự lúc 19 giờ, cách nay vài ngày, VTV1 cho biết, đang xuất hiện nhiều thông tin giả, trong đó, người tung thông tin “chém gió” rằng họ có thuốc chống lại virus Corona.
Đây chính là chiêu thức “đục nước béo cò”, vì hiện tại chưa có loại thuốc nào (trong nước) được xác định chữa khỏi căn bệnh này. Hành vi tung tin giả, tin xuyên tạc, tin “tù mù” không chỉ do những người trẻ tuổi thực hiện mà còn có nhiều người lớn tuổi, thậm chí có trình độ, vị trí trong xã hội cũng làm điều này.
Công an TP. Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh), cách nay chưa lâu, khởi tố một người đàn ông 61 tuổi vì tội tung tin giả về một người tự thiêu để bày tỏ sự bất mãn về công tác chống dịch bệnh. Không ai nghĩ rằng, người đàn ông đã qua cái tuổi “tri thiên mệnh” lại làm cái điều dại dột ấy.
“Sự xuất hiện, lan truyền các tin giả đã và đang tác động không nhỏ đến tâm lý, đời sống cộng đồng. Nhất là trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay, sự hoảng hốt, lo sợ thái quá dễ gây phản ứng dây chuyền, không đáng có, nguy cơ mất kiểm soát và có thể dẫn đến những hậu quả rất khó lường.
Thực tế thời gian qua, vì những thông tin thiếu chính xác như vậy, không ít tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đã phải gánh chịu hậu quả nặng nề. Do đó, trong lúc này, người dân cần hết sức bình tĩnh, hợp tác với chính quyền và cơ quan chức năng, khai báo y tế, thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch bệnh, hạn chế tụ tập đông người.
Người dân cũng cần tỉnh táo, thận trọng khi tiếp nhận các thông tin trên mạng xã hội; tránh tin, nghe theo những thông tin không có căn cứ, chưa được kiểm chứng; đồng thời tuyệt đối không chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng” - trích bài viết của Tạp chí Xây dựng Đảng.
Có thể thấy, tin giả, hậu quả do người tung tin giả gây ra có ở khắp nơi trên thế giới, không quốc gia nào không đối mặt với tình trạng này. Tin giả, “tin không đáng tin” được ví như một loại virus.
Để chống lại, hoặc hạn chế sự xâm nhập của “virus tin giả”, mỗi người cũng cần được trang bị “5K”, bao gồm: Không tin ngay, không vội nhấn nút thích, không thêm thắt, không kích động và không vội chia sẻ.
Các hành vi bị cấm khi sử dụng mạng internet:
Lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích: a) Chống lại nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền chiến tranh, khủng bố; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo.
b) Tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi truỵ, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội và sức khoẻ của cộng đồng;
c) Tiết lộ bí mật Nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác do pháp luật quy định.
d) Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.
đ) Giả mạo tổ chức, cá nhân; lan truyền, phát tán tin giả, thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan Nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
e) Thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em.
g) Thông tin xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của cá nhân, tổ chức khác.
h) Quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hoá, dịch vụ bị cấm; truyền bá tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm bị cấm
(Theo Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ)
Việt Đông