Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Trong bài báo vừa nêu, người dân khu phố An Thới, phường An Hòa kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, có giải pháp nhanh nhất để giúp người dân khu vực này có nước sạch sinh hoạt sử dụng.
Khu đất triển khai dự án nhà máy cung cấp nước sạch – Trảng Bàng
Ngày 20.6, trao đổi với Báo Tây Ninh, lãnh đạo Công ty cổ phần cấp thoát nước Tây Ninh cho biết, với trách nhiệm là chủ đầu tư dự án Nhà máy nước Trảng Bàng, Công ty rất sốt ruột chờ nhà máy khởi công xây dựng.
Nếu mọi thủ tục thuận lợi, kể từ khi khởi công cho đến thời điểm cung cấp nước cho người dân sử dụng là khoảng 1 năm. Tuy nhiên, chỉ vì vướng mắc trong khâu đền bù giải phóng mặt bằng mà dự án nằm chờ, chủ đầu tư sốt ruột, người dân bức xúc.
Theo lãnh đạo Công ty cổ phần cấp thoát nước Tây Ninh, dự án nhà máy cung cấp nước sạch Trảng Bàng được UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư lần đầu ngày 22.12.2016 và điều chỉnh lần thứ nhất vào ngày 22.11.2023.
Theo đó, quy mô dự án có công suất giai đoạn 1 là 29.000m3 /ngày. đêm; giai đoạn 2 nâng công suất lên 100.000m3 /ngày. đêm. Riêng diện tích mặt đất sử dụng là 94.633,6m2, trong đó giai đoạn 1 là 85.222,8m2, tiếp tục thực hiện thủ tục đất đai đối với diện tích tiếp theo 9.410,8m2. Theo nội dung điều chỉnh chủ trương đầu tư, giai đoạn 1 của dự án nhà máy cung cấp nước sạch Trảng Bàng đi vào vận hành hoạt động vào quý II.2025 và giai đoạn 2 vào năm 2030.
Thời gian qua, Công ty nỗ lực phối hợp với các sở, ngành, UBND thị xã Trảng Bàng trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng cho người dân bị ảnh hưởng do dự án triển khai. Tính đến thời điểm này, tỷ lệ giải phóng mặt bằng khu đất triển khai dự án đạt hơn 90% diện tích, chỉ còn lại 2 chủ thửa đất nằm dọc bờ kênh là chưa đồng ý thỏa thuận, yêu cầu giá bồi thường quá cao nên dự án đành nằm chờ.
Lãnh đạo Công ty khẳng định, nếu cơ quan có thẩm quyền cho phép vừa thi công dự án, vừa tiếp tục thực hiện công tác thỏa thuận bồi thường 2 thửa đất còn lại cũng không ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án giai đoạn 1. Thế nhưng, hiện nay cơ quan có thẩm quyền yêu cầu phải đúng quy định của Luật đất đai 2013 và các văn bản liên quan.
Trước đó, ngày 12.6, UBND thị xã Trảng Bàng có báo cáo số 687/BC-UBND báo cáo về kết quả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án nhà máy cung cấp nước sạch Trảng Bàng. Theo đó, kết quả chi trả đạt 12/14 hộ, tổng diện tích đất đã chi trả 85.932m2/94.633,6m2.
“Vướng mắc” khiến dự án chưa thể triển khai do chỉ còn chưa bồi thường 2 thửa đất chưa giáp kênh chưa bồi thường xong nhưng chủ đầu tư khẳng định nếu được có thể thi công dự án song song với công tác bồi thường
2 hộ dân trên chưa nhận tiền vì cho rằng giá bồi thường về đất thấp, trong khi giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường thời điểm này cao, họ không đủ tiền để mua phần đất mới nên các hộ yêu cầu bồi thường phải tương đương với giá thị trường. UBND thị xã Trảng Bàng đã chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất phối hợp với UBND phường Gia Lộc và các ban ngành, đoàn thể địa phương vận động rất nhiều lần nhưng 2 hộ dân trên vẫn không đồng ý.
UBND thị xã sẽ chỉ đạo Trung tâm phát triển quỹ đất phối hợp UBND phường Gia Lộc, các ngành, đoàn thể địa phương tiếp tục vận động. Trường hợp 2 hộ dân này vẫn không đồng ý, UBND thị xã Trảng Bàng sẽ trực tiếp đối thoại và vận động lần cuối. Nếu cả 2 hộ tiếp tục không đồng ý, UBND thị xã Trảng Bàng sẽ thực hiện các quy trình thủ tục theo quy định để thi hành quyết định thu hồi đất giao cho chủ đầu tư.
Việc xây dựng nhà máy cung cấp nước sạch Trảng Bàng là một trong những tiêu chí để nâng loại đô thị thị xã Trảng Bàng lên loại III, cũng như lên thành phố sắp tới. Do đó, rất cần sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh đối với các sở, ngành, UBND thị xã Trảng Bàng để tháo gỡ “điểm nghẽn” này, tạo điều kiện cho dự án sớm triển khai, cung cấp nước sạch cho người dân, trong đó có người dân khu phố An Thới, phường An Hoà.
Tấn Hưng