Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng
Thứ bảy: 18:17 ngày 16/03/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Tính đến giữa tháng 3, ở tỉnh ta đã xảy ra 4 vụ cháy rừng trồng, tăng 2 vụ so với cùng kỳ năm trước; 10 vụ xâm hại rừng, tăng 4 vụ so với cùng kỳ.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành kiểm tra công tác PCCCR ở trảng Tà Nốt.

Hiện thời tiết trên địa bàn tỉnh vào cao điểm mùa khô, nắng nóng, khô hạn kéo dài, dự báo cháy rừng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đang ở cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm). Tính đến giữa tháng 3, ở tỉnh ta đã xảy ra 4 vụ cháy rừng trồng, tăng 2 vụ so với cùng kỳ năm trước; 10 vụ xâm hại rừng, tăng 4 vụ so với cùng kỳ.

“4 tại chỗ” phải cụ thể, hiệu quả

Trước tình hình nêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc và lãnh đạo các sở, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021-2025, lãnh đạo huyện Tân Biên đã đi kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) ở Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát. Sau khi kiểm tra thực tế một số khu vực có nguy cơ cháy rừng, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc nhận xét, công tác PCCCR được thực hiện rất tốt. Tuy nhiên, nguy cơ cháy rừng vẫn ở mức cao vì thời tiết đang vào cao điểm nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao.

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các đơn vị chủ rừng, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức trong PCCCR và chống phá rừng (CPR); phối hợp với chính quyền các tỉnh giáp biên tuyên truyền cho người dân biết nguy cơ cháy rừng ở khu vực biên giới hiện nay rất cao; không để người dân có hành vi đốt rác bừa bãi hay vào rừng đốt lửa bắt ong; tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng, khi phát hiện cháy rừng, phải kịp thời thông báo cho cơ quan chức năng xử lý.

Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Chính quyền địa phương phải nắm rõ có bao nhiêu hộ dân ở đây có thể tham gia chữa cháy; phải thống kê xem địa phương có bao nhiêu chiếc xe có thể chở nước chữa cháy chứ không phải chỉ trông chờ vào lực lượng chức năng. Phương pháp “4 tại chỗ” phải hết sức cụ thể về lực lượng, về trang thiết bị và các yếu tố liên quan”.

Qua kiểm tra thực tế cho thấy hiện nay, có nhiều khu rừng không có sóng điện thoại, không liên lạc được khi cần thiết. Về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc chỉ đạo Bộ đội Biên phòng chủ trì, kết hợp lực lượng Kiểm lâm và Viettel Tây Ninh rà soát lại tuyến biên giới, nhất là ở những khu vực có rừng, xem nơi nào chưa có hệ thống viễn thông báo cáo UBND tỉnh để có kế hoạch đầu tư vốn để đến năm 2025, toàn bộ tuyến biên giới này không còn khoảng trống chưa được phủ sóng. 

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc kiểm tra phương tiện PCCCR.

Tăng cường công tác bảo vệ rừng

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), từ đầu mùa khô đến nay, Sở đã phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan tổ chức 15 lượt kiểm tra công tác PCCCR và CPR. 

Kết quả kiểm tra thực tế cho thấy hiện nay trên địa bàn tỉnh, nhiều khu vực có nguy cơ cháy rừng cao. Cụ thể, ở Vườn quốc gia Lò Gò- Xa Mát (huyện Tân Biên) có các khu vực Trảng Dầu (Tiểu khu 1),  trảng Tà Nốt (tiểu khu 17) và 10 tiểu khu khác dọc biên giới Campuchia với tổng diện tích hơn 13.000 ha.

Ở Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng (huyện Tân Châu) có các tiểu khu thuộc xã Suối Ngô với diện tích gần 5.000 ha; các tiểu khu thuộc ấp Con Trăn, ấp Cây Khế (xã Tân Hoà) có diện tích hơn 8.000 ha; các tiểu khu ở xã Tân Thành diện tích gần 3.000 ha.

 Khu rừng Văn hoá - Lịch sử Núi Bà (Khu Du lịch Quốc gia Núi Bà Đen), nguy cơ cháy rừng đáng lo ngại ở Tiểu khu 66, diện tích gần 2.000 ha; các khu vực khai thác đá cũ, trường bắn Núi Bà, Hàm Rồng với tổng diện tích 741 ha cũng có nguy cơ “bà hoả” viếng thăm.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc lên đài quan sát trảng Tà Nốt kiểm tra rừng.

Trên địa bàn huyện Châu Thành, các khu rừng ở xã Phước Vinh với diện tích 215 ha; ở xã Hoà Hội, khu vực rừng trồng giáp rừng tự nhiên diện tích 164 ha; xã Hoà Thạnh, có diện tích rừng 93 ha; xã Ninh Điền, diện tích rừng hơn 154 ha đều nằm trong diện đáng quan tâm. Tương tự, ở huyện Bến Cầu, các khu vực rừng trồng, rừng tự nhiên với diện tích 770 ha đều có nguy cơ xảy ra hoả hoạn.

Song song với nguy cơ cháy rừng, trên địa bàn tỉnh, tình trạng vi phạm về khai thác rừng, phá rừng làm rẫy, săn bắt động vật rừng còn xảy ra. Lợi dụng mùa khô, lực lượng bảo vệ rừng tập trung công tác PCCCR, người dân lén lút vào rừng hoạt động. Khu vực thường xảy ra vi phạm tập trung ở địa bàn giáp biên giới, chủ yếu trên địa bàn Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát và Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 10 vụ vi phạm quy định về Luật Lâm nghiệp, tăng 4 vụ so cùng kỳ. Các vụ vi phạm đã được điều tra, xác minh, xử lý.

Sở NN&PTNT đã trình UBND tỉnh ban hành các văn bản triển khai công tác PCCCR và CPR để chỉ đạo các sở, ngành, địa phương và các đơn vị chủ rừng thực hiện công tác PCCCR mùa khô năm 2023- 2024. Ban Chỉ đạo Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021-2025 cũng ban hành các văn bản chỉ đạo quyết liệt về công tác PCCCR trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, các đơn vị chủ rừng đã xây dựng phương án PCCCR, như rà soát, sửa chữa, mua sắm mới các phương tiện, trang thiết bị PCCCR, bố  trí tại các trạm, chốt, đội bảo vệ rừng; thường xuyên kiểm tra, vận hành, luôn trong tình trạng sẵn sàng, chủ động ứng phó khi có cháy rừng xảy ra; chủ động xử lý thực bì tại các khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy; xây dựng đường băng cản lửa.

Mặt khác, tổ chức lực lượng trực 24/24 giờ, xây dựng quy chế, kế hoạch phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị trú đóng trên địa bàn trong công tác PCCCR, kịp thời ứng phó khi có cháy rừng xảy ra. 

Cỏ khô ven đường tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng.

Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế tại các đơn vị chủ rừng vẫn còn tồn tại, hạn chế. Một số đơn vị chủ rừng xây dựng phương án chưa sát thực tế, thiếu nội dung liên quan đến phòng cháy rừng; công tác xử lý thực bì rừng trồng, xây dựng băng cản lửa tiến độ còn chậm; một số đơn vị chủ rừng chưa tổ chức thực tập phương án PCCCR.

Đối với các chủ rừng là UBND huyện và UBND xã chưa thật sự quan tâm việc đầu tư kinh phí mua sắm phương tiện, dụng cụ PCCCR. Sở NN&PTNT đã nhắc nhở, chấn chỉnh những thiếu sót, hạn chế của các đơn vị chủ rừng; đồng thời, có giải pháp hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCCR tại cơ sở.

Phương châm “4 tại chỗ” trong phòng, chống thiên tai (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ) được xây dựng nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong việc tổ chức phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, tiến tới giảm thiệt hại về người, cơ sở vật chất và tài sản của Nhân dân, Nhà nước do thiên tai gây ra, trên cơ sở dựa vào nguồn lực tại chỗ, trong đó có chính quyền địa phương để giải quyết những vấn đề xảy ra ở cộng đồng, địa phương mình…

Đại Dương

Tin cùng chuyên mục