Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Đây là một trong những nội dung kết luận của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phạm Hùng Thái- Trưởng đoàn giám sát trong chương trình giám sát UBND tỉnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao giai đoạn 2021-2024 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh diễn ra chiều ngày 24.2.

Làm việc với đoàn giám sát của đoàn ĐBQH tỉnh có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Thanh, cùng lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, giai đoạn 2021-2024, UBND tỉnh ban hành các văn bản, quy định về cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý và làm cơ sở chỉ đạo triển khai thực hiện tốt mục tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Tây Ninh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, phát huy hiệu quả nguồn nhân lực, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Tỉnh triển khai toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC). Đồng thời, tỉnh đặc biệt chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực ở nhiều cấp độ và hình thức, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Các hoạt động được triển khai theo đề án phát triển nguồn nhân lực khu vực công chất lượng cao tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.
Đến năm 2024, toàn tỉnh có trên 19.600 cán bộ, công chức, viên chức khối cơ quan hành chính. Trong giai đoạn 2021-2024, số lượng CBCCVC có giảm nhưng ít; chất lượng tăng cao so với năm 2021 (trong đó, sau đại học tăng 576 người, đại học tăng trên 2.300 người), bảo đảm tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo quy định của Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương.
Từ năm 2021-2024, sở Nội vụ đã tham mưu UBND tỉnh mở 198 lớp với trên 20.300 lượt người tham gia (bình quân 50 khoá/năm cho trên 5.000 lượt CBCCVC/năm). Nội dung đào tạo gồm lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước, bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, tin học, ngoại ngữ… với đa dạng hình thức đào tạo (tập trung, bán tập trung, trực tuyến…).
UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trên địa bàn tỉnh.
Công tác phân luồng học sinh sau THCS, đào tạo nghề được quan tâm, góp phần đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh.
Tại buổi giám sát, các thành viên đoàn giám sát nêu một số vấn đề khó khăn trong công tác tuyển sinh, về cơ sở vật chất, trang thiết bị, công nghệ đào tạo, nhân lực tại cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh; việc khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, thiếu bác sĩ, nhân viên y tế trên địa bàn tỉnh.
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý đề nghị UBND tỉnh nghiêm túc đánh giá nguyên nhân chậm chi trả chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm theo Nghị định 116 của Chính phủ. Nghị định này được ban hành từ năm 2020, thực hiện từ năm 2021 nhưng đến năm 2024 mới triển khai chi trả chế độ cho sinh viên.
Đối với yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh, đại biểu đề nghị cần đánh giá tổng thể về nguồn nhân lực một cách bài bản, khoa học. Để liên kết đào tạo nghề giữa nhà trường với các doanh nghiệp hiệu quả, đại biểu cho rằng cần có một chủ trương tổng thể từ UBND tỉnh.
Bên cạnh chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đại biểu cho rằng cần phải tạo ra môi trường, cơ hội phát triển nghề nghiệp để người lao động gắn bó lâu dài.
Những nội dung này được lãnh đạo UBND tỉnh và các Sở Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Khoa học và Công nghệ trả lời làm rõ tại buổi giám sát.
Kết luận giám sát, ông Phạm Hùng Thái- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng đoàn giám sát đánh giá UBND tỉnh và các ngành đã cụ thể hoá kịp thời các chủ trương, chính sách của Trung ương bằng các đề án, chính sách, cơ chế tuyển dụng góp phần cải thiện, phát triển nguồn nhân lực nói chung và nhân lực chất lượng cao trên địa bàn tỉnh.
Qua mốc thời gian giám sát 2021-2024 cho thấy, chất lượng nguồn nhân lực khu vực công của tỉnh đã nâng lên đáng kể so với giai đoạn trước đó. Công tác phân luồng học sinh sau THCS, định hướng đào tạo nghề cung ứng lao động cho thị trường lao động đã đạt những kết quả bước đầu nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Công tác xã hội hoá trong đào tạo nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực chất lượng cao nói riêng đạt kết quả còn hạn chế. Cơ cấu ngành nghề đào tạo hiện nay nhìn chung vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong giai đoạn mới; tình trạng thiếu nhân lực y tế, giáo dục đang dần khắc phục. Nhân lực từ khu vực công sang khu vực tư đang có xu hướng tăng (nhất là lĩnh vực Y tế), điều này cho thấy vấn đề môi trường, điều kiện làm việc cần được quan tâm thêm.
Về chất lượng lao động qua đào tạo, Trưởng đoàn giám sát cho rằng, chỉ tiêu tương đối khá nhưng đào tạo có văn bằng chứng chỉ còn thấp so với cả nước và cần có giải pháp để cải thiện, nâng cao năng suất lao động trong thời gian tới.
Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phạm Hùng Thái đề nghị, UBND tỉnh và các ngành tiếp tục bám sát các đề án, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện để đề án đi vào thực tiễn cuộc sống, bảo đảm mục tiêu, yêu cầu đề ra.
Trong thời gian tới, UBND tỉnh cần ưu tiên quan tâm đào tạo nghề của tỉnh đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực có tay nghề để cung ứng thị trường lao động phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là định hướng phát triển công nghiệp.
Tiếp tục thực hiện các giải pháp, biện pháp khắc phục căn cơ tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực giáo dục, y tế; có định hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu đột phá về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số khi chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước, của địa phương.
Trưởng đoàn giám sát đề nghị UBND tỉnh rà soát, bổ sung thêm các nội dung đại biểu đặt ra theo đề cương báo cáo giám sát; bổ sung nội dung kiến nghị, đề xuất những vướng mắc, bất cập trong các nghị định của Chính phủ và các thủ tục pháp lý liên quan.
Phương Thuý