Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Để bảo đảm an toàn vận hành hồ chứa, Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà phối hợp Đài Khí tượng thuỷ văn khu vực Nam bộ theo dõi sát tình hình biến động thời tiết, chủ động xả tràn, hạ thấp mực nước hồ theo quy định vận hành.
Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà chủ động xả tràn, hạ thấp mực nước hồ theo quy định vận hành (ảnh chụp ngày 5.5.2022)
Công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà có lưu vực hồ rộng 2.700km2 và là hệ thống thuỷ nông có quy mô lớn nhất cả nước. Nhiệm vụ chính của công trình là cung cấp nguồn nước cho các hoạt động nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt, chống xâm nhập mặn cho hạ du sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông thuộc các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh và Long An.
Nhiều phương án ứng phó thiên tai
Hằng năm, hồ Dầu Tiếng được bổ sung nước từ sông Bé bằng công trình thuỷ lợi Phước Hoà với lưu lượng bổ sung là 50m3/giây. Công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà thường xuyên cấp 73,8m3/giây nước sinh hoạt và xả nước tưới trực tiếp cho 86.049 ha, tạo nguồn tưới cho gần 25.000 ha cây trồng. Qua đó góp phần cắt lũ, điều tiết lũ và làm giảm thiệt hại các cơn lũ trong mùa mưa đối với vùng hạ du.
Theo ông Trần Quang Hùng- Giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà, để ứng phó với những tình huống có thể xảy ra trong mùa mưa lũ năm 2022, cơ quan thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà đã xây dựng các phương án ứng phó, chuẩn bị các nguồn lực (nhân lực, vật tư) tập trung vào công tác bảo trì sửa chữa các hạng mục có nguy cơ mất an toàn, nắm bắt quy trình vận hành thuỷ lợi liên hồ, đơn hồ và thông tin khí tượng thuỷ văn để xây dựng phương án điều tiết bảo đảm mục tiêu vận hành an toàn công trình, tích đủ nước tưới phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân trong mùa khô năm 2022-2023.
Bên cạnh đó, công ty phối hợp chặt chẽ với các địa phương và Đài Khí tượng thuỷ văn khu vực Nam bộ thường xuyên cập nhật, xử lý thông tin về tình hình khí tượng thuỷ văn, diễn biến mưa lũ trong khu vực hồ; chủ động xây dựng các phương án ứng phó thiên tai và các tình huống khẩn cấp, làm tốt công tác chuẩn bị theo phương châm “4 tại chỗ” (nhân lực tại chỗ, vật tư thiết bị tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ) và 3 sẵn sàng.
Về công tác bảo vệ an toàn công trình, Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà tăng cường lực lượng, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương làm tốt công tác bảo vệ công trình. Thường xuyên kiểm tra, rà soát các hạng mục công trình chủ động phát hiện và kịp thời sửa chữa, hạn chế tối đa các nguy cơ gây mất an toàn công trình, chú trọng phân chia lực lượng bảo vệ các công trình đầu mối và vùng lòng hồ Dầu Tiếng.
Chủ động điều tiết nước, bảo đảm an toàn vận hành công trình
Theo ông Trần Quang Hùng, từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn các tỉnh khu vực Nam bộ liên tục xảy ra nhiều cơn mưa trái mùa trên diện rộng, tổng lượng mưa tính đến thời điểm hiện tại khoảng 300mm, khiến cho mực nước hồ Dầu Tiếng dâng cao, cao trình hiện đã đạt 21,46m, cao hơn 1,4m so với mức nước quy trình vận hành.
Để bảo đảm an toàn vận hành hồ chứa, Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà phối hợp Đài Khí tượng thuỷ văn khu vực Nam bộ theo dõi sát tình hình biến động thời tiết, chủ động xả tràn, hạ thấp mực nước hồ theo quy định vận hành. Đồng thời, duy trì dòng chảy môi trường, góp phần đẩy mặn vào mùa khô.
Cũng theo ông Hùng, từ đầu năm đến nay, Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà đã thực hiện 4 đợt xả lũ, lưu lượng từ 36 đến 100m3/giây, với tổng lượng nước đã xả là trên 400 triệu mét khối nhằm hạ thấp mực nước hồ chuẩn bị cho mùa mưa bão năm 2022 sắp tới, đồng thời giúp điều tiết mực nước duy trì dòng chảy môi trường, góp phần đẩy mặn vào mùa khô cho Thành phố Hồ Chí Minh.
Trước các đợt xả lũ, Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà chủ động phối hợp các địa phương vùng hạ du nhằm tránh việc xả nước vào thời điểm mưa lớn, triều cường dâng cao, không gây ngập bảo đảm an toàn sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Nhiều hạng mục cần sửa chữa
Hiện nay, các hạng mục công trình đầu mối hồ chứa nước Dầu Tiếng gồm hồ chứa, đập chính, đập phụ, đập tràn, cống dẫn dòng, tương đối ổn định và hoạt động bình thường. Tuy nhiên, do được đầu tư và vận hành khai thác thời gian dài nên hiện nay có nhiều hạng mục xuất hiện nhiều điểm xuống cấp. Trong đó, cống trình tràn xả lũ (trên 35 năm) có nguy cơ gây mất an toàn khi vận hành.
Vì vậy, công ty báo cáo và đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho sửa chữa, hiện đã được Bộ đồng ý cho đưa vào dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, đang trong quá trình thiết kế bản vẽ thi công nhằm bảo đảm vận hành an toàn tuyệt đối trong mùa mưa bão sắp đến.
Đối với cống lấy nước số một, số hai và các hạng khác bị xuống cấp đã được công ty đưa vào thực hiện sửa chữa các hạng mục an toàn đập. Trong đó, có sửa chữa các khoang lấy nước, đã sửa chữa được 15/27km hạng mục công trình đập phụ mặt cắt ổn định, bảo đảm an toàn tích nước và vận hành trong mùa mưa bão năm 2022.
Theo ông Hùng, để bảo đảm công tác vận hành hồ Dầu Tiếng an toàn, Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà đề nghị các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh thuộc khu vực hạ du chủ động rà soát quy hoạch hành lang thoát lũ để bảo đảm việc xả lũ không ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Minh Dương