Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Chủ động kiểm soát dịch bệnh trong mùa hè
Thứ hai: 06:35 ngày 01/05/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngành Y tế Tây Ninh đã đề ra các biện pháp nhằm hạn chế thấp nhất số ca mắc và tử vong do dịch, không để dịch bùng phát, lan rộng, gây nguy cơ dịch chồng dịch.

Đoàn công tác Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh (Bộ Y tế) kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch tại Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh

Trong bối cảnh nhiều địa phương ghi nhận sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm khác, để chủ động phòng bệnh, ngành Y tế Tây Ninh đã đề ra các biện pháp nhằm hạn chế thấp nhất số ca mắc và tử vong do dịch, không để dịch bùng phát, lan rộng, gây nguy cơ dịch chồng dịch.

Nắng nóng, bệnh truyền nhiễm lây lan 

Những năm gần đây, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm diễn biến khó lường, khó dự báo. Trong bối cảnh toàn cầu hoá, các đại dịch nói chung đang tăng dần tần suất xuất hiện. Tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, lụt bão, đô thị hoá và di dân gia tăng là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện, lây lan và bùng phát.

Trên phạm vi toàn quốc đã ghi nhận sự gia tăng các bệnh lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng và một số bệnh truyền nhiễm khác. Thời tiết, khí hậu nóng ẩm, mưa tại một số tỉnh, thành phố miền Nam và sự giao lưu đi lại tăng cao, trong khi ý thức và hành vi vệ sinh phòng bệnh của người dân chưa tốt... tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh và phát triển.

Trong đó, các bệnh lây truyền qua đường tiêu hoá, hô hấp, bệnh do muỗi truyền như: tiêu chảy do virus Rota, tay chân miệng, lỵ, thương hàn, sởi, cúm, sốt xuất huyết, viêm não do virus, viêm não... thường có số mắc cao và có thể bùng phát thành dịch lớn.

Bên cạnh đó, các dịch bệnh như: cúm, tay chân miệng có xu hướng tăng do đang vào giai đoạn cao điểm của dịch, đồng thời khả năng xâm nhập của đậu mùa khỉ và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi khác làm tăng nguy cơ dịch chồng dịch.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Tây Ninh, năm 2023, tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới BA.2.75, BA.2.12.1 có thể làm dịch bệnh bùng phát trở lại.

Song song đó, số ca mắc sốt xuất huyết gia tăng trong những tháng đầu năm. Bác sĩ Trần Huyền Trân- Phó Giám đốc CDC Tây Ninh cho biết: “Bệnh sốt xuất huyết xuất hiện theo mùa, nhưng gần đây bệnh rải rác quanh năm, nổi lên nhiều trong quý II, quý III cho đến nay. Dự đoán sẽ diễn biến khó lường, CDC tỉnh đã chủ động phòng, chống cũng như tuyên truyền cho người dân, đặc biệt trong thời gian giao mùa, có thể dịch bệnh sẽ bùng phát”.

Thống kê của CDC Tây Ninh, trên địa bàn tỉnh có 35 ca mắc bệnh tay chân miệng, tăng 16,5 lần so với cùng kỳ năm 2022 (2 ca). Số ca mắc sốt xuất huyết cũng tăng 344/405 ca so với cùng kỳ năm 2022 (tăng 17,73%). Hiện ngành chức năng đã xử lý 255/286 ổ dịch, đạt 78,67%.

Tăng cường nhiều biện pháp phòng dịch

Trước nguy cơ dịch bệnh có xu hướng gia tăng, nhằm khống chế kịp thời, không để xảy ra trường hợp ổ dịch bệnh lây lan, kéo dài, ngay từ đầu năm, CDC Tây Ninh đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm.

Theo bác sĩ Trần Huyền Trân, CDC tỉnh đã kiện toàn hệ thống giám sát dịch từ tỉnh đến cơ sở để dự báo sớm tình hình dịch bệnh, xây dựng biểu đồ, bản đồ dịch tễ nhằm phát hiện, xử lý kịp thời, triệt để 100% trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm gây dịch, không để bùng phát thành dịch lớn, đồng thời tổ chức tập huấn quy trình giám sát, điều tra, xử lý ổ dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Ông cho biết thêm, đối với dịch bệnh nhóm A, ngành Y tế chủ động xây dựng hệ thống cảnh báo dịch sớm, giám sát, điều tra ca bệnh và tiến hành xử lý ổ dịch trong 24 giờ khi phát hiện xâm nhập vào địa bàn tỉnh, đặc biệt quan tâm dịch bệnh Covid-19 và các dịch bệnh mới nổi như bệnh Marburg.

Bên cạnh đó, giám sát chặt chẽ ca bệnh truyền nhiễm tại các cơ sở khám bệnh và cộng đồng, tăng cường lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh nhằm phát hiện sớm và xử lý kịp thời, triệt để 100% trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm; củng cố các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động, sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống chế ổ dịch, cấp cứu, điều trị khi cần thiết, không để bùng phát thành dịch lớn.

“Các bệnh truyền nhiễm nói chung sẽ diễn biến phức tạp. Vì vậy, người dân nên chủ động phòng ngừa. Trước hết là giữ gìn vệ sinh cá nhân, thường xuyên sát khuẩn tay, ăn uống điều độ, luyện tập thể dục để cơ thể tăng sức đề kháng chống lại bệnh truyền nhiễm”- bác sĩ Trần Huyền Trân khuyến cáo- “Ngoài vệ sinh cá nhân, người dân cần dọn dẹp, khử khuẩn nơi ở, vệ sinh môi trường và tiêm chủng đầy đủ, lau rửa sàn nhà và đồ chơi của trẻ hằng ngày bằng chất tẩy rửa thông thường. Hãy đổ, lật úp các vật dụng chứa nước không cần thiết để diệt lăng quăng, phòng, chống sốt xuất huyết. Đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em”.

Bệnh tay chân miệng có xu hướng tăng do đang vào giai đoạn mùa hè. Ảnh minh hoạ

Giám sát chặt chẽ khu vực cửa khẩu

Trên địa bàn tỉnh có 3 cửa khẩu quốc tế và nhiều cửa khẩu chính, phụ, đường tiểu ngạch. Hiện tại, công tác kiểm tra y tế được ngành chức năng giám sát chặt chẽ. Theo bác sĩ Trần Huyền Trân, thực hiện chỉ đạo của cấp trên, Sở Y tế đã ban hành những văn bản chỉ đạo các trung tâm y tế tăng cường giám sát chặt chẽ dịch bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm, đặc biệt tại khu vực cửa khẩu.

“Hiện CDC đã bố trí lực lượng kiểm dịch y tế tại khu vực cửa khẩu, ngăn chặn kịp thời những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, không để lọt qua cửa khẩu biên giới, không để lây lan trong nội địa”- bác sĩ Trần Huyền Trân nhấn mạnh.

Đối với dịch bệnh Marburg, mặc dù chưa ghi nhận xuất hiện tại Việt Nam, nhưng cần chủ động giám sát người qua lại từ nước bạn Campuchia về Việt Nam. Đồng thời chuẩn bị các phương tiện sơ cấp cứu, tổ chức khu cách ly tại chỗ, thực hiện biện pháp lấy mẫu xét nghiệm để phòng ngừa, không để lây lan ra cộng đồng.

Ngoài các dịch bệnh như Covid-19, H5N1... Marburg là dịch bệnh mới được WHO xác nhận do một loại virus cùng họ với Ebola gây ra có thể ảnh hưởng đến các cơ quan của cơ thể và gây chảy máu. “Bệnh Marburg không có cách chữa trị hoặc điều trị cụ thể. Cũng như các bệnh truyền nhiễm khác, việc giám sát chặt chẽ khu vực biên giới được đặt lên hàng đầu. Khi phát hiện những ca nghi ngờ sẽ cách ly tại chỗ, phòng ngừa lây lan”- bác sĩ Trần Huyền Trân nói.

Ông cho biết thêm, ngành Y tế tăng cường truyền thông phòng bệnh để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc bảo vệ sức khoẻ của bản thân, gia đình và cộng đồng. Trong đó, thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và khuyến cáo người dân thực hiện các yêu cầu phòng chống dịch như đeo khẩu trang, khử khuẩn trong các cơ sở y tế, trên các phương tiện giao thông công cộng và tại các địa điểm, sự kiện tập trung đông người, đặc biệt vào dịp nghỉ lễ.

“Để bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh mùa hè hiệu quả, ngoài nỗ lực của các cấp, ngành, ngành Y tế tỉnh cũng khuyến cáo người dân nêu cao ý thức trong việc bảo vệ sức khoẻ của bản thân và gia đình. Khi phát hiện bệnh, không tự ý điều trị tại nhà mà đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh để bệnh lây lan”- bác sĩ Trần Huyền Trân khuyến cáo.

Tâm Giang

Tin cùng chuyên mục