Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Chủ động kiểm soát tình hình dịch bệnh
Thứ bảy: 20:15 ngày 23/06/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Một số dấu hiệu nhận biết cúm A/H1N1 là sốt cao đột ngột, ho khan kèm theo biểu hiện đau họng, mệt mỏi, đau nhức cơ khắp người.

Một trường hợp trẻ em bị mắc bệnh tay chân miệng điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Tháng sáu là cao điểm mùa mưa, cũng là thời điểm nhiều dịch bệnh phát triển, bùng phát. Vào thời gian này, các địa phương trong tỉnh đang khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như: mở chiến dịch diệt lăng quăng và phun hoá chất diệt muỗi, tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân, chủ động phòng, chống các loại dịch bệnh dựa vào cộng đồng.

Không ít người dân chủ quan

Theo cơ quan chức năng, dù đã đẩy mạnh tuyên truyền, nhưng nhiều người dân vẫn lơ là với các loại dịch bệnh.

Ðang điều trị bệnh SXH tại Bệnh viện Ða khoa tỉnh, chị Ðỗ Thị Nhiều, 23 tuổi, ngụ tại huyện Tân Biên cho biết, mấy ngày trước, thấy cơ thể mệt mỏi, nóng sốt, nghĩ là cảm thường, chị mua thuốc uống nhưng không hết.

Hai ngày sau, chị đến bệnh viện tỉnh khám bệnh, mới biết mình bị sốt xuất huyết và phải nhập viện điều trị. Ban đầu, chị Nhiều không nghĩ mình bị sốt xuất huyết do muỗi đốt, nhưng sau khi nghe bác sĩ nói về bệnh SXH, chị mới nhớ lại mình từng bị một con muỗi đốt để lại một vết đỏ rất to ở chân khi hái rau ngoài vườn. Chị không nghĩ đó là muỗi vằn đã truyền nhiễm bệnh SXH cho chị.

Anh Nguyễn Minh Cảnh, 31 tuổi, ngụ tại xã Hảo Ðước, huyện Châu Thành cũng đang điều trị SXH ở Bệnh viện Ða khoa tỉnh trong tình trạng bệnh chuyển nặng.

Anh cho biết, ban đầu thấy cơ thể mệt mỏi, nóng sốt, anh cứ nghĩ mình bị cảm thông thường nên tự đi mua thuốc uống. Nhưng sau 5 ngày, bệnh tình không hề thuyên giảm, sức khoẻ của anh ngày càng suy yếu.

Anh cảm thấy chóng mặt, buồn nôn, đau bụng, không còn chút sức lực. Người thân đã đưa anh đến Bệnh viện Ða khoa tỉnh khám và nhập viện điều trị.

Lúc này, anh mới biết bị SXH. Theo lời bác sĩ, anh may mắn nhập viện điều trị kịp thời, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Sau hai ngày nằm viện điều trị, sức khoẻ của anh đã dần hồi phục.

Chị Nguyễn Thị Liên, vợ anh Cảnh chia sẻ, vợ chồng chị đi làm suốt, ít xem thông tin thời sự nên chưa biết rõ về bệnh SXH và cách phòng chống SXH. Sau lần nằm viện này, anh chị mới chú ý hơn cách bảo vệ sức khoẻ của bản thân và gia đình.

Cần tăng cường công tác phòng ngừa

Tại Khoa nhiễm-Bệnh viện Ða khoa tỉnh, theo số liệu thống kê, từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận 246 ca bệnh SXH, 230 ca trẻ bị tay chân miệng.

Theo bác sĩ CK1 Huỳnh Văn Ðệ- Trưởng khoa Nhiễm, các dịch bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng, thuỷ đậu gần như xảy ra quanh năm.

Vào thời điểm hiện nay, các ca mắc SXH, tay chân miệng có tăng, nhưng tăng nhẹ, vẫn trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, với diễn biến phức tạp thời tiết, của dịch bệnh, người dân không nên chủ quan, lơ là.

Thực tế cho thấy, khi người dân có sự quan tâm đến sức khoẻ của chính mình hoặc con em, dịch bệnh sẽ được xử lý kịp thời.

Chị Ðặng Kim Loan (ngụ xã Tân Phú, huyện Tân Châu) có con gái 3 tuổi bị tay chân miệng cho hay, ngay khi thấy con có biểu hiện nổi mẩn đỏ, chị đã lập tức đưa con đi bác sĩ điều trị.

Sau đó, chị đã tổng vệ sinh, phun khử trùng các vật dụng trong nhà để tránh lây lan. Chị nói: “Những kiến thức phòng bệnh tay chân miệng tôi học được từ sách báo và các đồng nghiệp. Ðiều này rất có ích, giúp tôi bảo vệ sức khoẻ cho gia đình- nhất là các con nhỏ”.

Chị Kim Oanh, tạm trú tại phường 2, thành phố Tây Ninh cho biết, những lúc rảnh rỗi, chị thường cùng bạn bè đến công viên ngồi hóng mát, trò chuyện.

Cách đây vài ngày, chị cùng vài người bạn đến công viên hóng mát. Chỉ ngồi không bao lâu, chị và các bạn đã bị muỗi đốt và bu đầy người.

Theo chị Kim Oanh, trong những tháng cao điểm mùa mưa, ngành Y tế cần chú ý đến những nơi công cộng, thường xuyên cử người đến khu vực công viên để phun hoá chất diệt muỗi, giúp bảo vệ sức khoẻ cho người dân.

Với tình hình diễn biến phức tạp của bệnh cúm A/H1N1 xảy ra tại một số tỉnh, thành trong nước thời gian gần đây, việc nâng cao kiến thức cho người dân trong phòng ngừa và điều trị bệnh cúm cũng cần được quan tâm hơn.

Cúm A/H1N1 vẫn đang là dịch bệnh đáng lo ngại. Trong tháng qua, cả nước ghi nhận ổ dịch cúm A/H1N1 tại một số bệnh viện, trung tâm y tế. Ðiều này cho thấy mức độ phức tạp trong công tác phòng, chống căn bệnh này là không thể xem thường.

Bác sĩ Ðệ cho biết thêm, bệnh viện cũng đã chủ động cập nhật, phổ biến tình hình dịch bệnh đến đội ngũ y, bác sĩ. Ðối với cúm A/H1N1, tuy trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện trường hợp nhiễm, nhưng bệnh viện đã tăng cường công tác giám sát, chuẩn bị thuốc để có thể xử lý kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra.

Theo bác sĩ Ðệ, cúm A/H1N1 là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời, có khả năng lây nhiễm cao và lan nhanh trong cộng đồng.

Các triệu chứng của cúm A/H1N1 cũng tương tự như các triệu chứng của cúm thông thường, chỉ có thể phát hiện bằng cách xét nghiệm.

Do đó, người dân cần chủ động nắm bắt các dấu hiệu nhận biết để phát hiện sớm, phòng tránh lây lan và điều trị kịp thời.

Một số dấu hiệu nhận biết cúm A/H1N1 là sốt cao đột ngột, ho khan kèm theo biểu hiện đau họng, mệt mỏi, đau nhức cơ khắp người.

Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, trong 5 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn tỉnh có tổng số ca mắc sốt xuất huyết là 354, giảm 116 ca so với cùng kỳ; số ca mắc tay chân miệng là 273, giảm 120 ca so với cùng kỳ; thuỷ đậu 130 ca, tăng 18 ca so với cùng kỳ; không có trường hợp nhiễm cúm A/H1N1.

VI XUÂN - CHÂU PHA

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh