Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Chủ động phòng, chống dịch bệnh động vật từ cơ sở
Thứ tư: 13:02 ngày 05/02/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - UBND tỉnh vừa ban hành Công văn số 166 về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh.

Trong năm 2019, theo kết quả giám sát chủ động của Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho thấy trên địa bàn tỉnh mầm bệnh lỡ mồm long móng, cúm gia cầm còn lưu hành với tỷ lệ tương đối cao. Đặc biệt, dịch tả heo Châu Phi đã xảy ra trên địa bàn 78 xã, phường, thị trấn gây tổn thất về kinh tế và ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi.

Trong điều kiện thời tiết thay đổi bất lợi như hiện nay là môi trường tốt cho các mầm bệnh phát triển, lây lan và gây bệnh. Bên cạnh đó, việc vận chuyển động vật, các sản phẩm từ động vật tăng mạnh phục vụ nhu cầu tết, tổng đàn gia súc, gia cầm và nuôi tái đàn heo tăng mạnh, việc ứng dụng biện pháp an toàn sinh học ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ còn hạn chế cũng là những nguyên nhân gây nguy cơ.

Một trang trại nuôi heo tại thành phố Tây Ninh- Ảnh minh họa

Để chủ động phòng chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh, cũng như thực hiện chỉ đạo của Bộ NN&PTNT tại Công văn số 467/BNN-TY ngày 15/01/2020 về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trước, trong và sau tết Nguyên đán Canh Tý, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 166/UBND-KTTC về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện các đợt vệ sinh, tiêu độc khử trùng phòng chống bệnh dịch tả heo Châu Phi và các loại dịch bệnh động vật khác theo hướng dẫn của Sở NN&PTNT từ ngày 1-28.2; khuyến cáo các trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động thực hiện biện pháp phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi, thực hiện tiêm phòng dịch nhất là đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như lỡ mồm long móng, bệnh dại, cúm gia cầm, heo tai xanh…, xây dựng các vùng, cơ sở chăn an toàn.

Chỉ đạo tuyến xã, phường, thị trấn chủ động triển khai giám sát dịch bệnh động vật để phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới phát hiện. Ngoài ra cần có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ động vật nghi hoặc mắc bệnh, vứt xác động vật chết ra môi trường làm ô nhiễm, lây lan mầm bệnh; kịp thời báo cáo tình hình theo đúng quy định.

Sở NN&PTNT tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển, giết mổ sản phẩm động vật, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép ra vào địa bàn tỉnh; triển khai các kế hoạch phòng chống dịch bệnh, tổ chức tiêm vắc-xin phòng bệnh, chủ động giám sát, cảnh báo và phục vụ xây dựng chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Một số sở, ngành có liên quan cùng phối hợp trong công tác thông tin tuyên truyền, ngăn ngừa, đảm bảo an toàn trong kinh doanh, sản xuất sản phẩm từ động vật.

Ngô Tuyết

Tin cùng chuyên mục