Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ngày 18.11, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tây Ninh (PCTT-TKCN) vừa có văn bản gửi UBND các huyện/thành phố, Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Dầu Tiếng-Phước Hòa, Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Tây Ninh về việc chủ động triển khai các phương án ứng phó cơn bão số 14.
Ban chỉ huy PCTT-TKCN cho biết, theo dự báo của Đài khí tượng Thủy văn tỉnh Tây Ninh, vào lúc 10 giờ ngày 18.11.2017 vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,2 độ vĩ Bắc, 114,0 độ Kinh Đông, ngay trên phía Bắc quần đảo Trường Sa, cách bờ biển các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận khoảng 510 km về phía Đông Đông Nam.
Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 11. Vùng gió mạnh do bão trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 150km về phía Bắc, 100km về phía Nam tính từ vùng tâm bão.
Cửa xả lũ Hồ Dầu Tiếng- Ảnh minh hoạ. |
Khu vực tỉnh Tây Ninh đêm nay có mưa vài nơi, trưa và chiều mai có mưa rào và dông rải rác, có nơi mưa vừa, mưa to, trong cơn dông cần đề phòng sấm sét, gió giật mạnh và lốc xoáy.
Để chủ động, ứng phó với diễn biến mưa, ngập úng do ảnh hưởng của cơn bão số 14, đồng thời đảm bảo an toàn công trình hồ chứa thủy lợi, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đề nghị cơ quan, đơn vị tổ chức trực ban theo quy định, đồng thời triển khai một số nội dung sau:
Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn- cơ quan thường trực Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Tây Ninh theo dõi chặt chẽ diễn biến các bản tin dự báo, cảnh báo, diễn biến tình hình thời tiết ảnh hưởng trên địa bàn tỉnh, thông tin kịp thời đến cơ quan, đơn vị liên quan và người dân để chủ động phòng tránh, đối phó bão; tham mưu kịp thời UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, đơn vị liên quan, các chủ hồ chứa triển khai các phương án ứng phó có hiệu quả đối với cơn bão số 14.
Đồng thời chủ động tổ chức kiểm tra công tác đảm bảo an toàn công trình hồ chứa, công trình thủy lợi; kiểm tra công tác chuẩn bị triển khai các phương án ứng phó cơn bão số 14 trên địa bàn các huyện, thành phố.
UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông diễn biến đường di chuyển của bão, các văn bản chỉ đạo, bản tin dự báo qua hộp thư điện tử của cơ quan thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN (hàng giờ) lên phương tiện thông tin địa phương để người dân biết và chủ động ứng phó kịp thời. Vận động nhân dân, đồng thời huy động lực lượng, tổ chức hỗ trợ nhân dân chằng chống nhà cửa; thông báo các ghe, thuyền không được hoạt động trên hồ, sông...; các hộ dân không được ở lại các nhà, trại, vườn cây cao su, để tránh lốc xoáy, gãy đổ gây thiệt hại; chuẩn bị sẵn sàng triển khai phương án phòng chống, ứng phó tình trạng ngập úng, bão, bão mạnh và rất mạnh trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Mưa lớn gây ngập vườn cao su ở Châu Thành- Ảnh minh hoạ. |
Chú trọng kiểm tra vị trí xung yếu, những khu vực và công trình có nguy cơ bị ảnh hưởng do mưa lớn, bão gây ra, đặc biệt lưu ý các huyện ven sông cần đề phòng mưa lớn kết hợp với ảnh hưởng nước sông Vàm Cỏ Đông dâng cao hoặc nước từ Campuchia đổ về gây ngập lụt. Phối hợp đơn vị quản lý hồ chứa nước kiểm tra, đánh giá an toàn các công trình đập, hồ chứa thủy lợi.
Chỉ đạo Ban chỉ huy PCTT-TKCN các địa phương triển khai lực lượng luôn sẵn sàng theo phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ) và "3 sẵn sàng" (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả), trực ban phòng chống thiên tai 24/24 giờ.
Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa và Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Tây Ninh thường xuyên cập nhật thông tin diễn biến thời tiết, tình hình mực nước hồ Dầu Tiếng để chủ động ứng phó; chuẩn bị phương tiện hậu cần theo phương châm 4 tại chỗ; tăng cường phối hợp, cung cấp thông tin, trực ban phòng chống thiên tai 24/24 giờ; xây dựng các kịch bản ứng phó với những tình huống, sự cố có thể gây mất an toàn công trình.
Chủ động theo dõi diễn biến tình hình mưa từ các cơ quan khí tượng thủy văn, mực nước và lưu lượng nước đến hồ chứa nước, chủ động hạ thấp mực nước để đón lũ và khi công trình có nguy cơ xảy ra sự cố; kịp thời điều chỉnh phương án vận hành hệ thống công trình thủy lợi, hồ chứa nước phù hợp; theo dõi chặt chẽ diễn biến các bản tin dự báo, cảnh báo, diễn biến tình hình triều cường hạ du sông Sài Gòn, chủ động phối hợp với thành phố Hồ Chí Minh để hạ thấp mực nước đón lũ hoặc công trình có nguy cơ xảy ra sự cố.
Kiểm tra việc vận hành các hồ chứa trên địa bàn, đối với các hồ có cửa van xả lũ phải chủ động vận hành xả lũ để đối phó với mưa lớn; khắc phục ngay các hư hỏng có nguy cơ mất an toàn, không để xảy ra sự cố, bảo đảm an toàn công trình và an toàn của người dân ở hạ du.
Thế Nhân