Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Chủ động phương án sản xuất cây trồng vụ Mùa
Chủ nhật: 10:38 ngày 04/08/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Vụ mùa năm 2024 dự báo gặp rất nhiều khó khăn do thời gian chuyển vụ ngắn, thời tiết, sâu bệnh diễn biến khó lường... Để sản xuất thắng lợi, các địa phương cần chủ động xây dựng các phương án sản xuất phù hợp, sẵn sàng đối phó với các tình huống khó khăn, huy động nguồn lực tập trung gieo trồng càng sớm càng tốt.

Nông dân cày ải đất chuẩn bị gieo trồng lúa vụ Mùa năm 2024.

Vụ hè thu năm 2024, toàn tỉnh gieo trồng khoảng 49.500 ha lúa. Thời gian xuống giống tập trung trong tháng 8, 9 và kết thúc trước 15.9.2024, nhằm tránh ảnh hưởng tiến độ xuống giống vụ tiếp theo. Các giống chất lượng cao dự kiến nông dân gieo sạ như: OM380, OM5451, OM4900; các giống có chất lượng trung bình như: OM576, OM1352, IR50404. Lượng giống gieo sạ khoảng 80 – 120 kg/ha.

Để sản lượng lúa đạt hiệu quả cao, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phát hiện và xử lý kịp thời các dịch hại phát sinh trên diện rộng; chủ động các phương án tiêu thoát nước đề phòng mưa lớn bất thường; thu dọn vệ sinh đồng ruộng, làm đất kỹ trước khi gieo sạ để hạn chế ngộ độc hữu cơ do cày vùi tàn dư rơm rạ ở những chân ruộng sâu, ngập nước, ảnh hưởng sinh trưởng cây lúa.

Ngoài ra, ngành Nông nghiệp còn khuyến cáo nông dân xuống giống tương đối đồng loạt, tập trung theo từng vùng, từng cánh đồng; giảm lượng giống gieo sạ; bón phân cân đối NPK, tránh bón thừa phân đạm; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm an toàn, hiệu quả; quan tâm sử dụng các loại phân bón có chứa canxi và silic để giúp lúa cứng cây, giảm đổ ngã trong điều kiện mưa bão.

Bên cạnh đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật dự báo một số đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại nông dân cần lưu ý và có biện pháp phòng trừ như: rầy nâu, sâu cuốn lá nhỏ, ốc bươu vàng, chuột, bệnh đạo ôn (lá, cổ bông), bệnh khô vằn, bệnh do vi khuẩn…

Đối với rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày, kế hoạch gieo trồng rau các loại khoảng 6.100 ha, đậu các loại 700 ha, đậu phộng 300 ha, bắp 1.050 ha, khoai mì 7.800 ha và mía 400 ha. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật dự báo tình hình sâu bệnh hại trên cây rau các loại như: sâu vẽ bùa, bệnh thối nhũn, thối gốc... gây hại trên nhóm rau cải; bọ trĩ, sâu xanh, ruồi đục quả, bệnh đốm lá, lở cổ rễ, đốm vàng, thán thư, phấn trắng... gây hại nhóm cây khổ qua, dưa leo, bầu, bí, mướp; dòi đục lá, sâu xanh da láng, bệnh thán thư gây hại cây hành lá….

Trên cây khoai mì, nông dân sử dụng các giống KM94, KM140, KM505 sạch bệnh để gieo trồng. Một số đối tượng phát sinh gây hại như: bệnh lở cổ rễ, thối củ, xì mủ chết đọt phát sinh gây hại. Chính vì vậy, nông dân phải thường xuyên thăm đồng để có các giải pháp tiêu thoát nước kịp thời khi mưa lớn bất thường, tránh các bệnh hại trên cây.

Đối với cây ăn trái, kế hoạch diện tích trồng là 24.510 ha, một số loại cây chính như: cây chuối 1.930 ha, cây xoài 2.500 ha, cây nhãn 4.280 ha, cây sầu riêng 3.600 ha, cây bưởi 1.250 ha, cây mãng cầu 5.600 ha.

Nông dân làm đất, bón phân cho cây mãng cầu.

Để cây ăn trái đạt năng suất, sản lượng, giá trị cao, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân kiểm tra vườn phát hiện sớm dịch hại để phòng trừ kịp thời nhằm tăng khả năng chống chịu của cây.

Tăng cường sử dụng phân hữu cơ vi sinh, hữu cơ hoai kết hợp các vi sinh có ích, nhất là các dòng nấm Trichoderma đối kháng trừ nhóm nấm gây hại trong đất để hạn chết bệnh vàng lá thối rễ. Với những diện tích trồng mới trong mùa mưa, nông dân cần có biện pháp chắn gió cho cây, sử dụng phân bón cân đối, hợp lý.

Đặc biệt, vào mùa mưa, rễ cây ăn trái thường yếu do mưa nhiều làm đất yếm khí, đồng thời thuận lợi cho các dòng nấm trong đất phát sinh gây hại; do đó nông dân cần bón các loại phân có tỷ lệ dinh dưỡng cân đối và tiêu thoát nước tốt, không để vườn ngập trong điều kiện mưa nhiều.

Để sản xuất vụ Mùa năm 2024 đạt năng suất, sản lượng cao, ngành nông nghiệp triển khai phương án, kế hoạch sản xuất bảo đảm khung thời vụ tốt nhất. Trên cơ sở đó, các huyện, thị xã, thành phố tập trung chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả theo kế hoạch, cần đa dạng cây trồng phù hợp với điều kiện của từng địa phương và nhu cầu của thị trường để việc chuyển đổi được ổn định lâu dài và hiệu quả.

Nông dân thu hoạch cà tìm trên địa bàn xã Bàu Năng.

Hỗ trợ, kêu gọi hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp, các hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất của tỉnh với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đầu vào, tiêu thụ sản phẩm nhằm giải quyết tốt cho vấn đề đầu ra.

Riêng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật thực hiện điều tra, giám sát đồng ruộng, vườn cây để kịp thời phát hiện dịch hại mới, dịch hại mới nổi, sinh vật gây hại có nguy cơ phát sinh trên diện rộng gây thiệt hại cho sản xuất; khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia liên kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ; hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các hợp đồng thu mua sản phẩm đã ký với nông dân, đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, xúc tiến thương mại để mở rộng liên kết sản xuất và chủ động.

Nhi Trần

Tin cùng chuyên mục