Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Chủ động ứng phó và xử lý dịch COVID-19 trong tình huống khẩn cấp
Thứ năm: 09:39 ngày 13/05/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Chiều 11.5, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến ứng phó và xử lý dịch COVID-19 trong tình huống khẩn cấp tại hơn 700 điểm cầu với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn- Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 kiêm Trưởng Tiểu Ban điều trị chủ trì qua đầu cầu trực tuyến nơi Thứ trưởng đang cách ly.

Các đại biểu dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Tây Ninh.

Tham dự tại điểm cầu Bộ Y tế có PGS. TS. Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý, Khám chữa bệnh; đại diện lãnh đạo và chuyên viên một số Vụ, Cục, Văn phòng, đơn vị trực thuộc Bộ Y tế.

Tại điểm cầu Tây Ninh có bác sĩ Nguyễn Văn Cường- Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế; các phòng, ban, đơn vị trực thuộc Sở và Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố…

Tại hội nghị, đại diện Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) triển khai các công điện của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19; chiến lược giãn cách xã hội; cách ly trong bệnh viện; quản lý bệnh viện dã chiến; kiểm soát nhiễm khuẩn, xét nghiệm; tuân thủ thực hành phòng ngừa lây nhiễm trong cơ sở khám chữa bệnh.

Đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã thông tin về tình hình dịch bệnh trên thế giới, trong nước và các biện pháp đã triển khai phòng, chống dịch; công tác cách ly, xét nghiệm và điều trị; việc cấp cứu sốc phản vệ, chẩn đoán và xử trí sau khi tiêm phòng vắc xin; việc thiết lập bệnh viện dã chiến.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trong cộng đồng do đó việc thực hiện khuyến cáo 5K + vắc xin là rất cần thiết. Các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu; xây dựng phương án đối phó các tình huống dịch theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sẵn sàng cho tình huống 30.000 ca bệnh; thường xuyên theo dõi, giám sát việc triển khai thực hiện các công điện của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19; hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng, chống dịch; tiếp tục hoàn chỉnh các phương án trong tiêm chủng, nhất là tiêm chủng phòng COVID-19; xây dựng tổ chức các phương án xét nghiệm, tập huấn kể cả các cơ sở y tế trong tầm soát tại các cơ sở y tế, việc gộp mẫu; hướng dẫn thanh toán cho các cơ sở y tế để bảo đảm vừa thực hiện đúng quy định vừa bảo đảm nguồn kinh phí phục vụ phòng, chống dịch.

Sở y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị gấp rút xây dựng, hoàn thiện các phương án trong tình huống: không có dịch, có ca đơn lẻ và khi dịch lan rộng trong cộng đồng; chủ động đề xuất thực hiện các công điện, hướng dẫn của Bộ Y tế và các bộ, ban, ngành khác không để phòng, chống dịch nhưng quá cực đoan, làm quá mức, ảnh hướng đến đời sống của nhân dân; việc xây dựng, triển khai các phương án phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh đó, sở y tế các tỉnh, thành phố cần chủ động đề xuất về phương án nhân lực, thuốc, cơ sở vật chất… cho bệnh viện dã chiến, báo cáo những vấn đề còn khó khăn với Bộ Y tế để có hướng giải quyết, bảo đảm việc phòng, chống dịch hiệu quả.

Đối với cơ sở khám chữa bệnh cần thực hiện nghiêm hướng dẫn sàng lọc, phân loại… bệnh nhân của Bộ Y tế; rà soát các phương án khi có 1 trường hợp nhiễm, nhiều trường hợp và khi cả bệnh viện phải cách ly y tế; thực hiện đúng hướng dẫn về xét nghiệm đối với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân; việc giãn cách trong bệnh viện; kế hoạch chăm sóc toàn diện theo phương châm 4 tại chỗ; tiếp tục tăng cường kết nối với hệ thống khám, chữa bệnh để thực hiện tốt việc chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân, đồng thời bảo đảm việc tiêm vắc xin an toàn, hiệu quả nhất.

Đình Tiến

Tin cùng chuyên mục