Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
data:
Chữ quốc ngữ ở Tây Ninh
Thứ tư: 23:44 ngày 19/07/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Bài thơ Vịnh hoa bạch mai trên núi Điện Bà của nữ sĩ Sương Nguyệt Anh, cho dù là bài thơ viết bằng chữ quốc ngữ đầu tiên, thì cũng chưa nói lên điều gì về tiến trình phát triển chữ quốc ngữ ở Tây Ninh.

Bia mộ tại nhà thờ Tha La.

Theo những nghiên cứu bước đầu của Vương Công Đức trong sách Trảng Bàng phương chí (Nxb Tri Thức, 2016), tại chương 12 “Văn chương và Nghệ thuật” thì: “Đến khi chữ quốc ngữ được truyền bá rộng rãi ở Nam kỳ, khoảng những năm 1870 đến đầu thế kỷ 20, tại Trảng Bàng đã xuất hiện nhiều bản chép tay (chữ quốc ngữ) dưới dạng hồi ký. Một trong những quyển sách có giá trị nhất trong giai đoạn này là quyển Vạng Bửu tự thuật của Đốc phủ Nguyễn Vạng Bửu ở làng An Tịnh…

Ghi chép của cụ Nguyễn Vạng Bửu không chỉ đơn giản là hồi ký mà nó đã vượt lên trở thành tác phẩm văn học xưa quý hiếm của huyện Trảng Bàng…”. Cuốn sách trên được viết trong những năm từ 1910 đến 1930, dù không thể coi là cuốn văn chương đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ, nhưng nó cũng phản ánh được ít nhiều tiến trình phát triển chữ quốc ngữ trên vùng quê xứ Trảng.

Theo Vạng Bửu tự thuật, cụ được sinh ra vào năm Quý Sửu (1853). Về chuyện học hành, cụ kể: “Năm tôi 7 tuổi, cha cho tôi theo người anh thứ tư gửi đến ở tại nhà ông Cả Ngươn là thầy dạy chữ Nho, gần bến Rạch Gần làng An Ninh tỉnh Chợ-Lớn bây giờ đặng học chữ Nho…”.

Học được hai năm rưỡi “thuộc và hiểu hết bộ Minh Tâm- Thầy biểu cha tôi kiếm thầy khác mà cho học/ Cha tôi mới rước một ông thầy đem về cất nhà cho ở và kiếm học trò cho ông dạy tại Hóc-Ớt…” (nay là ấp An Phú, xã An Tịnh). Sau đấy, cụ còn được cha gửi xuống làng Thới Tứ (huyện Hóc Môn) để học tiếp, vẫn là chữ Nho.

Bước chuyển sang chữ quốc ngữ xuất hiện từ năm 1868, Vạng Bửu đã 16 tuổi. Khi ấy: “Lòng tôi muốn học chữ quốc ngữ và chữ Lang sa (chữ Pháp) lắm, năn nỉ với cha, thì cha tôi nói rằng: “Buổi này còn ly loạn lắm, giặc giã tứ bề chưa quy nhất thống, nếu bây giờ học chữ Lang sa, đến khi cựu trào phục nghiệp được rồi thì mình phải mang tội tru di tam tộc…”.

Điều cha cụ lo ngại lúc ấy là có cơ sở, bởi mới một, hai năm trước thôi, nghĩa quân Trương Quyền và Pu-kom-pô còn đánh thắng Pháp nhiều trận ở Tây Ninh, sau đó tràn xuống đánh các đồn binh Pháp ở Trảng Bàng và Thuận Kiều, Hóc Môn thuộc Sài Gòn - Gia Định.

Tuy vậy, đến năm 1874 thì về cơ bản, quân Pháp đã đánh bại các nhóm nghĩa quân. Cũng năm ấy, ông Vạng Bửu 22 tuổi, lập gia đình với người vợ ở làng Gia Lộc. Theo ý nguyện của cha mẹ vợ, ông Vạng Bửu về sống tại quê vợ. Tại đây: “Người lối xóm ấp Trùm Tranh xúm lại cất một cái trường, tới cậy tôi dạy chữ Nho cho con họ học, lối ba mươi trò…”.

Bước ngoặt quan trọng chính là từ đây: “Lúc này có học trò ở chợ đi học chữ quốc ngữ, nên tôi lén mướn học trò nhỏ viết vở dạy tôi học thuộc, mỗi bài tôi cho một quan tiền, mỗi tối tôi ráng học và tập viết, viết rồi cho quen, học cho thuộc rồi đốt liền, không dám cho ai thấy hết. Nhất là cha tôi, nếu hay được chắc rầy lắm…”.

Đoạn văn trên cho thấy, vào năm 1874 đã có lớp dạy chữ quốc ngữ ở Trảng Bàng. Và ông Vạng Bửu, tuy là thầy giáo dạy chữ Nho, nhưng đã “lén” học chữ quốc ngữ theo kiểu của ông. Đến năm 1877, ông Vạng Bửu được cử làm chức Thủ bộ làng An Tịnh. Tuy vậy, việc ghi chép nội bộ trong làng có lẽ vẫn dùng chữ Hán.

Do chính quyền Pháp đã có nghị định thay thế chữ Hán bằng chữ quốc ngữ trong các công văn ở Nam kỳ, nên khi có “tờ trát chữ quốc ngữ” gửi đến, thì hương chức làng lại phải nhờ đến ông giáo Nghĩa- một trong hai người biết chữ quốc ngữ ở làng.

Một lần, ông thôn trưởng cho người đi năn nỉ ông giáo Nghĩa ba lần mà ông không tới. Bất bình, ông Vạng Bửu mới phải đọc tờ trát cho thôn trưởng nghe. Lúc bấy giờ, chuyện ông biết chữ quốc ngữ mới bị lộ ra. Từ đó, “ông Thôn không thèm mướn giáo Nghĩa viết bộ đời, sanh tử, hôn thú giao lại cho tôi viết và ăn phần tiền viết bộ luôn…”.

Năm 1882, chính là năm mà Nghị định 82 của Thống đốc Nam kỳ bắt buộc phải chuyển hẳn sang dùng chữ quốc ngữ tại các cơ quan hành chính. Thì ở Trảng Bàng có cuộc “bỏ thăm”- tức bầu Phó cai tổng, tổng Hàm Ninh Hạ. Quan Chánh bố (người Pháp) xuống huyện chủ trì, ứng cử viên có 3 ông, thì 2 ông vẫn chưa biết chữ quốc ngữ.

Trực tiếp quan Chánh bố “khui thăm” và kiểm phiếu. Sau khi có kết quả bỏ phiếu trong tay và tình hình chữ nghĩa của các ứng cử viên, quan Chánh nói: “Ba ông trông ra vẻ đáng làm Tổng hết, ngặt vì mỗi người có ba thăm (phiếu) mà thôi, nên không đủ phép làm.

Xin cảm ơn ba ông. Tiếp đó, “kế nghe kêu: Hương thôn Bửu”/ Tôi dạ, bước vô khoanh tay đứng trước bàn. Quan Chánh hỏi: “Biết chữ quốc ngữ không?/ Bẩm quan lớn, tôi biết/ Ngài rút trong túi áo ra một cái đơn xin khẩn ruộng đưa cho tôi, biểu tôi đọc/ Thú thật rằng: ngày giờ ấy là giờ phước chí tâm linh, nên tôi không sợ sệt, đọc suôn sẻ hơn mọi khi.

Đọc được ba bốn hàng gì đó, Quan Chánh đứng dậy với tay lấy lại cái đơn rồi nói/ Đứng đó cho Quan lớn dạy: Phần hương thôn người ta bỏ cho được 18 thăm, nên Quan lớn cho làm Phó Tổng/ Ngài với lấy giấy băng mộc ký trao cho tôi dặn rằng: “Ráng làm cho hết bổn phận, ngày sau đặng làm lớn hơn…”/ Việc thình lình như giấc chiêm bao…”. Câu chuyện trên cho thấy bước đầu trong chốn quan trường của ông Vạng Bửu chính là nhờ việc ông đã biết chữ quốc ngữ.

Ngoài cuốn Vạng Bửu tự thuật, cũng có thể tìm dấu tích buổi ban đầu của chữ quốc ngữ ở Tây Ninh tại các nhà thờ Công giáo. Như ở nhà thờ Tây Ninh, trên gác chuông còn treo quả chuông do ông bà “Pau Lus Triều Et Anna Mĩ” hiến tặng vào năm 1888.

Đáng ngạc nhiên là trên thân quả chuông được thuê đúc tại nước Pháp này, xuất hiện 3 chữ quốc ngữ TÂY NINH HỘI. Dòng thứ 2: Pau lus Triều ET Anna Mĩ, nếu không kể chữ ET (và) thì cũng là quốc ngữ, vì Pau Lus và Anna là tên thánh phải viết theo chữ Pháp.

Tại nhà thờ Tha La ở phường An Hoà, thị xã Trảng Bàng có vài bia mộ, trong đó mộ ông Tri huyện Nguyễn Văn Viên có bảng đá khắc nửa là chữ Pháp, nửa là quốc ngữ (ông mất năm 1889). Cá biệt nhất, và có thể xa xưa nhất, chính là tấm bia trên mộ ông Côsimô Trí, người được coi là sáng lập họ đạo Tha La từ năm 1837.

Bia mộ bằng đá cẩm thạch khắc những hàng chữ sau: “Côsimô Trí/ Hãn nằm đây/ Công đức cao dày bia tạc nay/ Sáng tạo Tha la đã rõ mặt/ Quỷ quyền câu họ, lãnh đầu tay/ Ghe phen tù rạc, vì danh Chúa/ Muôn nỗi khổ hình, bởi đạo ngay/ Tạ thế Canh Thân (1860)/ Nơi Khám thất/ Anh em giáo hữu chớ quên Người”.

Văn bia với kiểu chữ quốc ngữ cổ, thường được dùng trong các xứ đạo Công giáo thời kỳ đầu, dù đã hơn trăm năm đến nay vẫn còn hiểu được. Trừ vài chữ khó, như “Hãn” là ít, hiếm có, “Câu họ”- câu trong câu thúc là giam giữ. Vậy câu đầu có thể hiểu là: Con người hiếm có ấy nằm đây!

Trần Vũ

Tin cùng chuyên mục