Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh có một ham muốn tột bậc, đó là: “Làm sao cho nước nhà được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Ước nguyện thiêng liêng ấy đã trở thành ngọn lửa soi đường cho cả dân tộc và là lẽ sống suốt đời của Người – vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, một nhà cách mạng kiệt xuất và là biểu tượng cao cả của thời đại.

Hành trình tìm đường cứu nước của một vĩ nhân
Chủ tịch Hồ Chí Minh tên thật là Nguyễn Sinh Cung, sinh ngày 19.5.1890 tại làng Sen, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An – nơi giàu truyền thống yêu nước và hiếu học. Lớn lên trong bối cảnh đất nước bị thực dân Pháp đô hộ, Người sớm nhận ra rằng con đường giải phóng dân tộc không thể đi theo lối mòn của các phong trào yêu nước trước đó.
Ngày 5.6.1911, từ Bến Nhà Rồng, trên con tàu Amiran Latusơ Tơrêvin, Người bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước với khát vọng: “Tôi muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”.
Gần 30 năm bôn ba khắp năm châu, làm đủ mọi nghề để sống và hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh đã tìm thấy ánh sáng chủ nghĩa Mác – Lênin, từ đó xác lập con đường cách mạng Việt Nam: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Người là người Việt Nam đầu tiên đến với chủ nghĩa Mác – Lênin và truyền bá vào trong nước.
Ngày 3.2.1930, với tư cách là đại diện Quốc tế Cộng sản, Người chủ trì hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản ở Việt Nam, sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ đây, cách mạng Việt Nam có được tổ chức tiên phong, có đường lối đúng đắn, có mục tiêu rõ ràng.
Năm 1941, Người trở về nước trực tiếp lãnh đạo cao trào cách mạng, phát động khởi nghĩa toàn dân, đưa đến thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945. Ngày 2.9.1945, tại Quảng trường Ba Đình, Người đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, khẳng định nền độc lập, chủ quyền và khát vọng tự do của dân tộc.
Cả một đời vì nước, vì dân
Thực tiễn hoạt động cách mạng và cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là minh chứng sống động, chân thực nhất về tấm gương suốt đời hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân.
Trước lúc đi xa, trong Di chúc, Người tâm nguyện: “Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Từ đó Người căn dặn “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và vǎn hoá, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Đồng thời, Người nêu lên tâm nguyện cuối cùng là: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới".
Cả cuộc đời, Người chỉ canh cánh một nỗi niềm, một sự ham muốn tột bậc là “Làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta hoàn toàn được tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Chính vì vậy mà Người luôn nhấn mạnh và nêu cao vai trò, trách nhiệm của Đảng trong chăm lo đời sống Nhân dân: “Dân không đủ muối, Đảng phải lo. Dân không có gạo ăn đủ no, dân không có vải mặc đủ ấm, Đảng phải lo. Cậu bé không có trường học, Đảng phải lo... Tất cả mọi việc, Đảng phải lo”.
Cả cuộc đời cách mạng gần tám mươi năm, Người đã chiến đấu chống áp bức bất công, đem lại cuộc sống ấm no cho Nhân dân, cho dân tộc, mưu cầu hạnh phúc cho nhân loại. Người đã hiến dâng cả cuộc đời cho dân tộc, cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Bao năm qua, Di chúc thiêng liêng mà Người để lại, mong muốn của Người đã trở thành kim chỉ nam cho sự nghiệp cách mạng và xây dựng đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Nhà văn hoá kiệt xuất của dân tộc
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một nhà tư tưởng lỗi lạc, mà còn là nhà hoạt động thực tiễn xuất sắc; không chỉ là một chính trị gia vĩ đại, mà còn là một nhà văn hoá kiệt xuất. Những năm tháng hoạt động cách mạng ở nước ngoài, Hồ Chí Minh nghiên cứu và tiếp thu tinh hoa văn hoá phương Tây; viết sách, báo bằng tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga; Người kế thừa truyền thống văn hoá phương Đông, tiếp thu tinh hoa của Nho giáo, Phật giáo…. Đặc biệt, Người tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin, vận dụng, phát triển và làm phong phú chủ nghĩa Mác - Lênin để phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam.
Nhận rõ ý nghĩa lớn lao và vị trí đặc biệt quan trọng của văn hoá, Người chỉ rõ: “Văn hoá phải soi đường cho quốc dân đi”, đồng thời, Người đã trở thành chiến sĩ tiên phong của nền văn học - nghệ thuật, báo chí cách mạng Việt Nam, đấu tranh không mệt mỏi cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, cho công bằng, lẽ phải. Dưới sự lãnh đạo tài tình của Người, cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của Nhân dân ta đã thành công, giành lại độc lập cho dân tộc; đồng thời cũng đã trả lại vị trí xứng đáng cho văn hoá Việt Nam, mở ra một thời đại mới cho nền văn hoá dân tộc.
Tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh là kết tinh của tinh thần nhân đạo, yêu nước, nhân văn cao cả. Người để lại di sản tư tưởng sâu sắc về độc lập dân tộc, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, giáo dục đạo đức cách mạng, và đặc biệt là tinh thần "Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư" mà những năm qua và hiện nay, mỗi cán bộ, đảng viên đều phải học tập và noi theo.
Với những cống hiến xuất sắc của Người cho dân tộc Việt Nam và cho nhân loại tiến bộ trên thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên Hợp Quốc (UNESCO) vinh danh là “Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hoá kiệt xuất của Việt Nam” tại Nghị quyết 24C/18.65, Khoá họp Đại Hội đồng lần thứ 24 tại Paris, từ ngày 20.10 - 20.11.1987.
Hiện nay, tình hình thế giới có nhiều thay đổi và biến động nhanh chóng nhưng vẫn có những giá trị không hề thay đổi, trong những giá trị trường tồn đó có di sản tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Đó là: nhân đạo và hoà bình; Tổ quốc và nhân loại; dân chủ và nhân văn; tự do và hạnh phúc; tinh thần yêu nước và chủ nghĩa dân tộc chân chính; đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư…
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ khi Người đi xa, những giá trị tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị. Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ mãi là ngọn đuốc soi đường, là biểu tượng bất diệt của dân tộc Việt Nam trên con đường dựng xây và phát triển. Tên tuổi và sự nghiệp của Người sẽ sống mãi trong lòng mỗi chúng ta – những người con đất Việt tự hào, biết ơn và luôn nỗ lực không ngừng để viết tiếp trang sử hào hùng của dân tộc.
Kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 - 19.5.2025), trong bối cảnh đất nước đang vững bước tiến vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta càng thêm quyết tâm học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; kiên định con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; khơi dậy khát vọng vươn lên vì một Việt Nam hùng cường, giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu – đúng như mong ước thiêng liêng của Người trước lúc đi xa.
Đăng Anh