Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tủ sách pháp luật cơ sở:
Chưa đáp ứng nhu cầu người đọc
Thứ bảy: 08:43 ngày 14/04/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trong những năm qua, tỉnh ta luôn chú trọng việc xây dựng tủ sách pháp luật (TSPL) ở các xã, phường, thị trấn, nhằm đưa pháp luật đến gần với cuộc sống. Tuy nhiên, trên thực tế, tủ sách pháp luật ở cơ sở vẫn còn nhiều vấn đề cần xem xét.

Cán bộ Tư pháp xã Trí Bình, huyện Châu Thành sắp xếp lại tủ sách pháp luật.

CHƯA PHÁT HUY HẾT VAI TRÒ

Toàn tỉnh có trên 1.050 TSPL được bố trí tại các xã, phường, thị trấn, cơ quan, trường học... Trong năm 2017, các TSPL ở cơ sở đã phục vụ cho khoảng 400.000 lượt cán bộ, chiến sĩ và người dân đến nghiên cứu, tham khảo. Hầu hết các TSPL được bố trí tại bộ phận một cửa, phòng tiếp dân… của UBND cấp xã.

TSPL chủ yếu được giao cho cán bộ Tư pháp - Hộ tịch trực tiếp quản lý. Theo đánh giá của Sở Tư pháp, các địa phương tiếp tục thực hiện tốt việc quản lý sách pháp luật. Bên cạnh đó, các địa phương cũng trang bị đầy đủ bàn ghế phục vụ việc đọc sách tại chỗ cho cán bộ và người dân.

Một số cơ quan, đơn vị còn thực hiện việc luân chuyển sách, như Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch luân chuyển sách cho các TSPL ở cơ sở; huyện Châu Thành thực hiện việc luân chuyển sách giữa các xã, thị trấn với các nhà văn hoá xã; Ban Tuyên giáo huyện Tân Biên luân chuyển sách cho TSPL xã Hoà Hiệp…

Cán bộ quản lý TSPL cũng thường xuyên tuyên truyền cho công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị và người dân địa phương biết về TSPL. Tuy nhiên, việc tuyên truyền về TSPL chưa thật sự “lan toả”, vẫn còn nhiều người dân chưa biết về sự tồn tại của TSPL trên địa bàn cư trú.

TSPL của xã Trí Bình hiện có hơn 1.000 đầu sách, từ Hiến pháp, các bộ luật, luật chuyên ngành đến tài liệu liên quan đời sống sinh hoạt của người dân...

Tuy nhiên, cán bộ Tư pháp xã nhận xét: số lượng người đến đọc và mượn sách tại TSPL của xã có chiều hướng giảm. Ða phần tủ sách chỉ phục vụ cho cán bộ, công chức, viên chức khi có nhu cầu tìm hiểu luật như giải quyết công việc hằng ngày hay phục vụ công tác hướng dẫn, phổ biến pháp luật… Còn hầu hết người dân chỉ “xem qua” mỗi khi có việc đến UBND xã.

Một cán bộ Sở Tư pháp cho biết, thời gian phục vụ của TSPL hầu hết là giờ hành chính, rất thuận tiện cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Tuy nhiên, thời gian này lại chưa thuận tiện cho người dân.

Phần lớn các TSPL tại cơ sở, việc bổ sung thêm đầu sách chưa nhiều và chưa phong phú, chủ yếu là bảng tin tư pháp và tài liệu pháp luật do Sở Tư pháp cấp. UBND các xã, phường, thị trấn không bố trí được kinh phí để bổ sung sách, báo, tài liệu pháp luật mới, đa phần đều chờ sách được cấp, nên chưa thu hút người dân thường xuyên tìm đến TSPL.

Theo vị cán bộ trên, việc tìm hiểu pháp luật thông qua khai thác tủ sách của người dân rất ít, vì không phải ai cũng biết vấn đề cần tìm hiểu nằm trong văn bản pháp luật nào. Trong khi đó, một vấn đề pháp luật lại có thể liên quan đến rất nhiều văn bản pháp luật.

Vì vậy, người dân thường lựa chọn cách trực tiếp đến gặp luật sư, trợ giúp viên pháp lý, công chức Tư pháp - Hộ tịch xã để được tư vấn hướng dẫn. Ngoài ra, với công nghệ phát triển như hiện nay, chỉ cần một “cái click chuột”, người dân có thể tìm được thông tin cần thiết, mà không cần mất thời gian ngồi tra cứu cả một bộ luật...

Ngoài ra, đội ngũ cán bộ phụ trách TSPL tại cơ sở chủ yếu là kiêm nhiệm, việc đầu tư thời gian để sắp xếp tủ sách một cách khoa học hay nghiên cứu tài liệu và hướng dẫn cho người đến mượn sách cũng còn hạn chế.

Ðồng quan điểm với Sở Tư pháp, một cán bộ Tư pháp xã cho biết thêm, cách bố trí TSPL cấp xã hiện chưa hợp lý và cũng chưa thống nhất. Có nơi tủ sách được đặt ở phòng tiếp dân, nơi khác lại đặt ở phòng Tư pháp - Hộ tịch. Trong khi đó, nhiều người dân còn có tâm lý rất ngại đến cơ quan hành chính, còn ngoài giờ làm việc, tủ sách lại không có người phục vụ.

CẦN NHIỀU GIẢI PHÁP HƠN

Dù còn một số hạn chế nhất định, nhưng TSPL cần được duy trì và chú ý phát triển. Bởi vì, TSPL là nơi lưu giữ tài liệu pháp luật để cho cán bộ, người dân khai thác thông tin về pháp luật, nhất là ở vùng sâu, vùng xa nơi chưa có điều kiện khai thác văn bản trên mạng internet.

Sở Tư pháp sẽ tiếp tục thông tin, truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, cơ quan, tổ chức - đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về vị trí, vai trò của TSPL đối với việc thực thi công vụ.

Trên cơ sở danh mục sách, tài liệu pháp luật định kỳ do Bộ Tư pháp hướng dẫn và nhu cầu thực tế, Sở Tư pháp sẽ chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời việc bổ sung, mua sách, tài liệu mới cho các TSPL trên địa bàn; bảo đảm phù hợp, thiết thực, phục vụ trực tiếp nhiệm vụ thực thi công vụ, công việc chuyên môn của cán bộ, công chức và nhu cầu tiếp cận thông tin, tìm hiểu, giải đáp pháp luật của người dân.

Sở Tư pháp cũng sẽ chú trọng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để khai thác, cung cấp các văn bản, tài liệu cho TSPL. Ðối với những nơi đã xây dựng, duy trì các mô hình Tủ sách tự quản, sáng tạo như Tủ sách, ngăn sách, giỏ sách, túi sách tại các ấp, khu phố, tổ dân phố, khu nhà trọ công nhân… sẽ tiến hành đánh giá hiệu quả và rút kinh nghiệm để tiếp tục xây dựng, phát triển mô hình phù hợp với thực tế.

Hy vọng, với nhiều giải pháp được đặt ra thời gian tới, TSPL thực sự là nơi đọc sách của tất cả cán bộ và người dân tại địa phương, trở thành một điều kiện quan trọng trong công tác đưa pháp luật vào cuộc sống.  

PHƯƠNG THẢO - ÐÀO NHƯ

Tin cùng chuyên mục