Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Xã Tân Hà và Tân Thành:
Chưa đủ điều kiện lắp đặt trụ ATM
Thứ sáu: 19:02 ngày 18/02/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Thời gian qua, nhiều cử tri ở 2 xã Tân Hà và Tân Thành (huyện Tân Châu) kiến nghị ngành chức năng lắp đặt trụ ATM để thuận tiện cho việc giao dịch.

Hiện nay, xã Tân Hà phố xá mọc lên, dân cư đông đúc nên có nhu cầu lắp đặt trụ ATM để thuận tiện giao dịch (ảnh minh hoạ)

Một cử tri ngụ xã Tân Hà đang công tác ở cơ quan tỉnh cho biết, nhiều năm qua, cơ quan nơi anh công tác đã trả tiền lương bằng hình thức chuyển khoản qua thẻ ATM. Cuối tuần hoặc những ngày lễ, tết anh về nhà, khi cần chi tiêu cho gia đình thì không thể rút tiền tại địa phương được mà phải di chuyển đến chợ Kà Tum (xã Tân Đông, huyện Tân Châu)- cách nhà gần 10km mới có trụ ATM để giao dịch. “Mong ngân hàng quan tâm, lắp đặt ở xã Tân Hà một vài trụ ATM để người dân đỡ phải nhọc công đi rút tiền”- cử tri này trải lòng.

Liên quan đến vấn đề này, ông Võ Quang Thạnh- Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hà cho hay, hiện nay, nhiều cán bộ, công chức, viên chức ở xã đã được trả tiền lương qua thẻ ATM, nhưng trên địa bàn xã đến nay chưa có trụ ATM nào. Vì vậy, mỗi khi cần tiền trang trải cuộc sống, tất cả những cán bộ, công chức, viên chức phải đi đến xã Tân Đông mới có thể rút tiền được. “Việc sử dụng trụ ATM để giao dịch là nhu cầu chính đáng của nhiều người, đề nghị ngành chức năng quan tâm vấn đề này”- ông Thạnh nói.

Đến nay, trên địa bàn xã Tân Thành cũng chưa có trụ ATM nào hoạt động, trong khi nhu cầu của người dân đối với loại hình dịch vụ này ngày càng cao. Một cán bộ xã Tân Thành chia sẻ, hiện nay ở xã có khoảng 2 ngàn công nhân đang làm việc ở các khu công nghiệp trong tỉnh. Tất cả số công nhân này đều được lãnh đạo công ty, xí nghiệp nơi họ làm việc trả tiền lương, tiền công qua thẻ ATM, nhưng khi về nhà, họ không có trụ ATM nào để rút tiền. Mỗi khi cần tiền tiêu xài, hàng ngàn công nhân này phải tập trung rất đông ở các trụ ATM ngoài địa bàn hoặc phải thuê người khác rút tiền nên rất phiền phức.

Ngoài ra, ở xã còn có cả chục ngàn người dân khác có nhu cầu giao dịch qua hình thức thẻ ATM, nhưng đến nay trên địa bàn xã chưa có dịch vụ này. Vì thế, mỗi khi có nhu cầu giao dịch, người dân phải sử đăng ký sử dụng một số loại hình dịch vụ chuyển tiền khác với chi phí khá cao. Mỗi khi cần, phải vượt quãng đường 17km đến các cơ sở ngân hàng, bưu điện hoặc dịch vụ tư nhân thị trấn Đồng Pan (huyện Tân Châu) mới có thể giao dịch được. “Thực tế này gây tốn kém nhiều thời gian, công sức và tiền bạc của người dân. Kiến nghị ngành chức năng xem xét, lắp đặt trụ ATM để người dân và các tổ chức trên địa bàn giao dịch thuận lợi hơn”, cán bộ xã Tân Thành đề xuất.

Liên quan đến vấn đề nêu trên, UBND tỉnh trả lời, thực hiện chủ trương của Chính phủ về đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế, thời gian qua, ngành ngân hàng ở Tây Ninh đã tích cực triển khai, cung ứng nhiều dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt hiện đại, thuận lợi như dịch vụ thẻ ngân hàng, internet banking, Mobile banking, ví điện tử… Riêng việc trang bị hệ thống ATM, POS, đến nay trên địa bàn tỉnh có 209 trụ ATM và 680 POS. Những loại hình dịch vụ này đã đáp ứng tốt yêu cầu của tổ chức và người dân trên địa bàn tỉnh.

Việc lắp đặt ATM phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin, nguồn điện cung cấp, truyền thông, hệ thống thanh toán điện tử, địa điểm, an ninh, dân cư... Mặt khác, việc lắp đặt trụ ATM, các ngân hàng thương mại phải tính đến hiệu quả hoạt động, vì chi phí lắp đặt và duy trì hoạt động ATM khá lớn nên phải có số lượng giao dịch qua ATM phù hợp để bảo đảm hiệu quả. Việc trang bị ATM các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn do trụ sở chính các ngân hàng xem xét phân bổ cho chi nhánh theo kế hoạch hằng năm.

Địa bàn xã Tân Hà và Tân Thành, huyện Tân Châu chưa đủ các điều kiện để lắp đặt ATM. Do đó, để tạo thuận lợi cho người dân ở vùng sâu, vùng xa của huyện trong giao dịch với ngân hàng, hiện nay, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Châu đang duy trì điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng mỗi tuần/lần tại 6 xã vùng sâu, vùng xa của huyện Tân Châu, trong đó có xã Tân Hà và Tân Thành.

Đại Dương

Tin cùng chuyên mục