Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tem truy xuất nguồn gốc nông sản:
Chưa được quan tâm đúng mức
Thứ hai: 10:22 ngày 16/09/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Gắn tem truy xuất để chứng minh nguồn gốc, chất lượng nông sản là việc làm cần thiết, nhưng hiện hoạt động này chưa được nhiều người tiêu dùng, doanh nghiệp và hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh quan tâm đúng mức.

Phần lớn các sản phẩm nông nghiệp đưa vào siêu thị đều có tem truy xuất nguồn gốc. Ảnh: Thiên Tâm

Hiện nay, ở nhiều địa phương, nông dân đã áp dụng các quy trình sản xuất nông sản an toàn như quy trình GlobalGAP, VietGAP... Tuy nhiên, khi sản phẩm sản xuất theo các quy trình này được đưa ra thị trường, người tiêu dùng không thể phân biệt được với sản phẩm thông thường, hoặc các sản phẩm “nhái”. Do vậy, gắn tem truy xuất để chứng minh nguồn gốc, chất lượng nông sản là việc làm cần thiết, nhưng hiện hoạt động này chưa được nhiều người tiêu dùng, doanh nghiệp và hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh quan tâm đúng mức.

Hàng hoá được tiêu thụ tốt nhờ tem truy xuất nguồn gốc

HTX xoài tứ quý Thạnh Bắc (huyện Tân Biên) là một trong những đơn vị đầu tiên được tỉnh hỗ trợ gắn tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. HTX này trồng xoài tứ quý đạt tiêu chuẩn VietGAP, quy trình sản xuất được các xã viên thực hiện đúng theo tiêu chuẩn nông nghiệp sạch. Mục tiêu của HTX là sản xuất theo hướng hữu cơ, tạo cơ hội cho trái cây Tây Ninh khẳng định được chất lượng của mình trên thị trường và mang lại niềm tin đối với người tiêu dùng. Đầu năm 2019, HTX xoài tứ quý Thạnh Bắc được hỗ trợ gắn tem truy xuất nguồn gốc. Sản phẩm có thương hiệu, lại có tem truy xuất nguồn gốc nên tiêu thụ tốt hơn, từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ, tìm đầu ra ổn định. 

Bà Võ Thị Nuôi (43 tuổi), Chủ nhiệm HTX xoài tứ quý Thạnh Bắc cho biết, sau khi được tỉnh hỗ trợ làm tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, HTX đã triển khai đến các xã viên. Ban đầu chỉ có một số hộ có diện tích lớn dán tem. Dần dà, nhận thấy việc dán tem truy xuất giúp đầu ra của xoài Thạnh Bắc ổn định hơn, có giá bán cao hơn nên đến nay, hầu hết xã viên trong HTX đã thực hiện theo. Hiện chỉ còn lại một số hộ dù sản xuất theo quy trình VietGAP nhưng chưa thực hiện dán tem; và sẽ được HTX hỗ trợ thực hiện trong thời gian sắp tới.

Việc truy xuất nguồn gốc chia thành các giai đoạn: Quản lý, nhận diện, truy xuất nguồn gốc nông sản từ khi sản phẩm được sản xuất ở cơ sở đến giai đoạn thu hoạch, vận chuyển, kinh doanh qua các hệ thống.

Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị Co.opMart Tây Ninh.

Nghĩa là, nông sản khi đưa đến người tiêu dùng sẽ được dán tem có mã vạch, người tiêu dùng sẽ dùng một phần mềm ứng dụng cài đặt sẵn trên điện thoại để quét tem dán tại bao bì của sản phẩm và biết được các thông tin về nguồn gốc sản phẩm đó như thông tin về cơ sở sản xuất, quá trình chăm sóc, được nuôi trồng theo phương pháp nào, có chứng nhận an toàn hay không...

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), toàn tỉnh chỉ mới có 2 đơn vị là Công ty TNHH Sáu Như Một và HTX xoài tứ quý Thạnh Bắc (địa chỉ tại huyện Tân Biên) được tỉnh hỗ trợ gắn tem truy xuất nguồn gốc khi thực hiện việc gắn tem truy xuất nguồn gốc hàng hoá, quá trình lưu thông sản phẩm được dễ dàng hơn, dễ tạo được niềm tin với người tiêu dùng.

Còn nhiều băn khoăn

Mặc dù việc dán tem truy xuất nguồn gốc được đánh giá cao về hiệu quả kinh tế, nhưng trên thực tế, hiện nay, nhiều cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh vẫn chưa chủ động tham gia và nếu muốn tham gia thì vẫn còn những yêu cầu chưa đạt. 

Đơn cử như tại HTX sản xuất, thương mại, dịch vụ nông nghiệp Phước Ninh. Hiện nay xã viên của HTX sản xuất nhiều hàng hoá theo thực hành sản xuất nông nghiệp sạch, hướng tới xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm ổi ruột đỏ, khô cá lóc, cá nạo, măng chua; thúc đẩy việc hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Nhưng cho đến nay, các mặt hàng vẫn chưa đăng ký thương hiệu nên không thể tiến hành dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến giá bán các mặt hàng chưa cao, đầu ra chưa ổn định.

Bên cạnh đó, nhiều HTX cũng cho biết, việc gắn tem truy xuất nguồn gốc còn gặp nhiều cái khó như: chi phí cao; các nhà vườn khó liên kết ghi chép và lưu trữ hồ sơ trong quá trình sản xuất; nhiều cơ sở sản xuất, HTX còn lạc hậu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin khiến một bộ phận nông dân chưa mặn mà với việc gắn tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm.

Không chỉ sản xuất, nhiều người tiêu dùng cũng chưa quan tâm đến vấn đề này. Khi mua, người tiêu dùng có tâm lý “mua hàng ở chỗ uy tín” nên yên tâm, không để ý đến việc kiểm tra xuất xứ cũng như các thông tin về sản phẩm từ tem truy xuất nguồn gốc.

Nhân viên Công ty TNHH Sáu Như Một ghi chép và nhập dữ liệu truy xuất nguồn gốc.

Chưa kể, nhiều ứng dụng trên điện thoại dùng để quét mã vạch hoạt động không được ổn định. Phóng viên đã thử sử dụng một ứng dụng quét mã vạch của sản phẩm thịt heo, thịt gia cầm, trứng. Tuy nhiên, sau nhiều lần truy cập, ứng dụng này liên tục báo lỗi, không hoạt động được.

Có thể khẳng định, việc dán tem truy xuất nguồn gốc hàng hoá cho nông sản cho thấy, có lợi ích cho nhiều bên. Thế nhưng, trên thực tế, số lượng nông sản và các sản phẩm khác được sản xuất trên địa bàn tỉnh được dán tem truy xuất còn rất hạn chế. Truy xuất nguồn gốc là xu thế tất yếu trong sản xuất hàng hoá hiện đại.

Do đó, để phát huy tối đa hiệu quả của việc gắn tem truy xuất nguồn gốc cho hàng hoá, tăng giá trị kinh tế, các cơ quan chức năng cũng như nhà sản xuất cần có giải pháp đẩy mạnh thực hiện truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm. Bên cạnh đó, Nhà nước cần tiếp tục có cơ chế khuyến khích các cơ sở tạo dựng thương hiệu và áp dụng QR code để truy xuất nguồn gốc, góp phần khuyến khích sản xuất sản phẩm sạch, bảo đảm an toàn, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Vũ Nguyệt

Một trong những rủi ro lớn nhất khi sản xuất nông nghiệp của người dân hiện nay chính là ở khâu đầu ra. Nguyên nhân chính là người sản xuất nông nghiệp không tiếp cận được với các nhà tiêu thụ lớn vì không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của nông sản. Các doanh nghiệp lớn hoặc các nhà nhập khẩu nông sản ở nước ngoài cũng như nhiều doanh nghiệp trong nước có yêu cầu rất cao về thông tin của sản phẩm.

Sự minh bạch trong quá trình sản xuất chính là cơ sở để chứng minh được sản phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn cho người dùng. Chính vì vậy, thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm là một trong những việc mà người sản xuất cần làm hiện nay.
Tin liên quan