Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Bệnh viện Y dược cổ truyền:
Chưa nghiệm thu đã xuống cấp
Thứ ba: 23:47 ngày 03/10/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Bề ngoài công trình trông khá khang trang, thực tế thì ngược lại, ngoài dãy nhà lầu, khuôn viên rộng, các phòng, khoa đều xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khoẻ người bệnh.

Mỗi ngày, Bệnh viện YDCT Y dược cổ truyền tiếp nhận khám và điều trị cho hơn 200 lượt bệnh nhân nội trú

Bệnh viện Y dược cổ truyền Tây Ninh (YDCT) được đưa vào sử dụng năm 2014. Sau 10 năm hoạt động, các hạng mục công trình đã xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân. Điều đáng nói, dự án xây dựng bệnh viện đến nay vẫn chưa được nghiệm thu, quyết toán.

Chỗ nào cũng nứt nẻ, bong tróc, rỉ nước 

“Tường ẩm mốc, xuất hiện hàng trăm vết nứt; trần nhà dột, thấm nước, lớp la phông bị võng từ ngoài hành lang cho đến phòng bệnh nhân. Chúng tôi điều trị ở đây mà cứ nơm nớp lo sợ bị bể đầu, trượt chân lúc nào không hay. Chỗ nào cũng rò rỉ nước, rêu bám trên tường, từ phòng bệnh đến nhà vệ sinh, trong khi hệ thống cấp nước thỉnh thoảng lại nghẽn...”- ông Trần Hùng Văn (58 tuổi, xã Suối Ngô, huyện Tân Châu), một bệnh nhân đang điều trị tại đây cho biết.

Không chỉ ông Văn, hầu hết bệnh nhân đang điều trị nội trú, ngoại trú cũng bức xúc với hiện trạng xuống cấp trầm trọng tại bệnh viện. Ông Nguyên (57 tuổi, phường IV, thành phố Tây Ninh) đang điều trị ngoại trú tại Khoa Phục hồi chức năng, bày tỏ: “Nước nóng ở đây nghẽn liên tục. Nhiều ngày liền đến phòng ngâm chân mà không có nước nóng, chúng tôi phải về. Nhà vệ sinh cũng vậy! Tường ẩm mốc, lớp gạch men bị đóng rêu. Nước từ các ống rỉ xuống liên tục”.

Chị Nguyễn Ngọc Hồng (43 tuổi, phường 2, TP.Tây Ninh) cho biết: “Tôi suýt ngã trong nhà vệ sinh vì nền gạch trơn trợt, nước bẩn cứ rỉ trên đầu. Tường có dán lớp gạch men chống thấm nhưng vẫn bị thấm nước. Không chỉ vậy, nằm ở phòng châm cứu mà nước đâu cứ nhỏ xuống mặt”.

Bên trong các khu khám chữa bệnh, khoa, phòng xuất hiện các vết nứt loang lổ, chạy dài ở nách cột và các vách tường, trần la phông, sảnh; sàn thấm nước, tường bong tróc, cửa kính hư hỏng, nền hành lang, khu vệ sinh bị sụp lún. Một số phòng nội trú thấm dột, cửa phòng, quạt trần, đèn, trang thiết bị vệ sinh hư hỏng nặng, có phòng phải ngưng hoạt động, di dời giường bệnh qua phòng khác để bảo đảm an toàn cho bệnh nhân.

Nhân viên tại đây cho biết thêm, chuyện chập điện, cháy nổ bóng đèn xảy ra thường xuyên do rò rỉ nước từ tầng trên thấm xuống la phông. “Ở đây, mỗi ngày có hàng trăm người đến khám và điều trị. Nhiều lúc, bác sĩ và bệnh nhân phải chạy ra ngoài vì bóng đèn bị chập điện, phát nổ. Chưa kể đến việc, tầng trệt bệnh viện chỉ còn một nhà vệ sinh, cả nam và nữ đều phải đi chung, dẫn đến tình trạng quá tải, bốc mùi khó chịu”- một nhân viên bệnh viện bức xúc.

Nhà vệ sinh bị thấm nước làm ố trần, tường.

Nhiều chỗ trong bệnh viện bị hư hỏng, nứt, dột, thấm la phông, bong sơn tường.

Tính từ đầu năm 2023, Bệnh viện YDCT có 400- 500 lượt người bệnh được chăm sóc điều trị bằng các dịch vụ kỹ thuật phục hồi chức năng và y học cổ truyền, như: châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, ngâm thuốc YHCT, điện trị liệu, tập vận động phục hồi chức năng... Theo thống kê của bệnh viện, nhiều năm nay, trung bình mỗi ngày có gần 200 lượt bệnh nhân điều trị nội trú, trong khi bệnh viện chỉ có 150 giường.

Hệ thống phòng cháy chữa cháy- Có như không!

Bệnh viện YDCT Tây Ninh được xây dựng từ năm 2012, tổng kinh phí đầu tư hơn 72 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh, do Sở Y tế làm chủ đầu tư. Công trình được xây dựng trên diện tích 6.738,56m2, quy mô 100 giường bệnh, với 25 hạng mục bao gồm các khối khoa, phòng khám, điều trị, sân nền, cổng, hàng rào, nhà bảo vệ, nhà xe, hệ thống điện, chống sét, hệ thống cấp thoát nước, xử lý nước thải, rác thải y tế, điều hoà không khí và hệ thống phòng cháy chữa cháy, báo cháy tự động... Đến năm 2014, công trình được bàn giao đưa vào sử dụng.

Bề ngoài công trình trông khá khang trang, thực tế thì ngược lại, ngoài dãy nhà lầu, khuôn viên rộng, các phòng, khoa đều xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khoẻ người bệnh.

Các đoạn ống nước PCCC không kết nối với ống chính ở các phòng, khoa và trạm bơm nước.

Đặc biệt là hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC). Theo ghi nhận, ở mỗi tủ PCCC được trang bị thiết bị PCCC cơ bản như bình cứu hoả, cuộn vòi chữa cháy, lăng phun, hệ thống báo cháy tự động… nhưng hầu hết đều không hoạt động. Các đoạn ống nước chính đặt nổi trên trần nhà, không có khớp nối ống lại với nhau từ trong ra ngoài trạm cấp nước.

Bác sĩ Võ Thanh Long- Giám đốc Bệnh viện YDCT thừa nhận sự xuống cấp trầm trọng của cơ sở vật chất tại bệnh viện. Ông cho biết, từ khi nhận bàn giao, công trình vẫn chưa được nghiệm thu, quyết toán. “Bệnh viện YDCT là đơn vị thụ hưởng, trực tiếp sử dụng. Tuy nhiên, đến nay công trình chưa được nghiệm thu, chúng tôi không thể tự ý bảo trì, sửa chữa”.

Ông cho biết thêm: “Quy mô bệnh viện hiện có 150 giường bệnh, thực tế lúc nào cũng quá tải. Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị sửa chữa, trang bị thêm một số máy móc, thiết bị nhưng chưa được phê duyệt”.

Giám đốc Bệnh viện YDCT đề nghị chủ đầu tư, đơn vị nhà thầu và ngành chức năng có giải pháp đầu tư, sửa chữa, nâng cấp bệnh viện trong thời gian sớm nhất; trước mắt, Bệnh viện YDCT cho sửa chữa một số hạng mục nhỏ, tận dụng tối đa diện tích nội khu nhằm bảo đảm an toàn, sạch sẽ để phục vụ người bệnh.

Tháng 1.2023, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Tây Ninh có buổi khảo sát hệ thống PCCC tại Bệnh viện YDCT. Theo biên bản khảo sát, hệ thống PCCC gồm bể nước ngầm PCCC 60m3 và đài nước 20m3, trạm bơm, khung sắt mái lợp tôn không có vách bao quanh, diện tích nhà bơm nhỏ không bảo đảm theo tiêu chuẩn hiện hành. 3 máy bơm gồm: 1 bơm diesel, 1 bơm điện, 1 bơm bù áp không hoạt động, các tem kiểm định PCCC dán trên máy bơm đã mờ, không có chứng từ gốc. Tủ điện điều khiển bơm hư hỏng.

Kiểm tra đường ống cấp nước PCCC, các đoạn ống chính đặt âm dưới đất đã được thay thế bằng đường ống nổi nhưng chưa hoàn chỉnh, chưa kết nối vào các hệ thống đường ống trong nhà của các khối nhà. Hệ thống báo cháy tự động không hoạt động, các đầu báo không có tem kiểm định dán trên thiết bị, không có chứng từ gốc. Đầu báo khói các khối nhà khác hãng sản xuất dẫn đến không tương thích khi kết nối về tủ trung tâm báo cháy chung. Trung tâm báo cháy không còn hoạt động. Các đèn chiếu sáng khẩn hư hỏng, bình chữa cháy xách tay đã hết hạn sử dụng.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Tây Ninh kiến nghị đầu tư sửa chữa hệ thống PCCC bảo đảm hoạt động; đồng thời, sửa chữa cải tạo khu vực khối hành chính và khối nội trú, như: cải tạo, sửa chữa các khu vệ sinh, chống thấm trên mái, thay trần tole lạnh trệt và trần dưới các khu vệ sinh, thay gạch nền các vị trí bị sụp lún, sửa chữa hệ thống điện ở khu vực hai khối hành chính và điều trị.

Tâm Giang

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh