Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Chùa Trung
Thứ tư: 15:55 ngày 28/02/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Người Tây Ninh vẫn quen gọi thế với ngôi chùa đầu tiên sẽ gặp khi đến viếng núi Bà Đen.

Chùa Trung Tết Mậu Tuất.

Vâng, dù đi từ cổng nào, chính hay phụ thì ta cũng sẽ gặp chùa Trung trước nhất. Chùa ở ngay kia, góc ngã ba- một lối đi bộ, một lối ra nhà ga cáp treo lên núi. Góc ngã ba ấy nổi bật một tượng đài. Chữ khắc ở bệ tượng là Dũng sĩ núi Bà Ðen. 

Trên bệ là tượng hai chiến sĩ, vũ khí trong tay tư thế sẵn sàng chiến đấu. Tượng ấy được tạc ra từ nguyên khối đá núi Bà. Chính là chùa Trung đã cắt một góc đất vườn chùa cho Ban Quản lý Khu Du lịch núi đặt tượng. Dẫu vô tình hay cố ý thì cây cối vườn chùa đã trở nên một tấm phông xanh cho tượng đài nổi bật màu đá xám. Bên kia con đường, vào mùa xuân thường tươi rói những chùm hoa tím bằng lăng.

Núi Bà Ðen trở thành khu du lịch cấp quốc gia với trọng điểm là du lịch sinh thái, văn hoá và tâm linh lễ hội. Các ngôi chùa trên núi đã trở thành những hạt nhân của quy hoạch phân khu lễ hội- tâm linh. Nếu như trên cao độ trên 225 mét, điểm nhấn là chùa Bà và Ðiện Bà, thì dưới chân núi, ngay trong Khu du lịch núi Bà sẽ là chùa Trung- bây giờ đã trở thành một địa chỉ quen thuộc nhất đối với phật tử và khách hành hương đến núi.

Vâng! Còn gì thú vị hơn khi được ngồi trong khu vườn rộng rãi, rợp bóng bồ đề ngay bên trái ngôi chùa. Ở đấy có vườn tượng kỷ niệm ngày thái tử Tất Ðạt Ða vừa mới sinh ra đã bước đi 7 bước, làm nở theo 7 đoá sen hồng… Cũng tại đây, có thể tựa lưng ghế đá, ngắm ngược qua những đầu đao mái chùa thấy lưng núi xanh lam, bừng tươi dưới nắng.

Sân chùa rộng, mấy tầng bậc cấp, loanh quanh lối đá xuống, lên. Có lẽ, các nhà thiết kế khu quy hoạch chân núi này đã lấy chùa Trung làm hạt nhân, làm trung tâm để phát triển các khu vực chức năng hợp lý bao quanh. Nào công viên 12 con giáp trên vệ cỏ xanh phía trước chùa, trải ra đến công viên rừng với hồ nước và rừng dương trước mặt.

Qua rừng ấy sẽ là di tích kháng chiến động Kim Quang và tịnh xá Ngọc Truyền. Qua cổng chùa Trung, theo đường bộ lên núi lần lượt sẽ là tượng đài Người giữ núi, tháp Vãng Sanh, công viên đồi Thần Tài, Bảo tàng núi Bà Ðen…

Và không ai lại không thấy bước chân mình chậm lại khi bước qua chiếc cầu cong có cây sung già đứng giữa, trên thân, cành treo đầy những chùm trái đỏ, trái xanh. Nước reo róc rách dưới chân cầu là nước suối Vàng. Dòng suối quanh co như còn lưu luyến cảnh chùa Trung, trước khi trở thành suối Lâm Vồ chảy trong lòng TP. Tây Ninh.

Chùa Trung có tên chữ là Linh Sơn Phước Trung, giống như trên sân núi Ðiện Bà có Linh Sơn Tiên Thạch tự mà người Tây Ninh quen gọi chùa Bà. Chùa Trung có tự năm nào, hiện không có tài liệu nào ghi chép. Có chăng là vài sự kiện liên quan đến chùa. Như ngay ở ngoài cổng chùa có bảng đá ghi: “Di tích lịch sử chùa Trung: Năm 1946 tại đây UBHC KC Tây Ninh mở hội nghị với sự tham dự của 20 xã…”.

Cũng xin nhớ cho là năm ấy, Tây Ninh mới chỉ có 2 quận Trảng Bàng, Châu Thành, và không phải tất cả các xã đã có lực lượng vũ trang, sau mấy tháng giành được chính quyền ngày 25.8.1945. Về sự kiện này, sách Lịch sử Ðảng bộ tỉnh Tây Ninh (1930-2005).

Nxb Chính Trị Quốc Gia năm 2010 có đoạn: “giữa tháng 1.1946,… tình hình càng trở nên khó khăn… các đồng chí đã mời 20 đại biểu các xã nông thôn lên núi Bà họp trao đổi cụ thể tình hình và hướng dẫn cách tránh né các mũi càn quét của giặc, từng bước xây dựng cơ sở kháng chiến…” (trang 82).

Cuộc họp này đã: “thống nhất tổ chức một đại đội khoảng 100 chiến sĩ và 70 súng giao cho đồng chí Trần Văn Ðẩu và Nguyễn Công Bằng phụ trách…”. Ðây cũng chính là đơn vị tiền thân của Chi đội 11 Tây Ninh, bởi chẳng bao lâu sau, đơn vị đã có quyết định thành lập Chi đội vào ngày 5.3.1946, thuộc Khu 7- miền Ðông Nam bộ. Vậy cũng có thể nói chùa Trung là nơi ra đời đầu tiên của lực lượng vũ trang tỉnh nhà.

Ðến đây, xin chép lại đoạn văn tả khung cảnh xưa của chùa Trung hồi năm 1880. Ðấy là khi hoà thượng Tâm Hoà từ Long An đến núi lần đầu năm ngài 19 tuổi. Tác giả Phan Thúc Duy là người trực tiếp chép lại theo lời kể của hoà thượng từ năm 1930: “Ngài đi đến chơn núi đã xế chiều, ghé lại chùa Trung thay đổi y phục vào bái yết Như Lai, đoạn dùng bữa cơm chiều… Ra trước chùa dòm lên chót núi, thấy mây lành năm sắc phủ che, vừng kim ô vừa khuất đầu non, cảnh lợt sắc nhuộm màu cang thêm rạng vẻ, phong quang dường gấm khảm thêm vàng, hoa chen lá, lá chen hoa, phi phất mùi hương đưa trước gió, hơi bay ngào ngạt đong đưa, bủa kiến ửng thêm màu, réo rắc đầu cành chim hót… tứ bề từ gộp đá phủ từng ngang ẩn bóng khuất tàng cây mờ tỏ, cây giăng nhánh, nhánh giao tàng tợ lọng, che khách thừa nhàn lai vãng du san…”.

Cảm ơn tác giả với đoạn văn rất văn vẻ này, đủ cho ta hình dung về phong cảnh chùa Trung từ khoảng 140 năm trước. Nhưng cũng cần cảm ơn về mốc thời gian ít ỏi trong đó, đủ cho ta biết rằng, chùa Trung đã có từ trước 1880 (có lẽ cùng thời với Phước Lâm tự 1871).

Cũng “phăng” ra từ cuốn sách nhỏ này mà người ta được biết sư tổ Tâm Hoà sinh năm Tân Dậu (1861), tại làng Nhật Tảo, tỉnh Tân An (nay là Long An). Ngài đến núi Bà tu hành từ năm 19 tuổi, tức 1880 hoặc 1879. Năm 1930 thì được tấn phong hoà thượng. Ngài “thị tịch” ngày 8.1 năm 1973, thọ 77 tuổi.

Những năm đầu đến núi, hoà thượng tu trì tại chùa Trung, làm lụng không ngừng, không chỉ trong chùa mà cả con đường lên núi. Ðấy là đoạn: “Ngài làm công việc cho chùa trọn hai năm, công khó biết bao, lớp mở đường lót thêm cho bằng phẳng. Con đường từ dưới đất bằng chạy dài theo triền núi lên đến Ðiện Bà, đi rất dễ, không gập ghình, còn mấy chỗ hủng thì lót thêm mấy cục đá cho tiện việc lên xuống, nhờ có một tay của ngài không biết tiếc công khó nhọc, nên ngày nay mới đặng như vậy…”.

Nhớ công đức của sư tổ Tâm Hoà, từ nhiều năm nay, Tỉnh hội Phật giáo chọn chùa Trung để tổ chức đại giới đàn cho tăng sinh đến từ nhiều tỉnh miền Nam. Ðể phục vụ cho công việc hệ trọng này, chùa Trung đã có thêm một công trình mới. Ðấy là giảng đường Tâm Hoà, do Ni trưởng Thích Nữ Diệu Nghĩa chủ trì xây dựng, hoàn thành tháng 12.2016.

Từ chùa Trung nhìn lại sẽ thấy ngay toà kiến trúc đường bệ 3 tầng ấy có màu vàng rực như sắc áo cà sa, nổi bật như một bông sen vàng mọc trên mép nước suối Vàng. Ðến gần hơn sẽ thấy những vòm cong duyên dáng của hành lang, với những hoạ tiết phù điêu hoa lá vân mây tinh tế và đặc sắc. Mái chỉ vuốt nhẹ cong nổi bật giữa nền trời.

Vậy nên, dù kiến trúc lớn với bề ngang 18m, bề dài 48m vẫn cho người xem một cảm giác nhẹ nhàng, thanh thoát. Vào tới bên trong, du khách sẽ càng ngưỡng mộ hơn với các tấm phù điêu trang trí trên tường cao. Ðấy là sự mô tả các vị sư tổ nổi tiếng trong Phật giáo, như các vị A Nan, Ca Diếp…

Leo lên lầu 1, quay lại ngắm cảnh chùa Trung sẽ thấy ngôi chùa ấy với những thềm son, mái đỏ, đầu đao nóc mái rực vàng những phượng múa, rồng bay nổi bật giữa trập trùng xanh tươi của rừng cây. Và xa kia là sườn núi Bà Ðen ưng ửng vàng hoa xoài mùa giáp tết. Người đi hành hương hội xuân núi Bà, ai mà không lưu luyến cảnh chùa Trung?

TRẦN VŨ

Tin cùng chuyên mục