Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Chùa xưa mang tên làng Thanh Phước
Chủ nhật: 20:39 ngày 19/11/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Theo Từ điển địa danh hành chính Nam bộ của Nguyễn Đình Tư, Thanh Phước là thôn thuộc tổng Mỹ Ninh, huyện Quang Hoá, phủ Tây Ninh, tỉnh Gia Định từ năm Minh Mạng thứ 19. Gắn với việc lập làng là hình thành các thiết chế văn hoá - tín ngưỡng để phục vụ cư dân.

Chùa Linh Sơn Thanh Lâm (huyện Gò Dầu).

Sau 30.4.1975, Thanh Phước là một xã thuộc huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh (Nxb Chính trị quốc gia, trang 1.117). Hiện nay, tại khu phố Nội Ô, thị trấn huyện Gò Dầu còn hai ngôi cổ tự, ghép chữ đầu của mỗi hiệu chùa là tên làng Thanh Phước xưa. Đó là chùa Thanh Lâm (Linh Sơn Thanh Lâm) và chùa Phước An (sau đổi lại là chùa Bửu Nguyên).

CHÙA THANH LÂM

Từ Phan Rang - Tháp Chàm, ông Chế Văn Hưng là người Chăm cùng với các lưu dân trong cuộc Nam tiến đến khai hoang mở đất ở làng Thanh Phước (nay thuộc huyện Gò Dầu). Ông lên núi Bà Đen (Tây Ninh) xuất gia với tổ Thanh Thọ - Phước Chí ở chùa Linh Sơn Tiên Thạch, được tổ ban cho pháp huý Trừng Long - pháp danh Chơn Thạnh nối đời thứ 42 thuộc phái Thiền, chi phái Lâm Tế, dòng đạo Liễu Quán.

Sau thời gian học đạo với tổ, năm Ất Sửu (1865), Hoà thượng Trừng Long về lại làng Thanh Phước cất am tranh tu hành, hoằng đạo. Đến năm Bính Dần (1926), am tranh được hoà thượng phát triển lớn thành chùa và đặt hiệu là “Linh Sơn Thanh Lâm”, trong đó “Linh Sơn” để nhắc nhớ về gốc tích từ chùa Linh Sơn Tiên Thạch, “Thanh Lâm” có nghĩa là rừng xanh bởi khi xưa tổ về đây khai phá rừng hoang để lập chùa, như người xưa có câu “Sơn trung tức phiền não/ Lâm hạ xuất già lam” và “Thanh” là chữ đầu của tên làng.

Đến nay, chùa Linh Sơn Thanh Lâm đã trải qua 5 đời trụ trì, từ Hoà thượng Trừng Long đến Hoà thượng Trừng Hào, Như Ngọc - Thiện Châu, Hồng Vinh - Huệ Lạc và nay chùa do Đại sư Thích Huệ Trí trụ trì. Các thế hệ luôn tuân thừa tổ đức huấn thị “Tông đường Chế tộc kế vị thiền môn, tiền hậu tử tôn hành trì Phật đạo, lợi lạc quần sanh”.

Nhiều truyền nhân của tộc họ Chế đã xuất gia, xây dựng và trụ trì nhiều chùa chiền ở vùng đất Tây Ninh, như Hoà thượng Huệ Tâm ở chùa Long Sơn, Hoà thượng Quảng Ngộ chùa Hồng Phước, thành phố Tây Ninh; Đại đức Thiện Chơn ở chùa Quan Âm, huyện Châu Thành; Đại đức Thiện Pháp ở chùa Bảo Pháp, huyện Gò Dầu; Đại đức Thiện Nghĩa ở chùa Thiền Lâm (Gò Kén), thị xã Hoà Thành.

Chùa Bửu Nguyên (xưa là chùa Phước An, Gò Dầu)

Là ngôi chùa tổ của tộc họ Chế ở Tây Ninh, chùa có ban thờ 16 vị tiên vương Chế tộc của nhà nước Chiêm Thành (Chăm Pa), ban thờ tộc họ Chế (Tây Ninh) và gìn giữ được quyển gia phả do Hoà thượng Trừng Long biên soạn. Chư tăng chùa Linh Sơn Thanh Lâm rất chú trọng đến việc tiếp tăng độ chúng, biên soạn kinh sách, tiêu biểu có các tác phẩm Công văn thiền môn (1869) và Thông môn nhật dụng (1889) do Hoà thượng Chơn Thạnh viết bằng chữ Nho.

Ở chùa còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị lịch sử gắn liền với ngôi chùa như mộc bản, hệ thống tượng thờ bằng gỗ, kinh sách, sớ văn, các dụng cụ làm đồ đàn… Đây là điểm đặc biệt của Phật giáo nơi vùng đất Tây Ninh, vì phần lớn người Chăm sinh sống ở Tây Ninh theo đạo Hồi, nhưng tộc họ Chế đã quy y theo đạo Phật và có nhiều đóng góp trong việc hoằng pháp độ sanh.

CHÙA PHƯỚC AN

Nguyên trước đây, có hai người nữ quê ở Gò Dầu quy y với Hoà thượng Như Ngọc - Thiện Châu ở chùa Thanh Lâm. Hai người cùng tu học và có chí nguyện lập chùa, một người tên là Lâm Thị Dưa (bà Ba Dưa) hiến đất cất chùa, một người thường gọi là bà Sáu Thiên đứng ra lập chùa. Hai bà thỉnh ý Hoà thượng Như Ngọc đặt hiệu chùa, Hoà thượng đặt là “Phước An” với ngụ ý chữ “Thanh” của hiệu chùa Thanh Lâm và chữ “Phước” của chùa Phước An ghép lại là tên của làng Thanh Phước, nơi hai ngôi chùa toạ lạc.

Về sau, hai bà đi vân du hoá đạo, bà Ba Dưa về làng An Hoà (Trảng Bàng) lập chùa Hoà Lâm, còn bà Sáu Thiên đến núi Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) cất am tu hành. Trước khi rời chùa, hai bà có mời Ni sư Diệu Đức, là đệ tử của Hoà thượng Giác Phú, từ chùa Linh Sơn Tiên Thạch về trụ trì chùa.

Ni sư cùng đệ tử là thầy Chánh Quang về tu học và hoằng pháp độ sanh ở chùa, đổi hiệu chùa từ “Phước An” thành “Bửu Nguyên”. Năm 1948, bà Lâm Thị Dưa cùng chồng là ông Trần Giang đã làm tờ hiến đất để hiệu chùa Bửu Nguyên làm chủ vĩnh viễn, có sự chứng kiến của Hương quản, Hương hào, Xã trưởng làng Thanh Phước và chính quyền địa phương tổng Mỹ Ninh, tỉnh Tây Ninh.

Đến nay, chùa Bửu Nguyên đã trải qua 4 đời trụ trì, từ Ni sư Hồng Cẩm - Diệu Đức truyền đến Đại sư Chánh Quang, Thượng toạ Nhuận Minh - Định Phát và nay do Đại đức Thích Huệ Đạt trụ trì.

Tổ đường chùa Linh Sơn Thanh Lâm.

Đặc biệt, vào thời Đại sư Chánh Quang, ngài nổi tiếng là vị tăng tài, từng cầu pháp với Hoà thượng Giác Điền ở chùa Linh Sơn Tiên Thạch, được ban pháp hiệu Tịnh Viên. Sau khi kế thế trụ trì chùa Bửu Nguyên, ngài phát nguyện viết kinh “Diệu Pháp Liên Hoa” bằng máu của mình. Sư Chánh Quang nhập thất, cắt máu hoà với rượu để viết kinh Pháp Hoa.

Sau 3 năm, bộ kinh bằng chữ Nho đã được viết hoàn thành, gồm 7 quyển. Bộ kinh hiện được đặt thờ tại chánh điện chùa. Ngoài ra, khi đúc đại hồng chung của chùa, đúc mãi đồng không đặc, sư Chánh Quang cũng đã cắt máu của mình nhỏ vào thì đồng mới đặc, việc đúc chuông hoàn thành viên mãn, hiện nay chuông vẫn còn được lưu giữ ở chùa.

Bộ kinh và đại hồng chung được xem là “pháp bảo tôn kinh” của chùa. Qua những sự kiện này, nhiều tín đồ cảm mến đạo hạnh của ngài, thường xuyên lui tới viếng chùa. Đây cũng là một nét độc đáo của Phật giáo Tây Ninh nói chung và chùa Bửu Nguyên nói riêng về công hạnh và sự tu tập của các tổ xưa.

Chùa Linh Sơn Thanh Lâm, chùa Bửu Nguyên cùng với đình Thanh Phước, Thanh An cung của cộng đồng người Hoa là những thiết chế văn hoá - tín ngưỡng của làng Thanh Phước xưa. Với những sự kiện Phật giáo được lưu truyền đến hậu thế và đóng góp của các vị thiền sư, cùng với các di tích còn đang hiện hữu là một mảnh ghép của lịch sử - văn hoá vùng đất Gò Dầu nói riêng và Tây Ninh nói chung.

Phí Thành Phát

Tin cùng chuyên mục