Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Chùa Phước Lâm có lẽ là ngôi duy nhất trong Thành phố còn giữ được “hồn xưa bóng cũ” của Phật giáo Tây Ninh thời mở đất. Sau kiến trúc mặt tiền ở hành lang trước với tầng lầu, tô đá rửa ở thập kỷ 60 thế kỷ trước; vẫn còn lại những cột, kèo gỗ nâu đen bóng và mấy lớp mái chùa lợp ngói âm dương khấp khểnh sạm màu rêu mốc.
Chùa Phước Lâm.
Nếu bạn đến Tây Ninh thật ít ngày, thì sau những địa điểm không thể không tới như núi Bà, Toà Thánh, bạn sẽ đi đâu trong những giờ ít ỏi còn lại? Chùa xưa trong thành phố là một gợi ý, nếu bạn là người ưa viếng các cảnh chùa. Và không gì hơn là đến các ngôi chùa cổ, ít ra là chúng đã có hơn trăm năm lịch sử, thăng trầm cùng với con người và miền đất; băng qua đói nghèo và các cuộc chiến tranh bảo vệ quê hương. Rồi cũng lớn lên khi đất nước lớn lên.
Nếu ở khách sạn Sunrise trên đường Hoàng Lê Kha, bạn có thể thả bộ tới ngôi chùa được gọi là Hiệp Long cổ tự. Ra khỏi cổng khách sạn quẹo trái, đi thêm chỉ độ 400m thôi. Nếu đứng trên tầng cao của Sunrise- tốt nhất là từ cà phê Eden tầng 9 ta đã nhìn thấy chùa. Bồng bềnh ngói đỏ trên cái nền xanh biêng biếc của cây xanh và ruộng rẫy phía đằng sau. Ba, bốn tầng mái: mái trước, mái sau, mái sảnh… khiến ta liên tưởng đến những đoá sen và búp sen hồng. Đây chính là một trong 3 ngôi chùa cổ nhất ở thành phố Tây Ninh.
Sách “Địa chí Tây Ninh” cho biết chùa có từ năm 1889. Nhưng cũng thú thực rằng, ngôi chùa hôm nay rạng rỡ hồng tươi dưới ánh mặt trời là ngôi mới xây xong khoảng năm 2015. Ngôi cũ đã bị phá dỡ đi để xây mới là ngôi được hoàn thành năm 1954. Nên kiến trúc cũng không vương vấn những gì cổ kính. Dấu vết thời gian xưa cũ có lẽ chỉ còn trên vài ngôi tháp mộ các vị tổ sư.
Chùa mới nên đã lớn gấp mấy lần ngôi chùa cũ và có lầu. Tầng trệt nay lớn như một hội trường, chỉ dùng cho Phật tử đến học kinh hoặc làm lễ khai mạc mỗi kỳ lễ hội. Muốn tới chính điện lạy chư Phật hãy lên thang để tới tầng lầu.
Không gian vẫn thành kính trang nghiêm nhưng cao rộng hơn nhiều. Những pho tượng gỗ của ngôi chùa cũ đã trở nên lọt thỏm trong không gian thờ tự ấy. Nên, người ta đã bài trí các pho tượng mới. Mà chính các pho tượng gỗ cổ xưa ấy mới mang cốt cách, tâm hồn người xưa. Muốn xem thì phải hỏi. Các nhà sư sẽ chỉ cho, nơi các pho tượng xưa được “tạm trú” một góc chùa. Đấy là với những người hoài cổ. Còn với đa số khách trẻ viếng thăm, hay Phật tử thì chùa nay đã là một nơi tu tụng tuyệt vời.
Sân vườn rộng rãi, tinh tươm sạch sẽ và bát ngát hương hoa. Hoa kiểng, từ sen đến các loài phong lan đua nhau khoe sắc trước thềm chùa. Vào đây, chợt thấy lòng yên tĩnh lại. Cũng là một chốn hiếm hoi, trên con phố sôi động bậc nhất của Thành phố quê nhà.
Còn một đường phố sôi động nữa, mà khách hành hương đến Tây Ninh không thể bỏ qua. Đấy là đường Cách Mạng Tháng Tám nay đã bao trùm cả phố Gia Long cũ bên kia cầu Quan. Qua cầu, rẽ phải vào đường Phan Châu Trinh. Cũng chỉ 3- 4 trăm mét là đã gặp chùa Phước Lâm ở bên trái con đường. Sách “Ngọn đuốc cửa thiền” của Phan Thúc Duy viết về hoà thượng Như Đạo ở núi Bà có chép bảng liệt vị khai sơn núi Điện Bà.
Trong đó, tổ thứ 39 dòng Tế thượng chánh tông như sau: “Thanh- Thọ Phước- Chí, thủ tạ chùa Phước Lâm (Vĩnh Xuân) di tích có xuất bản khoa du già ngày 8.2.71 năm Nhâm Thân khánh thành chùa Phước Lâm…”.
Chùa Phước Lâm có lẽ là ngôi duy nhất trong Thành phố còn giữ được “hồn xưa bóng cũ” của Phật giáo Tây Ninh thời mở đất. Sau kiến trúc mặt tiền ở hành lang trước với tầng lầu, tô đá rửa ở thập kỷ 60 thế kỷ trước; vẫn còn lại những cột, kèo gỗ nâu đen bóng và mấy lớp mái chùa lợp ngói âm dương khấp khểnh sạm màu rêu mốc.
Chùa khá rộng ở các gian hậu liêu. Là vì đây chính là nơi du khách các tỉnh miền Tây theo đường sông rạch về tạm trú trước khi tiếp tục hành hương lên núi Điện Bà. Chùa cổ nên đây cũng là nơi lưu giữ được những pho tượng gỗ thời xưa, còn nguyên dáng vẻ hiền hoà đôn hậu theo trí tưởng các nghệ sĩ dân gian.
Đặc sắc nhất vẫn là pho tượng đồng bà Linh Sơn thánh mẫu. Tương truyền tượng là của đích thân quan Tổng trấn Lê Văn Duyệt, thừa lệnh vua Gia Long đem lên hiến tặng. Sau một thời chiến tranh, lưu lạc, tượng lại trở về Phước Lâm như một mối duyên lành. Chùa hướng ra rạch Tây Ninh ở phía Đông.
Trước mặt là núi Bà xanh nổi giữa nền trời, nước. Sân chùa lúc nào cũng ngát hương bông sứ (đại). Những cây sứ cổ thụ gốc sần sùi như đá. Luôn luôn rải xuống sân chùa cả một thềm hoa.
Chùa cổ thứ ba trong phố là Thiền Lâm cổ. Giờ chùa nằm trong một hẻm số 2 của đường Nguyễn Văn Cừ thuộc khu phố cũ phường 2, khá gần với siêu thị Auchan vừa mới mở. Từ vài năm nay, chùa đã được xây lại với một trệt, một lầu nên hầu như đã không còn giữ được hình hài xưa cũ.
Bị ép trong khu phố có mật độ xây dựng cao, nên chùa cũng buộc phải lên cao với cột bê tông đúc tròn, mái cũng bê tông sơn màu giả ngói, hoa văn hoạ tiết cầu kỳ. Người cao tuổi trong khu phố vẫn nhớ nơi mình ở xưa thường gọi xóm Chùa.
Nay vẫn có một quán cà phê xóm Chùa lưu giữ tên gọi đầy thương nhớ ấy. Họ cũng nhớ đường Ngô Gia Tự, trước 1975 gọi là đường Yết Ma Lượng. Đấy là tên vị sư tổ từng theo đạo quân của Kinh lược sứ Nguyễn Tri Phương lên phủ Tây Ninh thực thi chính sách mở đất lập thôn làng. Chính sách này do Nguyễn Tri Phương đề xuất vào năm 1853 và được vua Tự Đức chấp thuận (theo Trảng Bàng phương chí, trang 89- 90).
Có thể do biến động sau hoà ước Nhâm Tuất 1862, ba tỉnh miền Đông rơi vào tay Pháp nên Yết Ma Lượng quay lại phủ thủ Tây Ninh lập chùa cổ Thiền Lâm. Đệ tử của ông là sư thầy Giác Hải, còn gọi là Như Nhãn, người sau đó ra lập chùa Thiền Lâm- Gò Kén. Ngài Yết Ma lượng mất năm 1900 và được đệ tử đưa an táng tại gò.
Gần đây, sau khi đã xây lại chùa Thiền Lâm cổ khang trang, sư trụ trì đã tìm lại được vài pho tượng gỗ của chùa Thiền Lâm xưa, đem trở lại an vị trên chánh điện. Tượng được đẽo tạc sơ sài lắm, còn nguyên những vết đục, vết rìu. Nhưng nhờ thế mà mà “hồn xưa bóng cũ” của chùa cũng đã trở về giữa không gian mới vàng son óng ả.
Ba ngôi chùa cổ kể trên giờ nằm ở 3 phường. Phường 1 có Phước Lâm, phường 2 có Thiền Lâm cổ; còn Hiệp Long ở về khu phố 4, phường 3.
QUẾ VÂN