Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Chuẩn bị sản xuất vụ Ðông Xuân 2023-2024
Thứ tư: 07:04 ngày 25/10/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, năm 2023, lĩnh vực trồng trọt đạt kết quả khả quan. Năng suất, sản lượng, giá bán nông sản đều tăng, nhờ đó, thu nhập bà con nông dân tốt hơn rõ rệt

Nông dân thu hoạch lúa.

Từ những kết quả khả quan trong sản xuất nông nghiệp vụ Hè Thu và vụ Mùa năm 2023, ngành Nông nghiệp tiếp tục chuẩn bị các điều kiện cần thiết để bảo đảm gieo trồng vụ Đông Xuân 2023-2024 trong khung thời vụ tốt nhất, phấn đấu giành kết quả cao về năng suất, sản lượng và giá trị.

Vụ Hè Thu và vụ Mùa năm 2023: Đạt kết quả khả quan

Tình hình sản xuất một số loại cây trồng vụ Hè Thu và vụ Mùa trong năm tương đối ổn định, tình hình sâu bệnh gây hại chủ yếu ở mức nhiễm nhẹ, ảnh hưởng không đáng kể đến sinh trưởng và phát triển của cây trồng; chuyển đổi cơ cấu cây trồng đang được tích cực thực hiện, phù hợp với định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh.

Đối với cây lúa, diện tích sản xuất lúa trong vụ Hè Thu và vụ Mùa năm 2023 đạt 99.077,3 ha. Giống chất lượng cao: Đài Thơm 8, OM 5451, ST24, ST25, Nếp IR 4625…

Nhìn chung, tỷ lệ sử dụng giống chất lượng cao và lúa thơm đáp ứng theo yêu cầu thị trường, trong đó tỷ lệ giống lúa chất lượng cao vụ Hè Thu 2023 tăng 5,8% so cùng kỳ, ước tỷ lệ giống lúa chất lượng cao vụ Mùa 2023 tăng 3,4% so cùng kỳ.

Năng suất lúa trung bình vụ Hè Thu đạt 5-6 tấn/ha, hiệu quả kinh tế khi sản xuất 1 ha lúa là 10-15 triệu đồng.

Trong những năm gần đây, nông dân tăng cường triển khai ứng dụng kỹ thuật canh tác “1 phải - 5 giảm” trên cơ sở kỹ thuật “3 giảm 3 tăng”, nông dân sử dụng giống lúa cấp xác nhận, sạ thưa, giảm lượng giống gieo sạ và đã đạt được một số chuyển biến tích cực.

Tình hình tiêu thụ lúa gạo tương đối ổn định; nông dân thu hoạch lúa tươi đến đâu thì có thương lái thu mua đến đó. Đồng thời, giá lúa tươi thu mua tại ruộng tăng cao hơn so cùng kỳ từ 800 đồng/kg đến 1.000 đồng/kg.

Giá bán một số giống lúa tại ruộng vụ Hè Thu 2023 cụ thể như: giống lúa OM5451 giá bán từ 6.200-7.300 đồng/kg; OM576 giá từ 6.400-6.600 đồng; OM4900 giá từ 6.400-6.600 đồng; OM18 giá từ 6.400-7.000 đồng.

Tuy nhiên, điều kiện sản xuất không thuận lợi đã làm gia tăng chi phí sản xuất, riêng vụ Hè Thu năm 2023 phát sinh bọ phấn trắng gây hại nặng 300 ha lúa tại thị xã Trảng Bàng.

Nguyên nhân các diện tích lúa này chủ yếu được sạ muộn, lúa đang ở giai đoạn đẻ nhánh - làm đòng, sạ dày, bón thừa phân đạm, nông dân phát hiện muộn khi mật số bọ phấn cao, di chuyển từ trà lúa đang trổ sang và một số trường hợp nông dân phòng trừ không đúng thuốc, không phòng trừ đồng loạt trên cùng một cánh đồng theo hướng dẫn của ngành.

Đối với một số loại cây ngắn ngày, tình hình tiêu thụ các cây trồng này tương đối ổn định; giá bán một số mặt hàng như: rau các loại 6.900 - 8.500 đồng/kg; đậu phộng 20.000 - 25.000 đồng/kg; giá thu mua tại các nhà máy chế biến khoai mì dao động từ 3.000 - 3.400 đồng/kg khi hàm lượng tinh bột đạt 30%.

Đối với một số loại cây ăn trái và cây công nghiệp, tổng diện tích sản xuất cây ăn trái năm 2023 là 24.656 ha, tăng 1.084 ha so với năm 2022, tổng sản lượng đạt 332.849 tấn. Trên địa bàn tỉnh đa số người nông dân bán sản phẩm cây ăn trái cho thương lái.

Sau đó, thương lái sẽ bán cho các chợ địa phương, siêu thị, nhà hàng; một phần lớn vận chuyển đi Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh; phần nhỏ được xuất khẩu đi các nước khác nhưng không bằng đường trực tiếp mà qua khâu trung gian như: thương lái, doanh nghiệp các địa phương khác.

Nông dân thu hoạch bưởi da xanh.

Bên cạnh đó, một số ít nhà vườn có hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp nên giá sản phẩm ổn định hơn so với bán cho thương lái. Nhìn chung, giá bán các sản phẩm cây ăn trái trên địa bàn tỉnh được duy trì ổn định hoặc tăng nhẹ từ 7.000 - 12.000 đồng/kg so với năm 2022.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, một điểm mới trong sản xuất năm 2023 là việc chuẩn hoá quy trình cho các sản phẩm trồng trọt, cấp mã số vùng trồng phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu đã góp phần phát huy tối đa giá trị sản xuất của ngành.

Hiện toàn tỉnh cấp mới mã số vùng trồng lĩnh vực trồng trọt. Luỹ kế đến ngày 29.9.2023, toàn tỉnh đang duy trì hoạt động 13 mã số vùng trồng lĩnh vực trồng trọt với diện tích 138,2 ha.

Cấp mới mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu đang duy trì hoạt động. Tổng cộng, tỉnh đã có 15 mã số vùng trồng trái cây với diện tích 552,1 ha được cấp mã số xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU. Ngoài ra, toàn tỉnh có 16 mã số vùng trồng sầu riêng với diện tích 519,99 ha đang chờ phản hồi phê duyệt mã số của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC).

Bên cạnh đó, trong năm 2023, có 25 cơ sở trồng trọt đăng ký áp dụng VietGAP trên địa bàn tỉnh, với 77,6 ha. Hiện toàn tỉnh có 652,71 ha đang áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP và 23,6 ha áp dụng quy trình sản xuất GlobalGAP và 4 ha diện tích đang sản xuất hữu cơ.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong vụ Hè Thu và vụ Mùa năm 2023, chi phí nhân công tăng nên giá thành sản xuất nông sản tăng. Một số loại cây trồng đã có hợp đồng bao tiêu sản phẩm như: chanh không hạt, sầu riêng, xoài...

Tuy nhiên, việc tiêu thụ sản phẩm phụ thuộc nhiều vào thương lái; trên địa bàn tỉnh chưa có doanh nghiệp lớn, đầu ngành ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cây ăn trái với người sản xuất.

Triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2023-2024

Hiện nay, ngành Nông nghiệp tỉnh bắt đầu triển khai kế hoạch sản xuất vụ Ðông Xuân 2023-2024. Căn cứ vào thành công của các vụ sản xuất năm 2023, ngành Nông nghiệp tiếp tục chỉ đạo các địa phương sản xuất theo hướng chuyển đổi cơ cấu giống cây phù hợp để bảo đảm vụ sản xuất Ðông Xuân tiếp tục thắng lợi.

Để chuẩn bị tốt cho kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2023-2024 sắp tới, Sở NN&PTNT khuyến cáo nông dân sử dụng các biện pháp kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao, tưới tiết kiệm và cơ giới hoá trong sản xuất để nâng cao năng suất bình quân.

Đồng thời, nông dân nên lựa chọn giống có năng suất và chất lượng cao, phù hợp với điều kiện của từng vùng; tăng cường sử dụng phân hữu cơ, hạn chế sử dụng phân bón hoá học để giảm chi phí sản xuất; áp dụng lịch thời vụ và cơ cấu giống do cơ quan chuyên môn đề xuất.

Đẩy mạnh việc thực hiện đồng bộ các chính sách phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn của Trung ương và tỉnh để thu hút doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp và phát triển nông thôn nhằm phát triển chế biến sâu nông sản trên địa bàn; tăng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn và đầu tư cho sản xuất.

Tuyên truyền vận động nông dân tham gia các hình thức liên kết; liên kết sản xuất với doanh nghiệp tiêu thụ; đẩy mạnh hình thành các liên kết vùng trong sản xuất lớn. Đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông, thuỷ lợi nội đồng cho các vùng nguyên liệu cây ăn trái. Hình thành vùng sản xuất chuyên canh theo cánh đồng lớn và áp dụng cơ giới hoá.

Tăng cường chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; tổ chức, nhân rộng các mô hình sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP... nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, giảm giá thành và tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm cây ăn trái của tỉnh. Áp dụng các kỹ thuật chọn giống, bón phân, tưới nước, cho ra hoa trái vụ, bảo vệ thực vật và sản xuất hữu cơ.

Nhi Trần

Dự kiến diện tích lúa vụ Đông Xuân 2023-2024 trên địa bàn tỉnh vào khoảng 46.000 ha, năng suất 59,6 tạ/ha, sản lượng 274.022 tấn. Các giống khuyến cáo sử dụng: OM5451, OM18, OM4900, Đài Thơm 8, OM 576, IR 50404...

Cây bắp: 2.830 ha, năng suất 62 tạ/ha, sản lượng 17.546 tấn; cây rau các loại: 7.900 ha, năng suất 189 tạ/ha, sản lượng 149.310 tấn; cây đậu các loại: 1.700 ha, năng suất 15 tạ/ha, sản lượng 2.550 tấn; riêng cây đậu phộng: 2.640 ha, năng suất 40 tạ/ha, sản lượng 10.560 tấn.

Tin cùng chuyên mục