Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chuẩn bị tinh thần đối phó bão Tembin ở cấp thảm họa
Thứ bảy: 18:30 ngày 23/12/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Bão Tembin đang hướng đến đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các địa phương triển khai phòng chống với tinh thần đối phó với cấp thảm họa.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đề nghị các địa phương triển khai phòng chống bão Tembin với cấp độ thảm họa - Ảnh: TUẤN PHÙNG

Ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - chủ trì cuộc họp trực tuyến sáng 23-12 với các địa phương về triển khai phòng chống bão số 16 - bão Tembin.

Có thể đổ bộ ở cấp độ thảm họa

Theo ông Hoàng Đức Cường - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, nhiều khả năng đêm 25, sáng 26-12, bão Tembin sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, phạm vi ảnh hưởng được cảnh báo từ Nam Bình Thuận đến Cà Mau.

Trường hợp bão vào bờ vẫn còn gió mạnh cấp 10-11 thì cấp độ rủi ro thiên tai cho khu vực bão ảnh hưởng là cấp 4 - rủi ro lớn. Trường hợp gió mạnh cấp 12 thì khu vực Nam Bộ chịu cấp độ rủi ro thiên tai cấp 5 - cấp thảm họa.

Ông Hoàng Đức Cường dẫn dự báo của các cơ quan khí tượng quốc tế nhận định bão đi theo hướng Tây là chủ đạo và sẽ vào biển Đông trong đêm 23-12, liên tục mạnh lên và có khả năng đạt cấp 11-12, giật cấp 14-12 khi đến khu vực quần đảo Trường Sa.

Đến thời điểm này, các dự báo đều cho thấy bão sẽ đổ bộ vào cùng ven biển từ Vũng Tàu đến Cà Mau, sau đó ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Nam bộ. Nhiều khả năng khi vào gần bờ, bão còn mạnh cấp 10-11, khi đổ bộ còn cấp 9-10.

"Tuy nhiên, vẫn có khả năng khi đến Trường Sa bão giữ nguyên cấp độ cho đến khi vào bờ với gió mạnh cấp 11-12. Do vậy phải phòng chống với cấp độ thảm họa", phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương nhận định.

Cập nhật đường đi của bão số 16 cho đến 11h ngày 23-12 - Nguồn: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương

Ảnh hưởng từ Nam Bình Thuận đến Cà Mau

Đặc điểm khá bất thường của cơn bão này là hoàn lưu bão lệch về phía Bắc và phía Tây của vị trí tâm bão. Vì vậy, vùng mưa và gió mạnh nhất tập trung ở phía Bắc và phía Tây của tâm bão. Nghĩa là dù bão có đổ bộ vào Cà Mau thì vùng gió mạnh vẫn ảnh hưởng đến tận Nam Bình Thuận, Vũng Tàu.

Cũng theo phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, kể cả khi bão giảm cấp khi đến Trường Sa rồi vào bờ, thì mây bão tan nhanh cũng sẽ gây nên mưa lớn với lượng 150-200mm từ đêm 25 đến hết ngày 26-12.

Bão cũng có thể gây sóng cao đến 10m ở khu vực Trường Sa, ngoài khơi Bình Thuận đến Cà Mau.

Đây là bão cuối mùa, khoảng 10 năm mới có một cơn bão muộn như thế này. Nhưng cơn bão này cường độ rất mạnh, dự kiến vào bờ vẫn cấp 12 thì chưa bao giờ có.

Ông Hoàng Đức Cường - phó GĐ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TW

Bão đang hướng đến đồng bằng sông Cửu Long

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, bão Tembin có phạm vi ảnh hưởng trên biển rất lớn, trong khi có nhiều tàu thuyền đang tập trung khai thác vụ cá bắc. Cơn bão này cũng đang hướng đến đồng bằng sông Cửu Long là khu vực dễ tổn thương. Vì vậy, chủ quan trong phòng chống sẽ gây thiệt hại lớn.

Ông Cường đề nghị các địa phương trong khu vực có thể ảnh hưởng bởi bão không chủ quan, dừng hết các cuộc họp không cần thiết để tập trung phòng chống bão.

Bộ trưởng nhắc lại kinh nghiệm từ bão số 12 là bảo vệ lồng bè nuôi thủy sản, không để người ở lại trên lồng bè, kiên quyết sơ tán dân khỏi khu vực xung yếu, hướng dẫn dân chằng chống nhà cửa trước khi bão đổ bộ...

"Các tỉnh phải rà soát lại phương án, kịch bản phòng chống bão. Với khu vực người dân có ít kinh nghiệm phòng chống bão, dễ bị tổn thương về nhà cửa, nuôi trồng thủy sản… thì phải phòng chống với mức độ rủi ro thiên tai cấp 5 - cấp thảm họa", bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Nguồn TTO

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục