Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Trước tình hình người sử dụng ma tuý đang có xu hướng trẻ hoá, với quyết tâm không để ma tuý xâm nhập học đường, các ngành chức năng đã tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho học sinh, sinh viên cảnh giác trước những thủ đoạn lôi kéo của loại tội phạm này.
Theo thống kê, tính đến ngày 15.6.2020, tổng số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma tuý có hồ sơ quản lý là 4.136, trong đó lứa tuổi thanh, thiếu niên chiếm hơn 78%.
Thầy Phạm Hồng Thái - Tổng phụ trách Đội, trường THCS Thị trấn, huyện Châu Thành cho biết, nhận thức về tác hại ma tuý trong bộ phận học sinh chưa cao, trong khi mạng xã hội ngày càng phát triển, các em dễ tiếp cận các dạng ma tuý trá hình như tem giấy, bóng cười… gây tò mò, muốn thử một lần.
Đoàn viên thanh niên, học sinh tham dự về phòng, chống ma tuý.
Đồng quan điểm, Thiếu tá Đặng Tuấn Anh - Đội trưởng Đội chuyên đề, Phòng CSĐT tội phạm về ma tuý nhìn nhận, tội phạm này thường nhắm vào các em học sinh, sinh viên thích ăn chơi, thể hiện, đua đòi để rủ rê, lôi kéo. Các em thiếu kiến thức, kỹ năng để phòng chống ma tuý vì cho rằng những chất có trong shisha, bóng cười... không nguy hại đến sức khỏe, không gây nghiện !?
Thiếu tá Đặng Tuấn Anh cho biết thêm, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với các ngành, đoàn thể, đặc biệt là nhà trường thường xuyên tổ chức tuyên truyền giáo dục về tác hại cũng như cách phòng chống tệ nạn ma tuý đến với học sinh, sinh viên; Xây dựng, nhân rộng các mô hình giáo dục phòng, chống ma tuý; Phối hợp với chính quyền, nhà trường để gặp gỡ, giáo dục cá biệt đối với số học sinh, thanh thiếu niên có biểu hiện nghi vấn hoặc nhóm “nguy cơ cao” về sử dụng trái phép các chất ma tuý.
Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, năm học 2019-2020, ngành Giáo dục tiếp tục bám sát chỉ đạo của UBND tỉnh, các ngành phối hợp để triển khai hiệu quả tất cả các văn bản có liên quan đến công tác phòng chống ma tuý trong trường học.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ma tuý từng bước đổi mới, với nội dung, hình thức đa dạng, mang lại hiệu quả như thông qua các buổi sinh hoạt dưới cờ, hoạt động ngoại khoá, các cuộc thi kiến thức, hội diễn văn nghệ và tổ chức ký cam kết thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự.
Tổ chức lồng ghép dạy tích hợp chương trình phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội thông qua các môn học. Duy trì và phát triển mô hình câu lạc bộ Tuổi trẻ phòng, chống ma tuý trong nhà trường. Nhờ vậy, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp học sinh, sinh viên sử dụng trái phép chất ma tuý.
Cán bộ phòng ma tuý tuyên truyền tác hại của ma túy cho học sinh.
Chia sẻ về cách thức đồng hành cùng con trong cuộc chiến chống lại những cám dỗ của tệ nạn xã hội, đặc biệt là ma tuý, ông Nguyễn Thành Sơn, một phụ huynh học sinh tại huyện Châu Thành tâm sự, bản thân ông thường quan tâm, giáo dục con tránh xa những cạm bẫy rình rập ngoài xã hội. Trong mỗi bữa cơm gia đình, ông kể chuyện để cảnh báo, giúp con dễ tiếp nhận, chứ không giáo huấn cứng nhắc dễ phản tác dụng.
Cùng với ông Sơn, ông Vũ Chiến Thắng, có con đang học lớp 10 trường THPT Tây Ninh bày tỏ sự lo lắng khi ngày càng có nhiều loại ma tuý mới ra đời, nhất là các loại ma tuý đá tổng hợp, được “ngụy trang” tinh vi len lỏi vào môi trường học đường.
"Dù con ngoan ngoãn và biết nghe lời cha mẹ nhưng tôi vẫn luôn đề phòng nguy cơ con bị cám dỗ trước ma tuý. Tôi vẫn nhắc nhở con về tác hại của ma tuý, chỉ cho con đủ tiền tiêu vặt và quản lý chặt chẽ giờ giấc khi con ra khỏi nhà”, ông Thắng cho hay.
Thầy Phạm Hồng Thái cho biết thêm, các bậc phụ huynh cần tạo điều kiện cho các em được học tập, rèn luyện, tham gia các hoạt động của nhà trường; quản lý, giám sát lịch trình học tập, vui chơi của con mình ở ngoài nhà trường.
Chủ động thông báo cho nhà trường và giáo viên chủ nhiệm những vấn đề không bình thường của con em mình để có biện pháp phối hợp giáo dục tốt nhất. Nhà trường thường phối hợp trao đổi thông tin với gia đình học sinh thông qua các cuộc họp phụ huynh và sổ liên lạc; tổ chức cho học sinh ký cam kết không tham gia tệ nạn ma tuý.
Thiên Di