Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Chương trình giáo dục phổ thông mới: Học để làm chứ không chỉ để biết
Thứ năm: 09:51 ngày 10/01/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Tinh thần chủ đạo của chương trình giáo dục phổ thông mới thể hiện ở chỗ, học xong làm được gì, chứ không chỉ học xong biết được cái gì.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: ĐCSVN.

Với sự chủ trì của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, chiều 9.1, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Tại điểm cầu Tây Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT Mai Thị Lệ cùng hiệu trưởng các trường THPT, trưởng phòng giáo dục các huyện, thành phố, giám đốc các trung tâm giáo dục thường xuyên tham dự.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, đến nay, tất cả các khâu chuẩn bị cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đang được thực hiện đúng tiến độ; Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành liên quan đã ban hành các văn bản pháp lý để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, bắt đầu từ năm học 2020 – 2021.

Học sinh ở Khu dân cư Chàng Riệc, ấp Tân Khai, xã Tân Lập, huyện Tân Biên- Ảnh minh hoạ.

Có hai nội dung chính được quan tâm tại hội nghị là đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất. Trong đó, vấn đề đội ngũ giáo viên được xem là trọng tâm, “sự nghiệp đổi mới chương trình và sách giáo khoa thành hay bại là do đội ngũ giáo viên quyết định”- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu.

Bộ GD&ĐT cho biết, cơ quan đã lên kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng bài bản để cải thiện chất lượng giáo viên nhằm đáp ứng được yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Tính đến tháng 10.2018, cả nước có gần 1,2 triệu giáo viên mầm non và phổ thông. Theo định mức số giáo viên trên một lớp, tổng cộng cả nước đang thiếu gần 76 ngàn giáo viên cả mầm non và phổ thông.

Tuy nhiên, nghịch lý thừa thiếu giáo viên vẫn chưa giải quyết được, đặc biệt ở cấp trung học cơ sở. Bậc học này đang thiếu hơn 10 ngàn giáo viên các môn học nhưng cũng đang thừa hơn 12 ngàn giáo viên ở những môn học khác.

Cả nước hiện thiếu gần 76.000 giáo viên mầm non và phổ thông- Ảnh minh hoạ.

Đối với chương trình giáo dục phổ thông mới, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình cho biết, tinh thần chính của nội dung, phương pháp dạy học ở chương trình mới là học để làm chứ không phải chỉ học cho biết. “Học xong làm được cái gì chứ không phải học xong biết được những gì”- ông Nguyễn Minh Thuyết nói.

Chương trình giáo dục phổ thông mới, theo kế hoạch ban đầu triển khai từ năm học 2015- 2016. Sau đó, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, chương trình dự kiến triển khai trong năm học 2017 – 2018. Tuy nhiên, một lần nữa, chương trình buộc phải lùi lại đến năm học 2020 – 2021.

Đ.V.T

Tin cùng chuyên mục