Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
'Chương trình Tiếng Việt 1 hiện tại nặng nhất trong gần 30 năm nay'
Chủ nhật: 14:26 ngày 04/10/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Gần 30 năm dạy học sinh tiểu học, trải qua 3 bộ sách, giáo viên đánh giá chương trình Tiếng Việt lớp 1 hiện tại nặng nhất.

Tôi bắt đầu sự nghiệp cầm phấn năm 1993. Trong gần 30 năm công tác, tôi trải qua hai lần thay sách, tức tôi đã dạy Tiếng Việt lớp 1 theo 3 chương trình.

Năm nào, phụ huynh cũng than con Tiếng Việt lớp 1 vất vả. Năm nay, mọi việc còn khó khăn hơn.

 

Ở nhiều bài, học sinh phải học đến 4 vần nên khó nhớ. Ảnh: Cô P.M.

Thời gian học âm, vần rút ngắn xuống còn 15 tuần

Từ quá trình dạy học theo 3 chương trình, tôi thấy trước năm 2002, chương trình đơn giản. Sách phù hợp với trẻ thời đó. Khi xã hội phát triển, trẻ sẽ thấy nội dung như vậy nhàm chán.

Vì thế, lần thay sách vào năm học 2002-2003 phù hợp với sự phát triển. Tôi đánh giá đây là chương trình tốt, phù hợp khả năng tiếp nhận của trẻ. Học sinh tiếp thu chậm cũng đạt trung bình, ai tiếp thu nhanh sẽ đạt khá, giỏi.

Trong gần 30 năm công tác, tôi thấy chương trình Tiếng Việt lớp 1 hiện tại nặng nhất - Cô P.M.

Nhưng với sách hiện tại, các con nhanh nhẹn mới đạt trung bình khá trở lên. Nếu con tiếp thu chậm, cả cô, trò, phụ huynh cực kỳ vất vả.

Trong gần 30 năm công tác, tôi thấy chương trình Tiếng Việt lớp 1 hiện tại nặng nhất. Sách mới đang đi nhanh, vượt quá năng lực học của trẻ 6 tuổi. Điều này dễ nhận thấy từ nội dung sách và thực tế tại lớp học.

Trước đây, đến tuần 24, học sinh mới học hết vần. Sang tuần 25, các con mới luyện đọc văn bản khoảng 4-5 câu hoặc khổ thơ ngắn.

Nhưng với sách Tiếng Việt bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, hết tuần 15, tức chưa hết học kỳ 1, học sinh phải học hết âm, vần, đọc lưu loát đoạn văn.

Để dồn lên như vậy, số lượng âm, vần trong mỗi bài tăng. Những năm trước, các con học tối đa 2 âm, vần. Năm nay, số lượng tăng lên 3, thậm chí 4. Ví dụ, năm ngoái, âm “em”, “êm” được xếp vào một bài, “im”, “um” rơi vào bài khác. Với sách giáo khoa hiện tại, các con học cả 4 vần trong một bài.

Phần viết cũng được đẩy nhanh. Ở chương trình cũ, sang tuần 25, giáo viên mới cho học sinh hạ cỡ chữ từ 2 ly xuống 1 ly. Năm nay, các con bắt đầu luyện viết chữ nhỏ từ tuần 16.

Không những “đi nhanh”, nội dung còn tương đối rối. Năm trước, bài học bài bản, rất dễ đọc, dễ nhớ. Các tiếng mới thường chỉ thay đổi thanh điệu. Ví dụ, khi học chữ “đ”, học sinh học tiếng “đa” rồi đến tiếng “đá”, “đà”, “đã”...

Năm nay, việc dạy tiếng ngang hơn, khó. Như trong bài 8, học chữ “d”, các con phải quen với các tiếng khác nhau như “da”, “dế”... Nhiều từ không gần gũi khiến trẻ khó nhớ.

Cách đọc cũng có sự thay đổi. Khi đánh vần, các con đọc cả chữ “c” và “k” là “cờ”. Nhưng khi viết, trẻ lại phải phân biệt nên dễ nhầm.

Ngoài ra, học sinh phải tiếp xúc với những câu dài hơn. Năm ngoái, các con thường luyện đọc câu 3-5 tiếng. Năm nay, câu dài ra, như “Dưới gốc đa, các bạn chơi dung dăng dung dẻ”.

Trong khi đó, nhiều trẻ còn ngọng nghịu, nói chưa lưu loát. Nhiều con đọc vẹt, đọc theo các bạn khác chứ không hiểu hay nhớ được. Việc đọc nhiều, không nhớ hết khiến các con sợ Tiếng Việt.

Qua 4 tuần đầu, tôi lo quá. Học sinh học vất vả nhưng nhớ không tốt. Học sinh khá, giỏi còn đỡ. Những trẻ trung bình theo rất khó khăn dù đã được kèm cặp thêm vào giờ ra chơi.

Năm ngoái, đến tầm này, 3/4 học sinh lớp tôi đọc tốt. Năm nay, chỉ khoảng 1/5 học sinh đọc tạm được.

Tôi thấy càng cải cách, việc học với trẻ càng khó. Bộ bảo giảm tải song theo hướng dẫn ra đề kiểm tra cuối kỳ, đề thi cho học sinh lớp 1 mà đến tận hai mặt giấy A4. Đề như vậy là dài, khó với trẻ.

Ở bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, học sinh phải học xong âm, vần trong 15 tuần. Ảnh: NXB Giáo dục Việt Nam.

Đừng so sánh với nước ngoài

Trước khi dạy, giáo viên được tập huấn chương trình mới, nghiên cứu 5 bộ để rút ra ưu, nhược điểm rồi tiến hành lựa chọn.

Ở môn Tiếng Việt, tôi đánh giá bộ Cánh diều phù hợp nhất, tiến độ vừa phải, không nặng nề. Song vì một vài lý do, trường tôi lựa chọn bộ Kết nối tri thức với cuộc sống.

Đương nhiên, sách này cũng có ưu điểm như mỗi tuần, học sinh có một tiết ôn lại các âm, vần đã học trong bài, kèm câu chuyện ngắn, hay.

Tuy nhiên, với bộ này, không chỉ học trò vất vả mà giáo viên cũng mệt mỏi không kém. Với mỗi bài, tôi soạn đến 5 trang giáo án.

Quá trình tập huấn cũng không rõ ràng. Giáo viên cần là với mỗi bài học, họ đưa ra bước mẫu, chuẩn để giáo viên nắm cơ bản, có sườn rồi mới điều chỉnh cho phù hợp tình hình thực tế.

Trong khi đó, giảng viên tập huấn không sát, thiếu thực tế thành ra giáo viên gặp khó khăn khi triển khai.

Hơn nữa, có nhiều khó khăn, phải vào dạy thật, giáo viên mới vỡ ra được. Chúng tôi vẫn đề đạt những vướng mắc để sau mỗi đợt, người viết sách giải đáp thắc mắc, hướng dẫn phần đó nên truyền đạt như thế nào.

Đương nhiên, tôi hiểu việc sửa sách không dễ. Nhưng tôi hy vọng họ sẽ căn cứ những góp ý của giáo viên để điều chỉnh nhịp độ ở sách cho các lớp 2, 3, 4, 5, phù hợp với tình hình thực tế ở nước ta.

Tôi nói điều này vì trong quá trình tập huấn, các thầy thường nói nước ngoài dạy thế này, thế kia. Nhưng họ chưa căn cứ vào sự khác biệt của nước ta với nước khác.

Ở những nước mà các thầy đề cập, mỗi lớp chỉ có 20 học sinh nhưng có đến 2 giáo viên phụ trách. Trong khi đó, ở nước ta, một giáo viên phụ trách lớp học đông hơn nhiều.

Năm nay, lớp tôi có 50 học sinh. Con số này vào năm ngoái là 63, có năm lên 65 trẻ. Muốn không học sinh nào bị bỏ lại phía sau, giáo viên phải chờ đợi cả 50 trẻ.

Việc chờ 50-60 trẻ làm xong các việc như lấy sách, lấy bảng ra khác với chờ 20 trẻ. Do đó, chúng ta không thể so việc dạy học với nước khác được.

Trong khi đó, với học sinh lớp 1, giáo viên còn phải rèn nề nếp. Đây là điều bắt buộc. Trong thời gian đầu, tôi phải dành thời gian để hướng dẫn các con quen với việc cô ra hiệu lệnh bằng thước, giờ bảng, úp bảng, đọc trơn, đánh vần vào lúc nào.

Tận bây giờ, các con vẫn khóc, phải dỗ trước khi vào lớp. Nhưng trong giờ học, cô giáo không dỗ được, chỉ dừng 1-2 phút, tiết học bị kéo dài, ảnh hưởng đến tiết sau.

Việc cho trẻ đọc câu dài khiến trẻ sợ Tiếng Việt. Ảnh: Nguyễn Phương.

Trẻ "học mà chơi" là không ổn

Nói thật, việc dạy lớp 1 rất vất vả và dễ gây ức chế. Các con học lâu nhớ nhưng nhanh quên. Không ít phụ huynh gọi điện thắc mắc tại sao con đã học hai buổi ở trường mà vẫn không nhớ.

Trong khi đó, mỗi ngày, các con học hai tiết Tiếng Việt, khoảng 80 phút, tức cô giáo chỉ dành cho mỗi trẻ hơn một phút.

Tiếng Việt lại có nhiều đồ, từ sách giáo khoa, vở viết đến bảng con, đồ dùng học tập. Trong lớp, cô trò quay như chong chóng.

Trong việc dạy trẻ con học chữ, người lớn càng dồn, con càng sợ. Phụ huynh “lên gân” bao nhiêu, con áp lực, chán học bấy nhiêu - Cô P.M.

Nhiều trẻ không được người nhà hướng dẫn, lại chậm chạp. Trong giờ học, con loay hoay mãi với cục phấn. Những lúc như vậy, tôi bực nhưng không biết làm sao được.

Chọn nghề “gõ đầu trẻ”, tôi hiểu với trẻ con, chúng ta cần kiên nhẫn và luôn vui vẻ. Nếu giáo viên áp lực, trẻ càng sợ và không học được.

Nhiều khi, tôi cảm thấy may mắn vì mình rất yêu trẻ con. Nên dù việc nặng nề, cả ngày nói đến khản cổ nhưng vẫn giữ được sự vui vẻ để các con đến trường một cách nhẹ nhàng, tươi vui.

Dù vậy, tôi vẫn mong được thấu hiểu hơn. Một số người cho rằng giáo viên đang đặt yêu cầu cao với trẻ, nhất là ở phần viết đẹp. Tuy nhiên, nếu trẻ không viết chuẩn ở lớp 1, lên lớp 2, các con viết rất xấu, khó đọc.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT quy định không ra bài tập về nhà cho học sinh đã học hai buổi ở trường. Nhưng tôi vẫn phải hướng dẫn phụ huynh kiểm tra con. Nếu con thành thạo rồi, họ dạy con thêm một chút. Nếu con chưa được, phụ huynh kèm thêm, tùy từng cháu một.

Với chương trình như hiện tại, học sinh lớp 1 “học mà chơi, chơi mà học”, chỉ học ở trường là không ổn.

Tiếng Việt chỉ có hai tiết mỗi ngày. Trong đó, con có 7 phút luyện viết vào bảng, 15 phút viết vở. Ở lớp, thời gian như vậy là vừa phải. Nhưng thời lượng như vậy không nhiều, trẻ dễ quên. Lớp 50 học sinh, may ra, chỉ 10 trẻ nhớ.

Do đó, tôi rất cần đến sự hỗ trợ từ phụ huynh. Tôi mong các bậc cha mẹ kiên nhẫn, kèm cặp con từ từ, đi từng bước một. Họ chỉ cần dạy con đơn giản, giúp con nhớ âm, vần đã học trong ngày, không cần buộc trẻ học thêm từ mới.

Đương nhiên, phụ huynh không có nghiệp vụ sư phạm nên không tránh được các hạn chế. Song cha mẹ đồng hành, làm được đến đâu, con hưởng lợi đến đó.

Từ những chuyện phụ huynh bế tắc, căng thẳng vì dạy con, tôi chỉ mong họ hiểu trong việc dạy trẻ con học chữ, người lớn càng dồn, con càng sợ. Phụ huynh “lên gân” bao nhiêu, con áp lực, chán học bấy nhiêu.

Nếu dạy lâu, không hiệu quả, họ nên dừng lại, chuyển sang phương pháp khác hoặc hỏi giáo viên để được hướng dẫn cách dạy trẻ.

Nguồn Zing

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục