Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 hoàn thành sớm 1 năm
Thứ tư: 20:09 ngày 17/07/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Sau gần 9 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, toàn bộ mục tiêu bao trùm đã đạt và rất nhiều chỉ tiêu bản chất chúng ta vượt mục tiêu đặt ra cho giai đoạn 2010-2020. Chính vì vậy, việc tổng kết 10 năm xây dựng chương trình nông thôn mới sẽ diễn ra trong năm 2019 – sớm hơn 1 năm để chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo 2021-2030.

Đây chính là thông tin được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết tại Hội thảo khoa học “Lý luận và thực tiễn trong xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định tổ chức hôm nay (17/7) tại thành phố Nam Định.

Số xã đạt chuẩn nông thôn mới vượt mục tiêu đặt ra

Hội nghị diễn ra tại Nam Định (Ảnh: MP)

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, sau 9 năm thực hiện Chương trình, chất lượng đời sống người dân không ngừng được nâng cao, thiết chế hạ tầng - kể cả hạ tầng cứng và mềm được cải thiện tích cực. Tổng đầu tư toàn xã hội cho Chương trình đạt xấp xỉ 2 triệu tỷ trong 9 năm. Kết quả đã hoàn thành được khối lượng thiết chế, hạ tầng rất lớn. Riêng về giao thông gấp 5 lần về hạ tầng 5 năm trước đó. Về điện đã có 100% số xã có điện lưới quốc gia. Tính đến 6 tháng đầu năm 2019 cả nước đã có trên 4500 số xã, đạt 50,01% so với mục tiêu đặt ra của Chương trình đến năm 2020 (50%) . Như vậy, có thể nói rằng các mục tiêu bao trùm đã hoàn thành sớm hơn từ 1 đến 1,5 năm.

Trình bày báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đánh giá, sau gần 10 năm triển khai Chương trình MTQG xây dựng NTM và 6 năm thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, khu vực nông thôn Việt Nam đã có những chuyển biến mạnh mẽ cả về lượng và chất.

Theo đó, diện mạo nông thôn khởi sắc rõ rệt, chất lượng đời sống vật chất của người dân được nâng cao; nhận thức về NTM được tăng cường. Ông Nam cho biết, qua điều tra của một số cơ quan nghiên cứu cho thấy, khoảng 84,78% số hộ nông thôn hài lòng về xây dựng NTM (rất hài lòng 25,06%; hài lòng 59,72%); 14,29% số hộ có mức hài lòng trung bình; chỉ có 0,94% số hộ không hài lòng về NTM.

Trong số các đối tượng khảo sát có 50% số mẫu thuộc các xã còn khó khăn, chưa đạt chuẩn NTM, nên có thể thấy đây là một kết quả rất tích cực, phản ánh sự đồng thuận và ủng hộ của cộng đồng dân cư nông thôn đối với những kết quả đạt được trong quá trình xây dựng NTM gần 10 năm qua.  Đặc biệt, qua báo cáo kết quả lấy ý kiến người dân của trên 80 đơn vị cấp huyện xét công nhận đạt chuẩn NTM, thì tỷ lệ hài lòng của người dân đều đạt trên 94-97%.

“Cùng với quá trình tham gia các hoạt động xây dựng NTM, người dân đã ngày càng nhận thức rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của mình. Tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước giảm đi rõ rệt”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho hay.

Bên cạnh đó, kinh tế nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng, xuất khẩu nông nghiệp tăng mạnh; công nghiệp, dịch vụ nông thôn phát triển nhanh và đa dạng. Giai đoạn 2011-2018, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân ngành nông nghiệp đạt 2,95%/năm. Kết quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp đạt nhiều thành tựu quan trọng cả về quy mô và trình độ sản xuất, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, xuất khẩu ngày càng tăng.

Cùng với đó, chất lượng đời sống văn hoá của người dân tiếp tục được nâng cao, nhiều giá trị văn hóa được bảo tồn và phát triển. Công tác bảo vệ môi trường nông thôn đã có chuyển biến đáng kể, nhất là vấn đề xử lý rác thải khu dân cư và cải tạo cảnh quan nông thôn xanh - sạch - đẹp.

Kết quả xây dựng nông thôn mới chưa thực sự bền vững

Quá trình thực hiện xây dựng Nông thôn mới vẫn cần duy trì (Ảnh: Báo Quảng Ninh).

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, tại hội thảo, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong quá trình phát triển nông nghiệp nông thôn.

Cụ thể, đời sống của người dân nông thôn các vùng khó khăn chưa đảm bảo, sinh kế thiếu bền vững. Thu nhập và đời sống của người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn, chậm được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, sinh kế thiếu bền vững trước những rủi ro thiên tai, dịch bệnh, biến động giá cả thị trường… Phân hóa nông thôn tiến triển mạnh, chênh lệch thu nhập giữa 20% nhóm hộ giàu nhất và 20% nhóm hộ nghèo nhất trong nông thôn tăng mạnh, từ 7,5 lần năm 2010 lên 9,8 lần năm 2016…

Bên cạnh đó, kết quả xây dựng NTM cũng được đánh giá chưa bền vững. Chất lượng đạt chuẩn và công tác duy trì bền vững kết quả sau đạt chuẩn còn nhiều hạn chế. Một số công trình hạ tầng chưa thực sự được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên nên đang xuống cấp. Một số địa phương chạy theo phong trào. Đa số mới chú trọng phát triển hạ tầng, chưa quan tâm đúng mức tới phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng đời sống văn hóa, nâng cao đời sống của người dân.

Ngoài ra, nông nghiệp phát triển còn thiếu bền vững; cơ sở hạ tầng, công nghiệp và dịch vụ nông thôn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế nông nghiệp hiện đại.

Đáng chú ý, nhiều giá trị văn hóa truyền thống phai nhạt, tính gắn kết cộng đồng bị xói mòn; tệ nạn xã hội gia tăng, công tác bảo đảm an ninh trật tự còn nhiều hạn chế; xuất hiện nguy cơ xung đột xã hội.

Đặc biệt, tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn có xu hướng trầm trọng hơn, dễ dẫn tới xung đột về môi trường mà thiếu các giải pháp đồng bộ để khắc phục.

Với những tồn tại trên, tại Hội thảo, nhiều đại biểu đã đưa ra một số giải pháp như cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế, nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn mới. Theo đó, cần phải có cơ chế đất đai phù hợp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vào đầu tư. Phát triển khoa học công nghệ ứng dụng vào nông nghiệp….

Tuy nhiên để giải quyết triệt để những tồn tại trên, cần vạch ra phương hướng xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM  giai đoạn tiếp theo (2021-2030) với cách tiếp cận mới, đi vào chiều sâu và đảm bảo tính bền vững.

Cụ thể, cần thay đổi tư duy, nếp sống, năng lực của người dân làm mục tiêu, cư dân nông thôn làm chủ thể, cộng đồng thôn, bản là đơn vị để đánh giá. Cần đẩy mạnh phân  cấp, trao quyền cho địa phương và cộng đồng thôn bản chủ động tham gia quản lý phát triển sinh kế, quản lý công trình, bảo vệ môi trường cảnh quan, phát triển văn hóa truyền thống trong xây dựng NTM.  Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện để tăng trưởng toàn diện, tăng thu nhập, giải quyết tốt hơn vấn đề an ninh dinh dưỡng và an ninh lương thực đối với nhóm nghèo và cận nghèo, đặc biệt tại các vùng khó khăn.

Cùng với đó, phát triển nông thôn cần được triển khai song song với đô thị hóa nông thôn bền vững và tăng cường liên kết nông thôn - đô thị.  Xây dựng NTM cần gắn chặt với việc đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp và đổi mới mô hình tăng trưởng. Cần tạo đột phá trong phát triển công nghiệp và dịch vụ nông thôn để phát huy lợi thế của nông nghiệp và tạo việc làm ổn định, bền vững cho cư dân nông thôn. Đặc biệt, cần phải đưa văn hóa thành động mực mới cho xây dựng NTM. Xây dựng NTM gắn chặt với việc  tăng cường phát triển bền vững và bảo vệ môi trường nông nghiệp nông thôn…

Nguồn CPV

Tin cùng chuyên mục