Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Phi hành đoàn 29 người đã đảm nhiệm chuyến bay dài 33 giờ sang thành phố San Francisco (Mỹ) để đưa người Việt hồi hương.
Lúc 18h45 ngày 8/5, chuyến bay thẳng VN1 từ San Francisco (Mỹ) đã hạ cánh tại sân bay quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh), đưa 343 người Việt Nam về nước an toàn. Một ngày trước đó, máy bay khởi hành tại sân bay Nội Bài với một hành khách quốc tịch Mỹ và vận chuyển trang bị y tế do các đơn vị trong nước ủng hộ, gửi tặng cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ.
Các chuyến charter (thuê chuyến) của Vietnam Airlines trước đó đến Trung Quốc và Đông Nam Á chỉ trong 8-9 giờ hay đến châu Âu trong 24 giờ, còn đường bay lần này đến Mỹ dài hơn 25.000 km với hành trình 33 giờ.
Trên một chuyến bay chặng dài thường lệ, tổ bay thường có từ 14 đến 16 người, song do máy bay đến Mỹ phải quay đầu về luôn nên Vietnam Airlines đã huy động tổ bay với 29 người, gồm 8 phi công, 16 tiếp viên, còn lại là nhân viên kỹ thuật, nhân viên mặt đất. Phần lớn phi hành đoàn là nam giới, chỉ có 5 tiếp viên nữ trên máy bay.
Để hạn chế lây nhiễm, toàn bộ thức ăn, nước uống trên máy bay đều được mang theo từ Việt Nam. Thức ăn của phi hành đoàn bảo quản trong các thùng xốp chuyên dụng. Ngoài thức ăn theo tiêu chuẩn, đoàn bay còn chuẩn bị thêm cho các thành viên đội bay các thức ăn như xôi ruốc, thịt bò, trái cây và thuốc bổ. Với hành khách, mỗi người được phát 3 túi thức ăn là đồ nguội gồm bánh, sữa và 3 chai nước suối.
Phi hành đoàn họp trên máy bay trước giờ khởi hành. Ảnh: NVCC.
Ở sân bay San Francisco, mỗi thành viên phi hành đoàn có nhiệm vụ riêng. Các tiếp viên đón khách lên máy bay, đặt đồ ăn của khách tại chỗ ngồi. Các nhân viên mặt đất thực hiện các nghiệp vụ hành khách và hành lý, nhân viên kỹ thuật kiểm tra máy bay, tra nạp nhiên liệu cho chặng bay về nước.
Chỉ huy tàu bay, cơ trưởng Đặng Ngọc Cơ có 26 năm kinh nghiệm chia sẻ, đường bay đến Mỹ đi qua các nước Trung Quốc, Nga, Canada, hoàn toàn mới với các phi công Vietnam Airlines. Song anh cùng một số thành viên phi hành đoàn từng đi nhận máy bay Boeing 787-9 và Boeing 787-10 tại Mỹ trước đây, nên giờ không bỡ ngỡ trên hành trình này.
Chuyến bay VN1 từ Hà Nội đến San Francisco bay thẳng 14 giờ, máy bay dừng đón khách hơn 3 giờ tại sân bay. Chặng về vận chuyển 343 hành khách và hành lý nên máy bay Boeing 787-10 phải hạ cánh kỹ thuật xuống Alaska (Mỹ) để nạp nhiên liệu. Thời gian bay từ San Francisco đến Alaska là 4 giờ, rồi bay về Việt Nam gần 11 giờ. Bay chặng dài nên 4 tổ bay với 8 phi công phải thay nhau lái, nghỉ ngơi.
"Khi điều khiển máy bay đáp xuống sân bay San Fransico, tôi hồi hộp hơn các lần trước đến Mỹ vì nhiệm vụ lần này là phải đưa công dân Việt Nam ra khỏi vùng dịch và về nước an toàn. Chuyến bay đang được nhiều người mong ngóng", anh Cơ nói.
Công tác kiểm tra an ninh của phía Mỹ cũng khác biệt các nước khác. Sau khi đáp xuống sân bay, phía Mỹ yêu cầu toàn bộ phi hành đoàn xuống máy bay để nhập cảnh, kiểm tra an ninh sau đó làm thủ tục xuất cảnh. Thời gian đó, bộ phận an ninh sân bay lên máy bay Vietnam Airlines kiểm tra an ninh. Việc này khác với nhiều chuyến bay charter đón người Việt khác là phi hành đoàn không nhập cảnh.
"Khi thấy chúng tôi ở sân bay, các cháu du học sinh người Việt òa lên khiến chúng tôi xúc động", cơ trưởng Cơ bày tỏ.
Tiếp viên Nguyễn Thị Bạch Nga (trái) và đồng nghiệp trên chuyến bay. Ảnh: NVCC
Tiếp viên Nguyễn Thị Bạch Nga chia sẻ, nhóm chị đều là những tiếp viên tình nguyện xung phòng đi vào vùng dịch, là những người có kinh nghiệm bay lâu năm và có sức khỏe tốt. Trước khi lên máy bay, mỗi thành viên được phát hai bộ quần áo, mũ, bọc giầy, găng tay và gần chục chiếc khẩu trang đủ sử dụng cho cả hai chặng đi và về. Mỗi khi di chuyển trong các khoang hành khách, tiếp viên đều phải khử trùng toàn thân, thay khẩu trang, găng tay.
Chị Bạch Nga kể, hành khách lên máy bay được đo thân nhiệt hai lần tại nhà ga và cửa vào máy bay. Có khoảng 30% hành khách mặc đồ bảo hộ lên máy bay và toàn bộ hành khách đeo khẩu trang, nhiều du học sinh còn xin thêm khẩu trang trên máy bay và đeo hai chiếc.
Khoảng khắc ấn tượng với Nga là khi phi hành đoàn đi qua phòng chờ lên máy bay thì nhiều người Việt đứng lên chào đón họ, niềm vui rạng ngời trên từng ánh mắt, một số bạn trẻ nói lớn là "sắp được về rồi". Lên máy bay, hành khách đều khẩn trương vào chỗ ngồi mà không cần tiếp viên hướng dẫn, như họ muốn mau chóng về nhà.
Chị Nga cho biết, phần lớn hành khách lên tàu bay là du học sinh bị kẹt khi trường học đóng cửa, một số người lớn tuổi thăm con cháu bị kẹt lại. Họ đều mong muốn về nước do Covid-19 bùng phát ở Mỹ.
Tiếp viên trưởng Vũ Thị Thu Hà trước chuyến bay. Ảnh: NVCC.
Khi lên máy bay, một số du học sinh lộ rõ vẻ mệt mỏi, căng thẳng. Có em cho biết từ bang khác đến San Francisco trước đó cả tuần để về Việt Nam, song chuyến bay dự kiến ngày 2/5 phải dời đến 7/5 khiến các em phải chờ đợi mệt mỏi và căng thẳng lo sợ bị nhiễm bệnh. Một số em phải thuê khách sạn, nhà dân để tá túc.
Trên chuyến bay có một nữ hành khách bị nôn ói song không có biểu hiện ho sốt. Vị khách cho biết cô chưa ăn sáng và bị mệt mỏi, căng thẳng. Sau khi được các tiếp viên động viên, ăn uống đầy đủ, nữ hành khách đã ngủ được và khỏe dần.
Tiếp viên trưởng Vũ Thị Thu Hà kể, ấn tượng với cô là khi máy bay hạ cánh tại sân bay San Francisco, trời xanh nắng vàng chan hòa như chào đón. Khi làm thủ tục bay, các du học sinh đều hồ hởi gương cờ Việt Nam khiến cô xúc động.
Khi máy bay hạ cánh ở sân bay Vân Đồn, khoang hành khách rộ lên tiếng vỗ tay lớn. Nhiều người bày tỏ cám ơn phi hành đoàn đưa họ về an toàn sau hành trình dài. Một nam hành khách Việt kiều duy nhất trên chuyến bay chiều từ Việt Nam đi Mỹ cũng gửi lại một lá thư bày tỏ cảm ơn phi hành đoàn.
Niềm vui của phi hành đoàn sau khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Vân Đồn tối 9/5. Ảnh: NVCC.
Với tiếp viên Bạch Nga, chuyến bay đặc biệt đến Mỹ lần này là kỷ niệm đẹp nhất trong cuộc đời bay 28 năm của mình. Còn với Thu Hà, cô tự hào kể với bạn bè và các con rằng mình đã bay chuyến chở khách đầu tiên từ Mỹ của Vietnam Airlines.
Nguồn VNE