Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chuyển biến tích cực qua 10 năm cải cách hành chính
Thứ bảy: 07:02 ngày 10/10/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngày 8.11.2011, Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020. Cùng nhìn lại kết quả thực hiện cải cách hành chính trong 10 năm qua trên địa bàn tỉnh, những kết quả đạt được cũng như tồn tại, hạn chế...

Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận Một cửa.

Triển khai Nghị quyết số 30c/NQ-CP của Chính phủ, công tác cải cách hành chính nhà nước được đặc biệt quan tâm. Hằng năm, UBND tỉnh đều thành lập đoàn kiểm tra công tác cải cách hành chính (CCHC) đối với các sở, ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã. Tỷ lệ các cơ quan được kiểm tra bình quân hằng năm là trên 30%.

Từ năm 2011 đến nay, đã có 217 lượt kiểm tra chuyên đề CCHC tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở này, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã khắc phục các tồn tại, hạn chế sau kiểm tra công tác CCHC theo quy định như chấn chỉnh thời gian làm việc tại bộ phận Một cửa các cấp, việc công chức tiếp nhận các thành phần hồ sơ ngoài quy định của bộ TTHC do Chủ tịch UBND tỉnh công bố, khắc phục tình trạng hồ sơ trễ hạn, phải nâng cao việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động hành chính ở các cơ quan...

Việc giám sát công tác CCHC được HÐND tỉnh thực hiện theo chuyên đề hằng năm, theo giai đoạn và định kỳ theo kế hoạch công tác của HÐND tỉnh. Kết quả giám sát và báo cáo kết quả giám sát của HÐND tỉnh cho thấy, về cơ bản, HÐND tỉnh đánh giá cao những kết quả trong công tác CCHC mà UBND tỉnh tổ chức, triển khai thực hiện trong giai đoạn 2011-2020.

Thông qua công tác kiểm tra, giám sát, các cơ quan đã khắc phục ngay được những tồn tại, hạn chế và có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác CCHC tại đơn vị. Nhất là khi thành lập Trung tâm hành chính công tỉnh và kiện toàn lại bộ phận Một cửa các cấp theo Nghị định số 61/2018/NÐ-CP của Chính phủ, khi công dân đến giao dịch tại Trung tâm được đón tiếp và hướng dẫn chu đáo, tận tình, lịch sự và tạo được môi trường thân thiện, chuyên nghiệp. Ðây được coi như bước đột phá trong CCHC của tỉnh, tạo điều kiện tốt nhất để phục vụ người dân, doanh nghiệp khi đến giải quyết TTHC.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh xác định tuyên truyền về CCHC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác CCHC của tỉnh. Hằng năm, UBND tỉnh ban hành kế hoạch để thực hiện việc tuyên truyền về CCHC, đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể đối với từng sở, ban, ngành tỉnh và UBND cấp huyện, cấp xã; yêu cầu cơ quan hành chính các cấp thường xuyên phối hợp với các cơ quan truyền thông cập nhật kịp thời để đưa tin về tình hình, kết quả công tác CCHC của tỉnh đến người dân và doanh nghiệp.

Các cơ quan, địa phương tuyên truyền, hướng dẫn cán bộ công chức và tổ chức, cá nhân các nội dung liên quan đến việc tiếp nhận và trả kết quả. UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến sâu, rộng đến người dân, doanh nghiệp về Hệ thống thông tin tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ tại địa chỉ https://nguoidan.chinhphu.vn và https://doanhnghiep.chinhphu.vn.

Ðồng thời, yêu cầu cơ quan hành chính các cấp tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả quy chế phối hợp trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính trên địa bàn tỉnh tại Quyết định số 25/2018/QÐ-UBND.

Hiện nay, kênh “Hỏi đáp trực tuyến” tại địa chỉ https://hoidap.tayninh.gov.vn và cổng hành chính công trên ứng dụng Zalo đã trở nên quen thuộc với mọi đối tượng, cá nhân, tổ chức, khi gặp các vấn đề khó khăn, vướng mắc về chính sách, quy định hành chính, TTHC...  trong tất cả các lĩnh vực, đều được các cơ quan có thẩm quyền trả lời công khai, đầy đủ chất lượng tại đây.

Từ năm 2018, UBND tỉnh đã khai trương Cổng hành chính công tỉnh trên ứng dụng Zalo. Với cách thực hiện này, người dân chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh có kết nối mạng, truy cập vào Cổng hành chính công tỉnh trên mạng xã hội Zalo, chọn chức năng quan tâm, tìm đến loại TTHC mà mình cần thực hiện.

Dùng chức năng chụp ảnh chụp lại các thành phần hồ sơ bản chính của mình gửi đến cơ quan giải quyết TTHC. Khi có kết quả, hệ thống sẽ tự động nhắn tin trên mạng xã hội Zalo để cá nhân/tổ chức đến nhận kết quả hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính công ích cho người nhận theo địa chỉ đã khai báo trước đó.

Người dân không phải đến trực tiếp cơ quan nhà nước để nộp hồ sơ như trước đây. Ngoài chức năng trên, thông qua Cổng phục vụ hành chính công tỉnh trên ứng dụng Zalo, người dân có thể tra cứu tình trạng giải quyết hồ sơ và gửi phản ánh, kiến nghị qua ứng dụng Zalo. Ðây cũng là một kênh thông tin quan trọng góp phần vào công tác CCHC của tỉnh.

Ðể đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tặng các vật phẩm có in logo, địa chỉ hoặc số điện thoại hướng dẫn về thực hiện TTHC, các địa chỉ nộp hồ sơ trực tuyến và tuyên truyền cho người dân tại bộ phận Một cửa.

Ðồng thời, tổ chức nhiều hội thi về CCHC, về tin học phục vụ công tác CCHC cho công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh, tổ chức toạ đàm quốc tế liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin với chủ đề “Chuyển đổi từ chính quyền điện tử sang quản trị thông minh - lộ trình cho Tây Ninh”...

Chương trình tổng thể CCHC trên địa bàn tỉnh diễn ra theo đúng mục tiêu, nhiệm vụ tiến độ của Chính phủ, có sự chuyển biến tích cực qua các năm; chất lượng triển khai, chỉ đạo về công tác CCHC các cấp, các ngành được nâng lên.

Các cơ quan, đơn vị đã có sự quan tâm, trách nhiệm hơn trong chỉ đạo, điều hành khi thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về công tác CCHC theo các kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt và hướng dẫn của Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ, góp phần bảo đảm yêu cầu và đạt mục tiêu đề ra.

Mặc dù, công tác triển khai CCHC trên địa bàn tỉnh có chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn một số cơ quan có lúc công tác chỉ đạo, triển khai còn chậm, chưa được kịp thời, chất lượng chưa cao so với kế hoạch đề ra; sự vào cuộc của một số cơ quan, đơn vị vẫn còn thờ ơ, mang tính hình thức và đối phó; công tác CCHC ở một số cơ quan chưa gắn với công tác thi đua, khen thưởng; công tác đề bạt, bổ nhiệm, đào tạo đối với cán bộ, công chức, viên chức chưa được quan tâm đúng mức, chưa phù hợp, chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Công tác tuyên truyền về công tác CCHC mặc dù có nhiều hình thức mới nhưng hiệu quả chưa đạt như kỳ vọng. Công tác tuyên truyền, hướng dẫn cá nhân, tổ chức- đặc biệt là nhân dân tham gia vào sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 ở nhiều cơ quan vẫn còn thụ động, hạn chế.

Công tác kiểm tra, xử lý sau kiểm tra chưa thường xuyên, vẫn còn một số cơ quan khắc phục chưa triệt để, chưa kịp thời. Công tác tự kiểm tra, giám sát và phản biện xã hội về CCHC tại cơ quan hành chính các cấp chưa thật sự hiệu quả.

VIỆT ÐÔNG

Từ năm 2011 đến nay, tỉnh có hơn 15 sáng kiến được bộ, ngành Trung ương công nhận và đã được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, đem lại hiệu ứng tích cực như: Thí điểm đánh giá chỉ số CCHC đối với các sở, ban, ngành tỉnh và UBND cấp huyện trên phần mềm xác định chỉ số CCHC điện tử; Thành lập Trung tâm Giám sát, điều hành kinh tế, xã hội tập trung tỉnh Tây Ninh; Thực hiện cấp giấy phép lái xe ngay tại nơi sát hạch sau khi đạt kết quả thi; Triển khai kênh “Hỏi đáp trực tuyến” tại địa chỉ https://hoidap.tayninh.gov.vn để giao tiếp giữa chính quyền và nhân dân; Triển khai trang bị 100% hệ thống camera giám sát tại bộ phận Một cửa các cấp...

Tính đến nay, Tây Ninh ban hành đầy đủ các văn bản chỉ đạo, điều hành theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Nội vụ, Cục Kiểm soát TTHC - Văn phòng Chính phủ. Ðồng thời, đã chỉ đạo tổ chức triển khai, quán triệt sâu, rộng các văn bản trên đến từng cán bộ, công chức, viên chức các cấp, các ngành, địa phương.

Tin cùng chuyên mục