Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Chuyện buồn của người bán tiểu cầu!
Thứ bảy: 08:53 ngày 18/08/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Bán tiểu cầu từ lâu đã trở thành một "nghề" mà theo cách nói của những người đi bán nhiều năm: "Làm một lần là ghiền, muốn bỏ cũng không được".

Chúng tôi đến Bệnh viện (BV) Truyền máu - Huyết học (phường 12, quận 5, TP HCM) vào giờ nghỉ trưa. Dẫu vậy, vẫn có rất đông người ngồi đầy các dãy ghế chờ bán tiểu cầu. Thỉnh thoảng có vài người từ trong phòng lấy tiểu cầu bước ra, máu trên tay chưa kịp đông lại, họ đã vội vàng đến bàn nhân viên ký tên để nhận tiền.

Nặng gánh mưu sinh

Gương mặt tái mét, vừa bước chân ra khỏi phòng lấy tiểu cầu, chị N.T.L.T (45 tuổi, quê Tiền Giang) ôm đầu, bước đi loạng choạng. "Hôm nay lên trễ, chưa kịp ăn, lại ngồi đợi lâu quá nên hơi chóng mặt. Do cuộc sống khó khăn, phải nuôi 2 đứa con nên vợ chồng tôi phải thay nhau đi bán tiểu cầu để có thêm ít tiền trang trải cuộc sống" - chị L. kể với chúng tôi lúc đang ngồi nghỉ lấy sức.

Một lát sau, một phụ nữ vội vã chạy vào, mồ hôi nhễ nhại, thở hổn hển vì sợ trễ giờ. Tuy nhiên, vẫn chưa đến lượt, chị lấy ổ bánh mì không ra ăn trưa. Tự giới thiệu tên N.K.T (48 tuổi; ngụ quận 7, TP HCM), làm nghề phụ hồ, chị cho biết đã có "thâm niên" hơn 20 năm bán máu và chuyển sang bán tiểu cầu được mấy năm nay. "Hồi trước tôi bán bên BV Chợ Rẫy, giờ chuyển qua đây. Khổ lắm, sống một mình không sao chứ còn con cái, nhà trọ… thì phải kiếm thêm mới đủ sống" - chị T. than thở.

Tại BV Chợ Rẫy, mới khoảng 8 giờ 30 phút mà phòng chờ bán tiểu cầu đã chật kín người. Chúng tôi làm quen với mẹ con chị N.T.X.L và N.T.K.Q (18 tuổi). Từ huyện Củ Chi, 5 giờ sáng, họ đã phải tranh thủ bắt xe lên cho kịp giờ. "Chồng tôi mất trong vụ tai nạn giao thông lúc Q. mới 3 tuổi.

Cố gắng lắm tôi cũng chỉ lo được cho Q. học đến lớp 10. Nó học giỏi, khéo tay, vẽ đẹp, được thầy cô, bạn bè quý mến. Hồi nghỉ học, nó buồn, khóc cả tháng trời. Bạn bè nó giờ đã vô đại học, phải chi ba nó còn sống, chắc con đường học vấn của nó không dang dở" - chị L. thở dài.

Nghe mẹ nói, cô bé K.Q đang đội chiếc mũ lưỡi trai sùm sụp che nửa khuôn mặt, ngước lên tiếp lời: "Hồi còn đi học, em ước thi vào trường kiến trúc vì rất thích vẽ. Giờ em đang làm giấy tờ để đi làm, vì thương mẹ nên em năn nỉ đòi theo bán tiểu cầu. Lần đầu đi bán, không đau lắm nhưng về nhà tay em sưng phù, lan ra bầm tím cả cánh tay. Giờ tay em chi chít vết kim tiêm, vết này chưa kịp lành thì vết khác lại đến…".

Ngồi cạnh chúng tôi, chị Phạm T.T.T (40 tuổi; ngụ quận 8, TP HCM) cũng góp chuyện. Năm 17 tuổi, chị T. rời quê lên TP làm nhiều việc để mưu sinh và cuối cùng trụ lại với "nghề" bán máu để phụ cha mẹ nuôi đàn em 6 đứa. "Tôi nhận gia công quần áo tại nhà và làm thêm "nghề" này.

Những lần lấy tiểu cầu, phải ngủ trước 22 giờ nhưng đêm nào tôi cũng làm tới 2-3 giờ sáng. Cứ nghĩ ráng một chút cho xong nhưng nhiều khi không đủ sức khỏe, không thể bán, còn phải tốn thêm tiền thuốc" - chị T. tâm sự. Đến nay, các em đã lập gia đình, riêng chị T. vẫn thui thủi một mình, ráng bán tiểu cầu để chắt chiu cho tuổi già hiu quạnh sau này.

Cứ đầu giờ chiều là Bệnh viện Truyền máu - Huyết học chật kín người bán tiểu cầu để mưu sinh. Ảnh: NGỌC HÂN

Tình người

Nhiều ngày ra vào 2 BV trên, chúng tôi nhận thấy những người ở đây hầu hết đều quen biết nhau. Dù cách nói năng bỗ bã, có phần thô lỗ nhưng họ lại rất quan tâm nhau. Như cô gái chừng 23-24 tuổi mới lấy xong tiểu cầu, ngồi ăn miếng bánh mì ngọt.

Thấy người phụ nữ ngồi cạnh có vẻ mệt mỏi, cô đưa vỉ thuốc bổ BV phát rồi nói: "Cô lấy cái này về uống thêm nè, nhìn da nhợt nhạt quá, coi chừng tháng sau không có tiểu cầu bán". Tiếp đó, cô lấy lốc sữa đưa cho người phụ nữ "đem về cho cháu cô uống". Thấy chúng tôi thắc mắc, cô cười xòa: "Ai vô đây bán cái này cũng đều khó khăn. Em còn trẻ, sức khỏe cũng có nên nhìn mấy cô tự nhiên thấy thương".

Lần khác, người đàn ông có vẻ mặt bặm trợn vừa bước ra từ phòng rút tiểu cầu liền cầm lốc sữa và vỉ thuốc được phát đưa ngay cho người phụ nữ lớn tuổi cũng vừa bước ra nhưng có vẻ đang choáng. "Coi có chịu nổi không, không nổi thì tháng này lấy một lần thôi nghen, nhìn bà thấy ớn quá" - ông nói.

Để cảm nhận, chúng tôi cũng đăng ký bán tiểu cầu tại BV Truyền máu - Huyết học. Sau khi được khám, xét nghiệm máu và đặt lịch hẹn, chúng tôi đến phòng rút tiểu cầu. Theo quy trình, nhân viên BV dùng kim tiêm to gấp 2-3 lần so với lúc thử máu đâm vào tay người bán tiểu cầu.

Từng dòng máu tuôn theo đường dẫn vào máy, thỉnh thoảng máy lọc rung lên, tay người bán lại nhói đau. Sau khi máy tự động chiết tách giữ lại phần tiểu cầu màu vàng, máu được trả lại vào cơ thể.

Hơn 1 giờ rút tiểu cầu, chúng tôi được phép ra về. Nhìn gương mặt phờ phạc của chúng tôi, những người đang ngồi chờ liền hỏi thăm và tận tình chỉ bảo phải ăn uống đầy đủ, ngủ trước 22 giờ để không mất sức.

"Lần đầu chỉ bán được tiểu cầu đơn, lần sau muốn thử đạt tiểu cầu đôi phải ăn nhiều mắm tôm hoặc bún mắm để lượng tiểu cầu tăng lên (tiểu cầu đôi giá 700.000 đồng, tiểu cầu đơn 400.000 đồng - PV)" - một phụ nữ bày "mẹo". Cũng theo những người bán lâu năm, để có thêm tiền, bán ở BV Truyền máu - Huyết học, chừng 2 tuần sau qua BV Chợ Rẫy nhưng phải cố gắng giữ sức khỏe tốt. 

Hiến tiểu cầu rất an toàn

Theo TS-BS Lê Hoàng Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền máu BV Chợ Rẫy, tiểu cầu có chức năng cầm máu và đông máu, rất cần cho những bệnh nhân giảm tiểu cầu, ung thư, rối loạn chảy máu... Tiểu cầu khi được lấy ra chỉ sống 5 ngày nên các trung tâm truyền máu, BV cần bảo đảm nguồn hiến tiểu cầu thường xuyên. Hiến máu thì 3 tháng, còn hiến tiểu cầu từ 3-4 tuần có thể hiến lại. Hiến tiểu cầu rất an toàn bởi tiểu cầu được tách ra từ máy và số lượng tiểu cầu sẽ hồi phục trong một thời gian ngắn. 

P.DŨNG

Nguồn NLĐO

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh