Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Viết ngắn:
Chuyện cây roi
Chủ nhật: 19:18 ngày 26/04/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Còn tôi, mang theo những vết roi giáo huấn vô hình trong tiềm thức của đấng sinh thành, của thầy cô bước vào đời, đi cùng năm tháng mà không chút oán thán; vì nó phần nào giúp tôi hoàn thiện hơn về nhân cách, tử tế hơn về lối sống.

Có lẽ còn nhiều người cho rằng câu tục ngữ xưa: “Thương cho roi cho vọt/ Ghét cho ngọt cho bùi” có vẻ mâu thuẫn sao sao ấy! Ai đời: Đã “thương” thì phải nâng niu cưng nựng; đã “ghét” thì không thèm nhìn mặt, không quan tâm đến kẻ ấy chứ! Tôi nghĩ câu tục ngữ trên của người xưa thực ra là lời khuyên dạy mang ý nghĩa sâu xa, thâm thuý.

Thương yêu trẻ thì phải nghiêm khắc dạy bảo; khi thấy trẻ làm điều sai trái thì không nên làm lơ, buông bỏ hay a tòng ngợi khen chiều chuộng sẽ làm trẻ được đằng chân lân đằng đầu… thành ra ngày càng hư hỏng.

Xưa, các bậc cha mẹ thường dùng roi vọt để răn dạy con cái, nên hầu như nhà nào cũng có cây roi mây (hoặc thay thế bằng cây chổi lông gà cán mây), treo ở đâu đó. Nhà tôi cũng có một cây roi mây mà cha có lần nói vui: Đó là “của hồi môn” ông nội để lại cho thằng út- là cha đó.

Nhưng sao phải là roi mây mà không phải loại cây khác? Nó có công dụng đánh trẻ đau hơn hay chỉ đơn giản nó có vẻ ngoài suôn đuột bóng láng? Có thể nói, cây roi thời đó là “biểu tượng” cho sự uy nghiêm, cũng như phần nào đó “gia cố” vững chắc thêm nền móng đạo đức (?).

Một đứa bé manh nha thực hiện một điều xấu, nhưng khi liếc nhìn cây roi mây của cha treo trên vách thì bỗng chùn chân. Một cậu học trò tay cầm viên phấn định lén viết/vẽ bậy lên tường phòng học hay lên bảng, chợt hình dung đến cây “thiết bảng” của thầy giám thị liền bóp nát viên phấn…

 Không biết giấc ngủ trưa có ích gì cho sức khoẻ, mà hồi đó, trưa nào cha cũng bắt anh em tôi phải lên nằm ngủ trên bộ ván ngựa với cây roi mây để dưới chân như “dằn mặt” vậy. Chúng tôi nằm lăn qua trở lại không ngủ được. Nhắm mắt… để đó mà ấm ức. Hình dung ngoài kia các bạn nhỏ hàng xóm đang say sưa chơi bắn bi, đánh trỏng, thảy đáo... Nhiều lần muốn vượt thoát để ra tham gia cùng chúng, nhưng toan tính mới nhen lên đã bị dập tắt khi nhìn thấy cây roi- tuy nhỏ, nhưng uy lực rất lớn- ngáng chân cản lối.

 Xưa, trong các trường tiểu học, một số thầy cô thường dùng cây thước kẻ thay roi khẻ vào tay các trò nhỏ không thuộc bài hay hiếu động nghịch phá. Lên bậc trung học, các cô cậu thiếu niên đã có các thầy giám thị phụ trách “chăm sóc”, với cây roi mây thường giắt sau thắt lưng. Ai đã từng trải qua 12 năm mài đũng quần trên ghế nhà trường mà không ít nhất một lần bị thầy cô phạt quỳ gối, thụt dầu, hít đất, khẻ thước vô tay hay đét roi vô mông… thì trò ấy thuộc loại siêu giỏi, thượng đẳng của sự chăm ngoan.

Trong “bề dày lịch sử” những trận đòn roi, thì có đến 3 trận đòn đã để lại dấu ấn sâu đậm nhất trong quãng đời niên thiếu của tôi. Đó là lần đầu tiên lúc tôi lên 8 tuổi. Mẹ bắt tôi cúi xuống đánh 3 roi khi cha vắng nhà, vì tôi vô ý ném đá trúng thằng bé hàng xóm u đầu chảy máu… Tôi thút thít khóc. Còn mẹ thì cũng không kiềm được nước mắt. Tôi thờ ơ không biết mẹ bị giày vò vì làm tôi đau hay bất lực không bảo ban uốn nắn được thằng con nhỏ quá quắt?

Còn vào đầu năm học lớp đệ lục (lớp 7 bây giờ), tôi không đăng ký vào lớp mới, mà lấy hết tiền học phí đua đòi theo mấy “đàn anh” lớp trên ngông nghênh: “Đã từng phen trèo cổng bỏ trường về/ Xếp đạo đức dưới bàn chân ngạo mạn” (thơ Đinh Hùng), đàn đúm la cà trong quán chơi bi-da, tập tành uống cà phê, phì phà thuốc lá.

Tất nhiên, cây kim giấu trong bọc cũng có ngày lòi ra. Sự việc đổ bể. Cha nổi trận lôi đình, lôi tôi về “tẩn” cho một trận tơi bời hoa lá với số roi không kịp đếm. Mẹ tôi khóc lóc van xin cũng không lay chuyển được lòng cha đã quyết...

Và lần thứ 3 là cả lớp đệ tứ của tôi (bây giờ là lớp 9), bị thầy hiệu trưởng vốn rất hiền lành- nện cho một trận nên thân, mỗi đứa 5 roi đau thấu trời xanh. Số là, chưa hết học kỳ 1 mà quyển sổ ghi điểm của lớp biến mất một cách bí ẩn. Chuyện tày đình này không phải một, mà là đến hai lần. Đích thân thầy gọi hỏi tra xét từng đứa, nhưng không tìm ra chút manh mối nào.

Vì không tìm được thủ phạm khiến thầy nổi cơn thịnh nộ đến đỏ mặt tía tai. Mà dẫu có nhân hậu như ông Bụt trong cổ tích chắc cũng không thể không giận dữ trước việc làm của lũ nhỏ chỉ đứng sau quỷ và ma! Thế là gần 40 tấm thân trai dài lưng tốn vải cùng nằm sấp trên bàn (lớp tôi đặc biệt không có học trò nữ), gồng mông đau đớn trước trận đòn vô tiền khoáng hậu này.

Dòng đời không phẳng lặng trôi xuôi mà mặc nhiên chảy qua bao thác ghềnh bon chen, nghiệt ngã. Ở đó không có những ngọn roi dạy dỗ; mà thay vào là những cú đấm, những cái tát tai nảy lửa, tàn nhẫn và thù hằn- như trong lời một bài hát xưa: “Vì trên lưng cong oằn/ Những vết roi vẫn in hằn…” đã thể hiện.

Còn tôi, mang theo những vết roi giáo huấn vô hình trong tiềm thức của đấng sinh thành, của thầy cô bước vào đời, đi cùng năm tháng mà không chút oán thán; vì nó phần nào giúp tôi hoàn thiện hơn về nhân cách, tử tế hơn về lối sống.

Bạo lực nói chung và cây roi nói riêng đến giờ dường như chưa bị triệt tiêu. Bởi lẽ, đó đây thỉnh thoảng vẫn còn tin thầy cô giáo hành xác học trò (nhất là các cháu mầm non), vẫn còn bọn thanh thiếu niên mâu thuẫn xung đột nhau, đến các vụ bạo hành trong gia đình... bị phanh phui qua báo chí hoặc mạng xã hội. Giáo dục con cái hay học trò bằng roi vọt- đồng nghĩa với bạo lực- không còn phù hợp, thậm chí là xúc phạm nhân phẩm của trẻ. Mong sao hình ảnh những- cây- roi- bạo- lực sẽ không bao giờ quay trở lại trong cuộc sống này, vĩnh viễn…

HÀ NHỮ UYÊN

Tin cùng chuyên mục