Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Chuyện chùa Long Thọ
Thứ tư: 05:50 ngày 20/09/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Từ cách vài trăm mét, đã có thể nhận ra khu chùa Long Thọ. Là bởi những tán cây cao vút nổi lên sẫm bóng một bên đường. Long Thọ đấy! Một khoảng rừng thưa xao xác tràm vàng. Đây đó còn là những cây sao thẳng đuột, da dẻ mỡ màng vươn cao xoè rộng tán. Khuôn viên đất cát mịn màng.

Sư thầy Thích Tịnh Châu bên mộ thân mẫu- bà Võ Thị Nhàn, tại chùa Long Thọ.

Đấy là dịp trung tuần tháng 8. Đang mùa chuẩn bị khai giảng năm học mới, nên con đường từ ngã ba Long Khánh đi vào ấp Long Phú bỗng tấp nập học trò đạp xe. Học sinh đã ríu ran trong các khoảng sân trường. Mới được tu sửa hoặc sơn quét lại hay sao, mà những dãy lớp học 2 hoặc 3 tầng đều tinh tươm, tươi mới. Xã vùng biên mà trường học cũng lên tầng. Bên THCS tới ba tầng còn bên tiểu học Long Khánh A cũng 2 tầng dịu màu xanh ngọc mái tôn giả ngói. Con đường trở nên tấp nập người xe.

Bởi thế chăng, mà đường như ngắn lại. Từ trục tỉnh lộ 786 đi vào Long Thọ chỉ hơn cây số là cùng. Mà cũng có thể do con đường xuyên dọc xã Long Khánh ra đến tận đường biên giới này đã được sửa sang, nâng cấp nên mặt nhựa thẫm đen, người đi xe máy cứ yên tâm lăn bánh.

Từ cách vài trăm mét, đã có thể nhận ra khu chùa Long Thọ. Là bởi những tán cây cao vút nổi lên sẫm bóng một bên đường. Long Thọ đấy! Một khoảng rừng thưa xao xác tràm vàng. Đây đó còn là những cây sao thẳng đuột, da dẻ mỡ màng vươn cao xoè rộng tán. Khuôn viên đất cát mịn màng.

Trước khoảng rừng này chỉ có chơ vơ một cái cổng tam quan. Xưa đến nay, chùa Long Thọ vẫn không có hàng rào, nên cái cổng trở thành đơn độc. Cổng với bốn cột vuông chia ba lối chính, phụ hẳn hoi. Sơn vôi đã vàng ố rêu phong. Chỉ còn ô bảng chữ tên chùa màu đỏ sen với 3 chữ Hán, kèm hàng chữ Việt là chùa Long Thọ.

Vào thêm một chút, ta sẽ thấy hai cây sao đẹp nhất hiên ngang ngự trước sân chùa. Từ độ cao hơn 10 mét của tấm thân thẳng đuột, những cành lá mới xoè ra uốn lượn tạo nên muôn dáng hình kỳ dị giữa không trung. Phía sau công trình đang xây dựng, vẫn còn nữa một cây dầu cổ thụ.

Tất cả chỉ còn khoảng mười cây có lẽ là của rừng xưa. Nên nhớ, trước khi mở đất lập làng bên hữu ngạn sông Vàm Cỏ Đông, nơi đây vẫn còn dằng dặc rừng già Quang Hoá.

Long Khánh thuộc vùng đất xưa được gọi Ngũ Long, cũng là một trong những miền được thiết lập bộ máy hành chính từ rất sớm. Sớm nhất chính là thôn Long Giang kế cận bên Long Khánh. Long Giang là thôn có từ năm 1836, cùng thời với việc lập phủ Tây Ninh.

Kế đến là Long Thuận và Long Chữ được thành lập năm Minh Mạng thứ 19 (1838). Đến năm Thiệu Trị thứ 5 (1845) thì quan Tuyên phủ sứ Tây Ninh Cao Hữu Dực mới lập nên một loạt thôn mới, trong đó có thôn Long Khánh, thuộc tổng Giai Hoá, huyện Quang Hoá, phủ Tây Ninh…(Theo Từ điển địa danh hành chính Nam bộ. Nxb Chính trị Quốc gia xuất bản 2008).

Theo Thượng toạ Thích Tịnh Châu, từng có thời gian trụ trì chùa Long Thọ, ngôi chùa đã có ngay từ khi lưu dân tới đây mở đất lập làng. Ông cũng cho rằng ngay từ cuối thế kỷ XVIII, khoảng năm Canh Tý (1780) đã có “các nhóm dân cư Việt - Hoa ở rải rác trong các xóm như xóm Chùa, xóm Truông Sơn, xóm Bàu Cua, xóm Khách… dọc theo rạch Vàm Bảo đến tận bưng Đìa Sấu, Mồ Côi…” (Tập ghi chép của Thượng toạ nhan đề: “Tiểu sử Long Thọ cổ tự…”).

Khi ấy, có nhóm trẻ mục đồng thả trâu rồi chơi trò lập miếu, chùa, nắn tượng. Khi thả xuống đìa, nếu tượng không chìm sẽ được vớt lên, cất mái lá thờ.

Trong một lần chúng đắp một pho tượng rỗng khá lớn, thì tượng nổi lên, chúng cất một am tranh lớn làm nơi cúng vái, khói hương. Thấy sự cầu cúng có ứng nghiệm, nên người lớn hùn vào lập nên một ngôi chùa tranh vách đất. Đấy chính là chùa Long Thọ buổi “sơ sinh”, còn chơ vơ heo hút giữa đồng bưng.

Vậy là chùa đã ra đời từ rất sớm, nhưng tiếc rằng đây cũng chỉ là truyền tụng, mà chưa có vật chứng nào xác nhận. Chỉ đến khi thôn Long Khánh được ghi trong đơn vị hành chính của triều Nguyễn, ngôi cổ tự này mới được xác định rõ ràng hơn.

Đấy là sau khi có tên làng (1845), các bậc kỳ lão mới quyết định di dời chùa sang bên này bưng, trên phần đất giồng do dòng họ Trương khai phá và làm chủ. Ông Trương Văn Tại (Tám Tại) đã hiến phần đất 1,2 mẫu (ha) để thôn xây dựng ngôi chùa 5 nóc hẳn hoi.

Từng nóc chùa ấy là: chính điện, chùa tổ, nhà giảng, hậu đường và ngôi nhà trù (bếp). Dưới mỗi nóc ngói âm dương là cột kèo liên kết kiểu “tứ trụ” với cột cây và vách ván. Đến năm 1932, bà Trương Thị Lân cúng cho chùa “hai sở điền ở xóm Truông Sơn” có diện tích 3,55 ha để chùa thu hoa lợi, tu bổ và nhang đèn cúng Phật.

Cùng với chùa, ngôi đình Long Khánh cũng được dựng lên ngay sát đất chùa sau năm 1845. Chùa nghèo, nên trải qua thời gian gần 100 năm (1845-1940), nhiều vị sư đến rồi đi. Thế hệ trụ trì về sau như Thượng toạ Tịnh Châu chỉ còn nhớ một một vị sư tổ Thiện Ân- “một vị thiền sư đắc đạo chơn chánh tu hành”. Cho đến năm 1940, các bậc kỳ lão trong làng mới mời được Thiền sư Hồng Chơn- Thiện Tín từ chùa Thiền Lâm - Gò Kén sang phục hồi và trụ trì ngôi chùa đã gần như đổ nát.

Vị sư giản dị, cần cù như một bác nông dân này đã lần hồi, vừa tăng gia sản xuất, vừa tu bổ dần những ngôi nhà đổ nát. Chính ông cũng trồng hàng trăm cây sao, mà độ mười cây còn lại tới ngày nay. Ông còn liên kết với sư Thích Nhật Ân- một nhà sư yêu nước trụ trì ở chùa Bửu Long- Bàu Tượng tham gia Nông hội đỏ của Mặt trận Việt Minh những năm trước cách mạng.

Vì thế, khi phong trào cách mạng đã lên cao năm 1945, chùa Long Thọ và đình làng chính là nơi tập hợp, huấn luyện thanh niên tiền phong- lực lượng chủ chốt trong việc giành lấy chính quyền trong Cách mạng tháng 8.1945. Tháng 11, địch lên tái chiếm Tây Ninh, chùa và đình lại “tiêu thổ kháng chiến”.

Khi tình hình tạm yên, chùa lại nhoai nhách sống với rau khoai bắp vườn chùa. Đã bao lần giặc dồn đuổi chùa vào Châu Vi (thời Pháp) và ấp chiến lược (thời chống Mỹ) chùa vẫn không đi, dù ngôi đình đã buộc phải dời vào ấp Long Châu. Những năm thập kỷ 60, bom Mỹ lại một lần nữa san phẳng chùa Long Thọ.

Đấu tranh đòi đền bù, địch phải bồi thường. Tiền ấy cũng chỉ đủ xây một nóc ngôi chính điện còn lại tới bây giờ… Sau mấy mươi năm, đến khi thượng toạ Thích Tịnh Châu về nhận chùa năm 1988 thì chùa đã gần như hoang phế. Ông kể: “9 tượng Phật do chùa Bàu Tượng gửi không cốt nào còn nguyên vẹn, gãy đầu, sứt tay, bể bụng, tróc sơn…

Tường nứt đầy vết đạn, nền đất, tường cũ có lẽ 30 năm chưa quét lại… ngày thường không người lai vãng…”. Ấy thế mà trong 4 năm trụ trì, sư Tịnh Châu cũng đã hẩm hút muối dưa, tôn tạo lại chùa dù chỉ là chống dột cho mái, xây tường ngôi chánh điện (trước đó còn trống trước, hở sau). Và thành tựu lớn nhất chính là pho tượng Thích Ca, vẫn còn tới hiện nay ngự giữa ngôi chánh điện.

Tượng cao đến 3m4, tư thế ngồi toạ thiền và khá đẹp, dù chỉ là từ đôi bàn tay một “nghệ sĩ tay ngang”. Ông cứ từ tốn dựng khung sắt, đắp vữa xi măng, rồi sơn vẽ mà nên sau tới mấy năm. Các khung cảnh đơn sơ mộc mạc mà vẫn lạ thường này đã quen với mắt người đến viếng chùa Long Thọ suốt 30 năm nay. Dễ nhớ, vì có một ấn tượng: chùa thì cực nhỏ, mà tượng Phật thì cực lớn.

TRẦN VŨ

Tin cùng chuyên mục